Thứ Bảy, 27/4/2024
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2016-2020 tại Ninh Thuận

Đến nay, hoạt động của NHCSXH đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.

Tiêu biểu là việc huy động nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Từ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương, NHCSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân; đồng thời, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.


 Cán bộ NHCSXH giải ngân vốn vay cho người dân huyện Thuận Nam

Theo báo cáo của NHCSXH, đến đầu tháng 11/2020, tổng nguồn vốn đạt 2.333,7 tỷ đồng, tăng 950,7 tỷ đồng so với đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,7%/năm. Từ nguồn vốn huy động được, NHCSXH đã giải ngân cho 134.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với số tiền 3.797 tỷ đồng; góp phần giúp cho hơn 11.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Giải quyết cho hơn 16.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 5.700 lao động được tạo việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm; xây dựng trên 19.000 công trình vệ sinh môi trường và hơn 12.000 công trình nước sạch ở nông thôn; hơn 47.200 hộ thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn phát triển kinh tế - xã hội với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng; hỗ trợ 897 căn nhà ở cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp và phòng, tránh bão, lụt; hơn 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn với số tiền 136 tỷ đồng. Việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách giúp cho hầu hết hộ vay vốn đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng, NHCSXH đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Hằng năm, NHCSXH đã tham mưu giao chỉ tiêu nâng cao chất lượng tín dụng cho cấp huyện, xã; đồng thời, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giao chỉ tiêu giảm nợ quá hạn cho Hội cấp huyện, xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như trưởng thôn, khu phố để triển khai thực hiện. Năm 2019, NHCSXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bứt phá về nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có chất lượng tín dụng còn thấp, chưa ổn định tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đề ra các biện pháp, giải pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng. Đến đầu tháng 11-2020, doanh số thu nợ đạt 2.632 tỷ đồng; tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng đạt 2.325 tỷ đồng, tăng 68,4% so với đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,7%/năm; nợ quá hạn là 5,7 tỷ đồng, chiếm 0,25%/tổng dư nợ, giảm 0,44% so với đầu năm 2016; nợ khoanh là 22 tỷ đồng, chiếm 0,96%/tổng dư nợ.

Việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, các ngành, các cấp đều chung tay thực hiện, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương tín dụng chính sách của Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương và nhu cầu của người dân; được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Mặc dù có những thời điểm khó khăn, nhưng nhìn chung, nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng tương đối đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân 1,84%/năm và giảm 9,19% so với đầu giai đoạn, đến cuối năm 2020 giảm còn 5,74%. Vốn tín dụng chính sách được tập trung đầu tư vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo và các xã thuộc vùng khó khăn, vùng miền núi, tổng dư nợ đạt hơn 957 tỷ đồng với hơn 27 nghìn hộ vay vốn, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập người dân vùng khó khăn, miền núi.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, NHCSXH tăng cường huy động nguồn vốn nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; tăng cường vai trò tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; tham mưu củng cố, kiện toàn kịp thời ban đại diện hội đồng quản trị các cấp; thường xuyên phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại địa phương, nâng cao nhận thức cho hộ vay khi vay vốn, quan tâm công tác dân vận, làm cho hộ vay hiểu và chấp hành tốt các quy định về tín dụng khi vay vốn. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, gương người tốt, việc tốt, các mô hình làm ăn hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiền Lương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất