Từ thực tế nhiều năm thực hiện các chương trình đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) cho thấy, hỗ trợ sinh kế là một trong những biện pháp hiệu quả giúp đồng bào giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ sinh kế còn khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS từ 57,8% xuống 44,6% trong giai đoạn 2014-2016. Đến cuối năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm xuống dưới 40%.
|
Người dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mua bán bò tại chợ phiên Mèo Vạc |
Một trong những hoạt động hỗ trợ sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực nhất là chương trình bảo vệ, phát triển rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020. Đây là mô hình sinh kế được đánh giá là phù hợp với phần lớn đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2017-2018, tổng số kinh phí đã cấp để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững là hơn 1.400 tỉ đồng, bình quân 717 tỉ đồng/năm.
Từ nguồn vốn giảm nghèo quốc gia, năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa, quả Gia Lâm, thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đã xây dựng mô hình trồng thâm canh cam xã Đoài tại 3 xã: Đức Bồng, Hương Điền và Hương Minh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Đối tượng hưởng lợi bao gồm 29 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và người khuyết tật. Diện tích trồng cam ban đầu của dự án là 69ha. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ cây giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện thành công mô hình. Các giống cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất, chất lượng cao. Từ hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, huyện Vũ Quang đã quy hoạch vùng sản xuất cam xã Đoài. Chính quyền địa phương và các hộ nông dân đã tự bỏ tiền ra đăng ký mua hàng nghìn cây giống mỗi năm để mở rộng diện tích trồng cam, đồng thời, xây dựng thương hiệu cam xã Đoài. Đến nay, tại Vũ Quang đã hình thành vùng chuyên canh cam, các hộ trồng cam có thu nhập ổn định, nhiều hỗ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Một mô hình hỗ trợ sinh kế điển hình khác được ghi nhận tại thôn Làng Trung, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Địa phương này đã triển khai mô hình nuôi bò theo nhóm hộ, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện với sự đồng thuận cao của người dân. 4 nhóm hộ chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí nuôi 80 con bò, mỗi hộ 5 con bò. Trong đó, nguồn vốn mua bò được lấy từ Chương trình 30a (10 triệu đồng) và từ ngân hàng chính sách 50 triệu đồng. UBND huyện Như Xuân hỗ trợ 100 triệu đồng làm chuồng trại, UBND xã Thanh Quân hỗ trợ kinh phí trồng cỏ. Các hộ đổi công, luân phiên nhau chăm sóc đàn bò để tiết kiệm công lao động. Các dịch vụ tiêm phòng vắc-xin và thụ tinh nhân tạo được miễn phí. Những người tham gia mô hình được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi, phát triển sản xuất, có trách nhiệm góp kinh phí đối ứng và cam kết phấn đấu thoát nghèo khi kết thúc chu kỳ hỗ trợ. Kết quả thực tế cho thấy, đàn bò phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo kế hoạch, mô hình sẽ được nhân rộng ra 4 thôn ở 3 xã trên địa bàn huyện.
Trong những năm qua, rất nhiều chương trình, dự án đầu tư cho vùng DTTS có nguốn vốn từ nước ngoài, đặc biệt là mô hình hỗ trợ sinh kế phát huy hiệu quả. Trong đó, lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tổng nguồn lực tài chính ODA huy động được hơn 58 tỉ đồng. Tiêu biểu là 2 dự án hỗ trợ khẩn cấp về nước sạch và vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả của thiên tai tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long năm 2016-2017 và Dự án “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bền vững và phát triển trẻ thơ toàn diện” tại các tỉnh Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, An Giang, giai đoạn 2017-2021 và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên năm 2017-2018 do UNICEF tài trợ. Lĩnh vực lâm nghiệp đã thu hút hơn 3.400 tỉ đồng, trong đó, hơn 2.754 tỉ đồng là vốn nước ngoài để đầu tư hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân, phát triển rừng phòng hộ, cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương.
Đối với lĩnh vực thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động được 190 tỉ đồng từ nước ngoài đầu tư 5 dự án. Trong đó có 2 dự án lớn giai đoạn 2014-2018 là Dự án phát triển hệ thống tưới tiêu Bắc sông Chu - Nam sông Mã (Thanh Hóa) đã và đang được thực hiện với 1.780 người DTTS được hưởng lợi và Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long./.
Nguồn: bienphong.com.vn