Thứ Năm, 2/5/2024
Bình Dương: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

 Điểm sáng tạo trong thực hiện các chính sách giảm nghèo của tỉnh là không đầu tư dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm "làm đến đâu chắc đến đó", hỗ trợ đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Từ đó khơi dậy được ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi hộ nghèo. Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 là hơn 1.286 tỷ đồng, trong đó, hơn 122 tỷ từ nguồn xã hội hóa. Theo đó, các dự án, chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở các địa phương như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật…

 
 Bình Dương tập trung nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho người nghèo vươn lết thoát nghèo bển vững

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã giải ngân 4.449 tỷ đồng cho hộ nghèo, sinh viên… vay vốn; miễn, giảm học phí cho trên 54.000 lượt học sinh, sinh viên là con hộ nghèo; hỗ trợ xây và sửa chữa 537 căn nhà cho hộ nghèo (từ 50 đến 80 triệu đồng/căn). Đồng thời, các cấp hội, đoàn thể đã mở 325 lớp tập huấn chuyển giao hoa học kỹ thuật cho trên 10.600 nông dân, hộ nghèo tham gia.

Năm 2018, tỉnh đã xây dựng Bộ tiêu chí điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, phù hợp với thực tiễn và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó giúp các đơn vị, địa phương căn cứ vào thực tiễn xây dựng những giải pháp, các mô hình giảm nghèo điển hình bền vững. 

Có thể nói, yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả, chất lượng của công tác giảm nghèo được các địa phương chú trọng là tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo "cho cần câu thay vì cho cá". Theo đó, nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả tại các địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho hộ nghèo thông qua các mô hình kinh tế,  xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, tư vấn giới thiệu việc làm, mở các lớp dạy nghề. Từ năm 2016 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã mở 114 lớp dạy nghề cho trên 2.200 học viên là lao động phổ thông, tổ chức 76 đợt tuyển sinh đào tạo nghề với sự tham gia của trên 35.000 học viên, giới thiệu việc làm cho trên 12.000 lao động, xây dựng 94 hợp tác xã, tổ hợp tác...

Qua hơn 04 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn 3.806 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,31%. Như vậy, từ năm 2016 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh giảm được 3.102 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm 4.556 hộ nghèo, đảm bảo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu của giai đoạn đề ra, cơ bản không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn đa chiều mới của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đề ra những nhóm giải pháp: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ giáo dục và đổi mới hình thức đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo…

Hiện nay Bình Dương là một trong 06 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia (gấp 1,7 lần). Có thể nói đây là một kết quả hết sức khả quan trong giai đoạn vừa qua. Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tỉnh luôn quan tâm bố trí, dành nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo.

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, các ngành, các cấp, tổ chức chính trị trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo. Đồng thời tập trung rà soát các mô hình sinh kế hiệu quả, triển khai nhân rộng chuyển giao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường xã hội hóa trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo… Đặc biệt, vấn đề mấu chốt là khơi dậy được ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong mỗi hộ nghèo.

Quang Thái

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi