Chủ Nhật, 8/12/2024
Phải tôn trọng đời sống tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của các DTTS

 Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang
và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì hội thảo

Hội thảo thu hút được sự quan tâm, góp ý của đông đảo các chuyên gia văn hóa, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc có uy tín.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu ra thách thức hiện nay đó là việc gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế, vẫn còn một số nơi việc khai thác làm lệch lạc, méo mó, biến dạng các di sản văn hóa. Thêm vào đó, một bộ phận lớp trẻ hiện nay không còn có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa của chính dân tộc mình…Bởi vậy, việc đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, xác định mục tiêu định hướng, và đề xuất giải pháp kiến nghị về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã có nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết để giải quyết “bài toán” bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là việc cần có cơ chế chính sách phù hợp để triển khai thực hiện công tác bảo tồn trong tình hình mới, chú trọng đến tính ứng dụng của chính sách; Đầu tư phù hợp, hiệu quả, tập trung cho chủ thể văn hóa; Quan tâm đến nhóm đối tượng đặc thù đó là các dân tộc rất ít người; Hình thức bảo tồn văn hóa dân tộc trong thời đại 4.0; Thay đổi nhận thức để khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy được vai trò chủ động của chính cộng đồng…

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, để bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước, chúng ta cần làm rõ nội hàm khái niệm “tính thống nhất trong đa dạng văn hóa” Việt Nam. “Tính phong phú, đa dạng văn hóa ở Việt Nam được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống và ở cả hai phương diện văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nổi bật nhất phải nói tới các yếu tố văn hóa gắn với tín ngưỡng và tôn giáo của đồng bào các dân tộc, trong đó phổ biến nhất là tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra còn có thể nhắc tới các hoạt động, các yếu tố văn hóa phi vật thể gắn với tin ngưỡng tôn giáo là văn hóa, nghệ thuật dân gian, ca dao, dân ca, phong tục tập quán, lối sống và nhất là các lễ hội văn hóa truyền thống”, ông Bài chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò của chủ thể văn hóa, TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng cần phải tôn trọng đời sống tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của các DTTS, bởi lẽ, việc thực hành các nghi lễ tín ngưỡng một cách thường xuyên, có tính chu kỳ lặp đi lặp lại đã đóng vai trò nhắc nhở cộng đồng luôn có niềm tin về văn hóa truyền thống; đồng thời việc tổ chức các lễ nghi tín ngưỡng cũng là dịp thực hành các di sản văn hóa, tạo ra tác động lan tỏa, giáo dục các thành viên của cộng đồng. Bên cạnh đó, với công tác bảo tồn và phát huy chữ viết truyền thống, ông Sơn cho rằng phải căn cứ vào nguyện vọng  và nhu cầu của dân tộc để xây dựng chữ viết hoặc bảo tồn chữ viết cổ, chứ không áp đặt, nghĩ hộ đồng bào, sáng tạo thay cộng đồng…

Đánh giá cao các tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy coi đó là căn cứ, là cơ sở quan trọng giúp cho Bộ VHTTDL có những đề xuất với BCĐ Trung ương trong thời gian tới./.

(baovanhoa.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất