Chủ Nhật, 19/1/2025
“Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Trực
 
Đại diện Ban Dân vận huyện và xã Nam Hồng tổ chức bàn giao Nhà Đại đoàn kết
 cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Ban Dân vận huyện Nam Trực cho biết: Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai xây dựng mới các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, hướng vào giải quyết những vấn đề khó, phức tạp nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị liên quan đến các dự án giải phóng mặt bằng; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; đảm bảo quốc phòng, an ninh... Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, thống nhất lựa chọn, đăng ký mô hình với Ban chỉ đạo huyện, đồng thời triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến các chi bộ; thường xuyên quan tâm rà soát, bổ sung mô hình gắn với hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo duy trì, nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Tại các khu dân cư, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tuyên truyền sâu rộng góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân, khuyến khích nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Qua công tác tuyên truyền đã lan tỏa được những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đó khích lệ, nhân rộng điển hình trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.

Năm 2023, toàn huyện có 52 đơn vị đăng ký xây dựng 108 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó nhiều mô hình đi vào chiều sâu, từng bước trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của tập thể, cá nhân, địa phương, đơn vị, góp phần tích cực trong công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của mỗi địa phương, đơn vị. Điển hình như mô hình “Vận động nhân dân hiến đất, hiến công, hiến của làm đường giao thông, nhà văn hóa” của xóm Nam Dương, xã Tân Thịnh. Đồng chí Tống Văn Thạo, Bí thư chi bộ xóm cho biết: Xóm Nam Dương có trên 100 hộ, 300 nhân khẩu. Là xóm thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân từ trồng lúa, trồng cây cảnh và nghề xây dựng. Trong xây dựng NTM, từ cấp ủy, chính quyền, đến các tổ chức hội, đoàn thể đều xác định công tác dân vận là chủ yếu. Trong 4 năm qua, xóm đã huy động được sức dân gần 4 tỷ đồng để nâng cấp kết cấu hạ tầng; trong đó vận động nhân dân đóng góp với mức bình quân 6,5 triệu đồng/khẩu để làm đường giao thông. Đến nay hệ thống giao thông trong xóm, liên xóm đều khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Thực hiện mô hình “Xây dựng thôn văn hóa NTM kiểu mẫu”, năm 2023, cán bộ và nhân dân thôn Đông Chiền, xã Hồng Quang đã huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hoá mới trên diện tích 160m2, với tổng kinh phí 550 triệu đồng và được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại. Sân vận động có diện tích 2.500m2 của thôn được chi Đoàn Thanh niên thôn huy động 220 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh xây dựng nhà văn hoá, thôn tập trung đầu tư hệ thông giao thông. Tuyến đường chính trong thôn dài 1,3km, rộng 5-7m được trải bê tông nhựa áp phan với trị giá trên một tỷ đồng. 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, có hệ thống thoát nước, có điện chiếu sáng; gần 200 hộ gia đình lắp đặt mạng internet, trên 70% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh. Thôn còn thành lập 1 “tổ công nghệ cộng đồng” và huy động nguồn lực triển khai lắp đặt 15 điểm wifi miễn phí ở khu vực công cộng...

Khu dân cư Khánh Hạ, thôn 3, xã Nam Thái có 100% người dân theo đạo Công giáo. Thực hiện mô hình “Xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn vùng giáo”, đến nay, khu dân cư có nhà văn hóa, sân thể thao với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo phục vụ sinh hoạt hội họp, văn hóa, văn nghệ. Nhà văn hóa có tủ sách với trên 250 đầu sách, lắp mạng wifi... Cấp ủy chi bộ và cơ sở đã vận động nhân dân ủng hộ gần 2 tỷ đồng để kiến thiết xây dựng cơ sở vật chất, đường làng, ngõ xóm; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường điện chiếu sáng trục đường thôn...

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều mô hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư như: Mô hình “Xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” ở thôn Xối Trì, xã Nam Thanh đã vận động nhân dân hiến 3.000m2 đất và đóng góp kinh phí làm đường thôn, nhà văn hóa, lắp đặt điện chiếu sáng. Mô hình “Xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” thôn 5, xã Nam Hải đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm đường thôn, điện chiếu sáng; 90% số hộ dân trong thôn chủ động lắp đặt camera an ninh. Mô hình “Xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo” của Khối Dân vận Đảng ủy xã Nam Hồng đã chủ trì đứng ra vận động, quyên góp hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Đinh Thị Thúy, xóm Cát Đại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng giá trị 470 triệu đồng từ các nguồn huy động đóng góp và của gia đình. Mô hình “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa và biến rác thải thành tiền” của chi Hội Phụ nữ thôn Cổ Lũng, xã Bình Minh đã phân loại, xử lý rác, bán phế liệu để tạo nguồn quỹ phục vụ cho các hoạt động của chi hội.

Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục triển khai thực hiện các phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị gắn với các phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị./.

(baonamdinh.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất