Thứ Năm, 19/12/2024
Bắc Ninh đồng hành, giúp đỡ người nghèo
 

Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mến (Yên Nho, Gia Đông, Thuận Thành)


Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo là công việc lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo, ban hành quy chế hoạt động quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của từng thành viên; phê duyệt nhiều chương trình, ban hành nhiều chính sách giảm nghèo gắn liền với các kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế, mục tiêu an sinh xã hội từng giai đoạn. Thực hiện chủ trương của tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương gắn công tác giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đa dạng các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo sinh kế cho người nghèo; giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động; chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chăm sóc y tế, giáo dục...

Bên cạnh đó, tại các địa phương, hình thức giúp đỡ người nghèo thông qua các hội, đoàn thể cũng đa dạng, phong phú như: Phong trào thi đua “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “xây dựng mái ấm tình thương” của Hội LHPN các cấp; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” được các cấp hội nông dân triển khai hiệu quả; phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” của Đoàn Thanh niên… góp phần chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau, tạo ra bước đột phá trong công tác giảm nghèo.

Điển hình như huyện Thuận Thành đã thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo. Giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện xây dựng 501 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 22 tỷ đồng. Những ngôi nhà đại đoàn kết được hỗ trợ xây dựng cho người nghèo đem lại niềm vui, phấn khởi, là động lực để các hộ nghèo an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống ổn định. Gia đình bà Nguyễn Thị Mến, thôn Yên Nho, xã Gia Đông là một trong hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện nhận được sự hỗ trợ thiết thực của các ngành, địa phương trong huyện. Bà Mến có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 dột nát, đã xuống cấp từ lâu. Để giúp bà Mến có nhà ở kiên cố, năm 2021 Ủy ban MTTQ huyện Thuận Thành và xã Gia Đông đã vận động, hỗ trợ số tiền 65 triệu đồng xây dựng ngôi nhà kiên cố, khang trang. Đến nay, ngôi nhà 2 tầng có tổng diện tích hơn 100 m2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui mừng, phấn khởi cho gia đình bà Mến. Bà Mến xúc động: “Ngoài số tiền trợ giúp của tỉnh, căn nhà này được xây dựng từ tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, họ hàng, láng giềng. Trải qua bao năm tháng vất vả, giờ tôi có thể yên tâm sống vui, sống khỏe những năm tháng tuổi già”.

Với quan điểm “Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân”, các xã nghèo, hộ nghèo được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng chính sách và có nghĩa vụ áp dụng chính sách hiệu quả. Một loạt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là ở những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công đã được phát động sôi nổi, thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Hoạt động đầu tư chuyên sâu cho sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế mà cụ thể là giúp đỡ về các giống lúa, ngô, rau năng suất cao, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa về trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại những giá trị mới. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tín dụng ưu đãi được quan tâm đáng kể, hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật cho nhân dân, khuyến khích liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được đẩy mạnh.

Được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội qua Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đứng ra tín chấp với ngân hàng, hộ gia đình ông Phương Văn Khanh, thôn Duyện Dương, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài đã vay 30 triệu đồng/ năm trong 5 năm từ năm 2008-2012 (từ nguồn vốn vay đối với hộ nghèo), sau khi hoàn trả đủ vốn, ông lại vay tiếp 5 năm. Với số tiền trên cộng với nguồn vốn vay của các ngân hàng khác gia đình ông thực hiện đầu tư mua thêm con giống chất lượng, cải tạo bờ ao xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Các con ông được tiếp cận nguồn vốn học sinh, sinh viên đều yên tâm học hành, đoàn kết bảo ban nhau học tập vươn lên. Gia đình của ông sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định; đến nay gia đình của ông đã hoàn toàn thoát nghèo.

Câu chuyện xóa nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình trang trại nhờ nguồn vốn chính sách của gia đình ông Phương Văn Khanh khiến nhiều người cảm phục. Nhưng đó cũng là câu chuyện chung của nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt những năm gần đây, khi đối tượng và mức vay vốn chính sách được mở rộng, dòng vốn ưu đãi chảy dài, len lỏi khắp các vùng quê, đến với từng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Đồng vốn chính sách không chỉ tạo cho người nghèo nguồn lực tài chính mà còn là nguồn động lực để động viên, khích lệ họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn cao cả, là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước khi thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay.

Có thể khẳng định, thành quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo của Bắc Ninh thời gian qua đã khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân. Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả tiếp tục trở thành hạt nhân trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Đây là cơ sở để giai đoạn 2022-2025, tỉnh hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm 0,1% tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, hỗ trợ người nghèo bảo đảm mức sống tối thiểu, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an sinh xã hội./.

Nguyễn Thị Chiều

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất