Thứ Sáu, 24/1/2025
Dân vận khéo ở vùng công giáo tại Việt Yên: Việc khó thành dễ

Thiết thực, hiệu quả

Dẫn tôi đi trên những con đường trải nhựa sạch sẽ, ông Đặng Minh Nam, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) phấn khởi nói: Trước đây, toàn bộ rác trong thôn được thu gom đổ xuống hố chôn ở bờ sông. Những hôm trời nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên, gây ô nhiễm môi trường. 

Nhờ đoàn kết lương - giáo, thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan dồn điền đổi thửa xong 70 ha đất canh tác.

Nhờ đoàn kết lương - giáo, thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan dồn điền đổi thửa xong 70 ha đất canh tác.

Vận động bà con đóng phí vệ sinh vốn là việc khó nên ban lãnh đạo thôn đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo “Bảo vệ môi trường”. Thôn có 240 hộ, trong đó 38 hộ công giáo. Để thực hiện hiệu quả mô hình, Tổ dân vận luôn chú trọng vai trò của đồng chí Mai Huy Lộc, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, người có uy tín trong bà con giáo dân ở thôn.

Ngoài công khai nội dung tăng phí vệ sinh môi trường, kế hoạch xử lý bãi rác cũ với nhân dân tại các cuộc họp, bản thân lãnh đạo thôn còn đến từng hộ để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình. Những thắc mắc, đề xuất của các hộ đều được tiếp thu, giải đáp. 

Nhân dân đồng thuận nên hiện nay 100% các gia đình trong thôn nộp phí vệ sinh môi trường, mức 25 nghìn đồng/hộ, tăng 10 nghìn đồng so với trước kia. Một tuần tổ môi trường sẽ thu gom rác vào thứ 3 và thứ 5, sau đó tập kết ra khu vực xa khu dân cư để xe của Hợp tác xã Vệ sinh môi trường huyện vận chuyển đi. Toàn bộ rác thải ở khu bờ sông được đem xử lý theo đúng quy trình.

Đi đôi với giữ cảnh quan xanh - sạch - đẹp, nhân dân trong thôn, đặc biệt là đồng bào công giáo còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng để xây dựng mới nhà văn hóa và làm đường bê tông. Được biết mô hình dân vận khéo “Bảo vệ môi trường” của thôn Đạo Ngạn 2 được Ban Dân vận Huyện ủy biểu dương mô hình tiêu biểu năm 2018.

Ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan có giáo họ Yên Hà với 30 hộ dân. Từ thực tế cơ sở, năm 2016, thôn đăng ký thực hiện mô hình dân vận "Vận động giáo dân phát triển kinh tế gia đình". Qua đó xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi. Đơn cử như ông Giáp Văn Miên (SN 1962), Trùm trưởng giáo họ Yên Hà phát triển mô hình V-A-C. 

Hiện gia đình ông có gần 400 m2 ao nuôi cá, mỗi năm thu từ 4-5 tấn. Đất vườn xung quanh ông trồng bưởi, hồng xiêm. Hằng năm gia đình ông được huyện công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Anh Chu Văn Quỳnh làm nghề kinh doanh vận tải có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

“Các gia đình công giáo trong thôn đều tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, thu nhập cao so với mặt bằng chung. Bà con quan tâm giữ gìn sự gắn kết trong thôn, xóm. Người có điều kiện thì hỗ trợ cây, con giống, vốn, kỹ thuật chăm sóc cho hộ khó khăn hơn”, ông Giáp Văn Sáng, Bí thư Chi bộ thôn cho hay.

Phát huy vai trò của người có uy tín

Để công tác dân vận phát huy tác dụng, góp phần hoàn thành các mục tiêu KT-XH, những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy Việt Yên đã tích cực chỉ đạo, xây dựng các mô hình dân vận khéo, nhất là ở những nơi có đông giáo dân sinh sống.

Ông Ngô Bá Tài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối Dân vận xã Minh Đức nói: "Xã có 4 thôn là: Thiết Nham, Rèn, Bãi Bằng, Nghĩa Thượng với gần 400 hộ công giáo sinh sống. Khi thực hiện các mô hình dân vận khéo, cấp ủy thường xuyên chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải phối hợp chặt chẽ với những ban hành giáo họ đạo trên địa bàn. 

 

Toàn huyện hiện có 16 họ giáo với hơn 1 nghìn hộ. Trong đó có hai thôn công giáo toàn tòng là Thiết Nham (xã Minh Đức) và Nguyệt Đức (xã Vân Hà).

 

Đặc biệt chú trọng vai trò của các chức sắc tôn giáo là đảng viên, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động". Minh chứng rõ nét nhất là giáo dân Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Rèn, xã Minh Đức luôn được nhân dân tin tưởng. 

Với hơn 70% dân số của thôn là đồng bào công giáo, anh Thắng thường xuyên vận động người thân, bà con trong giáo họ tích cực xây dựng mối quan hệ lương - giáo gắn kết, chung sức xây dựng quê hương. 

Nhiều giáo dân nơi đây đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất ở để làm đường giao thông như: Anh Nguyễn Xuân Trường, chị Nguyễn Thị Chung, anh Nguyễn Văn Thể.

Qua thống kê, toàn huyện có gần 100 mô hình dân vận trong đồng bào công giáo trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa. Đánh giá của Ban Dân vận Huyện ủy cho thấy, những mô hình thành lập đều sát thực tế, gắn với tình hình cơ sở và có sức lan tỏa rộng. Tiêu biểu như mô hình “Tự quản an ninh trật tự” của giáo dân ở thôn Nguyệt Đức (xã Vân Hà); “xây dựng nếp sống văn hóa” ở thôn Thiết Nham (xã Minh Đức)…

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phùng Thị Ngọc Anh nói: Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đồng bào công giáo trên địa bàn huyện đã đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển KT- XH, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.

(baobacgiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi