Thứ Tư, 18/12/2024
Chủ động triển khai, cách làm sáng tạo trong giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững ở Tuyên Quang

 Công nhân làm việc tại dây chuyền chế biến gỗ công nghiệp thuộc
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang

Chủ động triển khai, cách làm sáng tạo

Tuyên Quang là tỉnh không có sẵn nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư bởi những hạn chế về địa lý, tuy nhiên tỉnh đã chủ động triển khai những cách làm sáng tạo, đem đến nhiều hiệu quả tích cực. Trong những năm gần đây, tỉnh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh và quảng bá hình ảnh Tuyên Quang thân thiện, an toàn, hiệu quả đến nhà đầu tư. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp đến thiết lập trụ sở, xây dựng nhà máy, công xưởng. Các ngành nghề hết sức đa dạng: may mặc, chế biến gỗ công nghiệp, chế biến nông sản, chế biến khoáng sản, sản xuất phân bón, chế biến chè, sản xuất gạch tuynel…, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, tính đến tháng 6/2020, đã có 9.330 lao động được giải quyết việc làm, đạt 44,43% kế hoạch đề ra cho cả năm. Trong đó, trên 3.800 trường hợp được tư vấn, giới thiệu việc làm qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Cùng lợi thế về nguồn lao động dồi dào, đưa người dân đi làm việc tại nước ngoài là một trong những giải pháp được tỉnh chú trọng nhằm nâng cao thu nhập và đời sống người dân, tiến tới xóa đói giảm nghèo. Những năm trở lại đây, số lao động trong tỉnh đi xuất khẩu lao động ở thị trường nước ngoài ngày càng tăng, chủ yếu sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu... Thời gian vừa qua, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động với việc tạo điều kiện để những đơn vị uy tín trong lĩnh vực này về địa phương tuyển dụng lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Từ đó, người dân địa phương có cơ hội làm việc với mức lương hấp dẫn, thoát khỏi đói nghèo, nhất là những đối tượng đặc thù như người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo…

Giải pháp tổng thể hỗ trợ việc làm

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác giải quyết việc làm cho người dân địa phương, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động tại Tuyên Quang. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự để duy trì bộ máy hoạt động thiết yếu trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó. Cùng với đó, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan dẫn đến lĩnh vực xuất khẩu lao động của tỉnh bị thu hẹp đáng kể trong những tháng đầu năm 2020. Vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân tại Tuyên Quang đứng trước nhiều thách thức.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang) với vai trò chủ chốt trong mạng lưới kết nối cung - cầu lao động tại địa phương đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực để giải quyết việc làm cho người lao động.

Trung tâm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, thông báo trên website, mạng xã hội… nhằm phổ biến sâu rộng các thông tin tuyển dụng đến các huyện, thành phố, giúp người lao động tiếp cận dễ dàng và thuận tiện hơn đến các công ty có uy tín trong và ngoài tỉnh. Song song với đó, trung tâm liên kết với nhiều cơ quan, đơn vị để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động để người lao động có cơ hội tìm hiểu thị trường lao động cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng đến gần hơn với người lao động. Tại các phiên giao dịch việc làm, người lao động cũng được tư vấn để hình thành định hướng cụ thể về nghề nghiệp tương lai, giải đáp thắc mắc bởi các chuyên gia về lao động - việc làm. Bên cạnh các phiên giao dịch việc làm tập trung, trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến, kết nối lao động các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Xác định giải pháp trọng tâm để nâng cao cơ hội việc làm là phải nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, lao động thất nghiệp… được đặc biệt chú trọng. Trung tâm đã và đang tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để tổ chức những lớp dạy nghề ngắn hạn, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; liên kết với những cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín để tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động. Công tác đào tạo bám sát thực tế, tập trung vào những ngành nghề có tính ứng dụng cao như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, nấu ăn, cơ khí, kế toán doanh nghiệp, lái xe ô tô…

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tuyên Quang sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú về việc làm và hồ sơ ứng viên nhằm tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm hiệu quả cho người lao động và người sử dụng lao động./.

Thảo Quyên

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất