Những năm qua, xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã phát huy hiệu quả các kênh thông tin, tuyên truyền để giúp người nghèo thay đổi nhận thức, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phát huy hiệu quả cụm loa truyền thanh
Nhiều năm qua, bà Thân Lệ Quỳnh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Tú An đã quen với việc xây dựng và đọc bản tin của xã. Từ xây dựng chương trình truyền thanh đến việc thông báo tổ chức các hoạt động phong trào, hội họp, triển khai chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp được thông tin đầy đủ trong bản tin. Thông qua hệ thống loa truyền thanh, thông tin được truyền tải đến người dân nhanh hơn, sự lan tỏa rộng hơn. Từ những thông tin nắm được, người dân tiếp thu và có thể phản hồi về vấn đề mà mình quan tâm.
|
Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An cùng bà Thân Lệ Quỳnh-công chức Văn hóa-Xã hội kiểm duyệt bản tin truyền thanh |
“Các chương trình hàng ngày đều được chúng tôi biên soạn kỹ lưỡng, những nội dung nào quan trọng, cấp thiết thì ưu tiên phát trước để truyền tải nội dung nhanh, chính xác đến với bà con, nhất là các chính sách hỗ trợ về giảm nghèo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân tôi cũng đã tự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi các đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tôi cũng đã tham dự đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn, thực hiện đúng lịch tiếp sóng truyền thanh của thị xã An Khê vào các khung giờ: sáng từ 4 giờ 45 phút đến 7 giờ, trưa từ 11 giờ 15 phút đến 12 giờ, chiều từ 17 giờ đến 19 giờ”-bà Quỳnh chia sẻ.
Hơn 90% dân số xã Tú An sinh sống bằng nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là 3 làng dân tộc thiểu số gồm: làng Nhoi, Pơ Nang và Hòa Bình. Để chuyển tải các thông tin cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, xã Tú An đã đầu tư, vận hành hệ thống đài truyền thanh xã và các cụm loa truyền thanh một cách hiệu quả.
Ông Đinh Văn Tình-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhoi-chia sẻ: “Ngoài việc đem đến cho người dân những thông tin hữu ích, hàng ngày, cụm loa truyền thanh của xã còn thông tin chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân thuận lợi hơn. Ngoài ra, đối với những thông tin cần phổ biến đến với người dân, chúng tôi soạn thảo nội dung, sau đó trình lãnh đạo UBND xã duyệt, cán bộ phụ trách văn hóa-thông tin đọc, thu âm và phát trên đài phát thanh của xã, qua đó giúp bà con nắm bắt vấn đề và thực hiện”.
Hệ thống truyền thanh xã Tú An có 1 đài với 12 cụm loa lắp đặt ở 6 thôn, làng giúp người dân vừa làm vừa theo dõi thông tin. Đặc biệt, những khi bão lụt, hạn hán, vào vụ thu hoạch, tựu trường, khám tuyển nghĩa vụ quân sự hay thông tin đột xuất về lịch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh, nhất là diễn biến của dịch Covid-19 vừa qua thì những chiếc loa truyền thanh càng phát huy tác dụng, thông tin nhanh nhất đến với người dân.
Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: “Đài và các cụm loa truyền thanh từ lâu đã trở thành kênh thông tin quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương. Đó là công cụ tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp kịp thời những thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của cả nước, của tỉnh và địa phương. Đặc biệt, Đài truyền thanh xã đã đóng góp rất lớn vào việc tuyên truyền và định hướng thông tin cho người dân”.
Anh Lê Xuân Ánh (thôn Tú Thủy 2) cho rằng, những thông tin cung cấp qua loa truyền thanh rất bổ ích. “Không chỉ nắm bắt thông tin, tôi còn tuyên truyền, nhắc nhở anh em, họ hàng những việc liên quan thiết thực. Tôi cũng nhắc nhở bà con không hoang mang, dao động trước những thông tin thất thiệt, chỉ tiếp cận những kênh thông tin chính thống, yên tâm làm ăn, giữ vững an ninh trật tự địa bàn”-anh Ánh nói.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6%
Ngoài phát huy hiệu quả tuyên truyền qua cụm loa truyền thanh, các hội, đoàn thể, Mặt trận xã Tú An còn chú trọng tuyên truyền miệng và vận động trực tiếp hộ nghèo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Mạnh Thường Quân. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày một cải thiện, số hộ nghèo, cận nghèo giảm rõ rệt.
Là một trong những hộ dân được hỗ trợ mô hình nuôi heo đen do Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê vận động thực hiện, anh Đinh Đêu (làng Nhoi) rất phấn khởi. “Vợ chồng mình không có nghề nghiệp ổn định, đất sản xuất ít nên phải đi làm thuê. Năm 2021, gia đình mình được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ 5 triệu đồng để mua 3 con heo giống về nuôi. Hàng ngày, vợ chồng mình tranh thủ chăm sóc để heo ăn khỏe, chóng lớn. Gia đình vừa bán mấy con heo thịt và heo giống để trang trải trong cuộc sống”-anh Đêu cho biết.
|
Cụm loa truyền thanh xã Tú An có vai trò quan trọng chuyển tải các thông tin đến với người dân |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trương Thị Hồng Tất thông tin: Những năm qua, MTTQ xã đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thông qua việc học tập, nghiên cứu các văn bản hướng dẫn; thông tin tại các buổi sinh hoạt định kỳ... góp phần giúp người dân nhận thức rõ hơn về mục đích, yêu cầu, nội dung và cách thức xây dựng nông thôn mới; cổ vũ người dân vươn lên. Từ đó, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Chúng tôi cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 35 nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 1,95 tỷ đồng, hỗ trợ 15 con bò sinh sản với tổng số tiền 150 triệu đồng, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.
Năm 2022, xã đã tạo điều kiện cho 114 hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Nhờ đó, 44 hộ đã thoát nghèo. Xã đã cấp 1.034 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Hội Chữ thập đỏ xã trút hũ gạo tình thương 639 kg để tặng các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã cũng hỗ trợ 500 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, Trung đoàn 1 (Sư đoàn Bộ binh 2) tặng bò sinh sản cho hộ nghèo, xây tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên cựu chiến binh khó khăn. Với nhiều nỗ lực, năm 2022, xã giảm được 16 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,15%.
Theo Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Cảnh, năm 2023, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo và phân công cụ thể cho các thành viên Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia phụ trách thôn, làng. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã huy động các nguồn lực trợ giúp cho hộ nghèo và những hộ người cao tuổi neo đơn, mất sức lao động, khuyết tật.
“Để giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo và đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu cơ bản, phải làm cho người nghèo nắm bắt được chủ trương, chính sách và thay đổi tư duy, hành động, nỗ lực vươn lên. Trong nhiều giải pháp, chúng tôi xác định có giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, củng cố cụm loa truyền thanh trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể tích cực vào cuộc thực hiện công tác giảm nghèo với các giải pháp căn cơ, thực chất để sớm cải thiện và nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới”-ông Cảnh cho biết thêm.
(baogialai.com.vn)