Thứ Năm, 25/4/2024
Giải pháp nào để giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

 Người dân xã Tả Ván, Quản Bạ, Hà Giang làm thủ tục vay vốn
Ngân hàng Chính sách để phát triển chăn nuôi. Ảnh: bienphong.com.vn


Nước ta có 53 DTTS với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Địa bàn cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu ở miền núi, biên giới, xen cư với nhau. Nếu như năm 2010, gần 50% người nghèo trên cả nước là người DTTS, thì đến năm 2016, trên 70% người nghèo là người DTTS, trong khi người DTTS chỉ chiếm hơn 14% tổng dân số cả nước. Đến năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo DTTS được cải thiện hơn, ở mức 52,7% số hộ nghèo của cả nước (cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước). Thu nhập bình quân của hộ DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực.

Đáng lưu ý là một bộ phận người DTTS còn thiếu đói kỳ giáp hạt, tình trạng dinh dưỡng của một bộ phận lớn trẻ em chưa đảm bảo. Trong khi đó, hiện vẫn còn hơn 54.000 hộ dân thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 223.000 hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ chưa được giải quyết thấu đáo. Cùng với tình trạng đói nghèo là sự tụt hậu ở vùng DTTS và miền núi so với các vùng khác của cả nước, khi vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.

Theo báo cáo của Chính phủ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn giai đoạn 2012-2018” cho thấy, trong giai đoạn này, lĩnh vực giảm nghèo nói chung, giảm nghèo vùng DTTS, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, là một trong những điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, tạo ra sự thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng DTTS, miền núi. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ DTTS giảm nhanh theo từng giai đoạn (giảm trung bình khoảng 3,5%/năm)…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là: hệ thống chính sách chưa đồng bộ; công tác phối hợp giữa các cơ quan xây dựng và ban hành văn bản chưa chặt chẽ; có chính sách định mức thấp, vốn cấp không đồng bộ; còn một số chính sách không phù hợp, chưa chú trọng đúng mức đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh tồn và văn hóa của đồng bào dân tộc; cơ chế thực hiện chính sách còn bất cập, chưa có chính sách đặc thù để phát huy nội lực của người dân; kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh còn cao…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho người dân còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tính đến các nguyên nhân nghèo của từng đối tượng để có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, việc phân nhóm ưu tiên, đặc thù, trọng điểm cho vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế xã hội chưa cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng có nguyên nhân nghèo khác nhau. Cơ chế phân bổ, giao vốn hằng năm hiện nay chưa tạo được sự chủ động cho địa phương để lồng ghép hiệu quả nguồn vốn và bố trí cho danh mục theo thứ tự ưu tiên. Việc giao vốn, thẩm định các nguồn vốn qua nhiều khâu trung gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo…

Một số ý kiến chỉ rõ, công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật giảm nghèo tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng nhận thức của cán bộ đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn một số hộ nghèo chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong giảm nghèo… Từ thực tế này, các  ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để bảo đảm việc bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, đáp ứng đươc các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Một số ý kiến đề nghị, UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào, lựa chọn cây con phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…

Một số đại biểu lưu ý, các định hướng phát triển mới như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững sẽ có tác động tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra những bất lợi trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác, dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, nhóm xã hội cũng là gia tăng phân hóa giàu nghèo, xuất hiện các nhóm dễ tổn thương mới. Vì vậy, tới đây, cần thực hiện chính sách hỗ trợ gắn liền với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường các giải pháp chủ động hỗ trợ thông qua chính sách thị trường lao động như vay vốn tín dụng, tăng cường đào tạo nghề, kết nối việc làm với nhóm hộ có sức lao động. Bảo đảm cân đối nguồn lực và tăng nguồn lực đầu tư trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo. Lồng ghép chính sách phải đi kèm nguồn lực, và sử dụng nguồn lực có hiệu quả.

Hồng Ngọc

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất