Thứ Tư, 4/12/2024
Đồng Nai: Tăng cường vận động, đoàn kết tôn giáo

 Giờ học ngoại khóa của Nhóm khiếm thính Hoa Lan
(dòng Nữ tỳ thánh thể, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa)

Một trong các lĩnh vực được đồng bào tôn giáo trong tỉnh hưởng ứng tích cực là từ thiện xã hội. Theo đó, mỗi năm số tiền mà các tôn giáo đã thực hiện ở lĩnh vực này bình quân hơn 200 tỷ đồng/năm.

* Làm nhiều việc thiết thực

Nổi bật trong tham gia các hoạt động từ thiện xã hội có Ban từ thiện xã hội của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh; Ban bác ái xã hội của Tòa Giám mục Xuân Lộc; Ban đại diện Cao Đài Tây Ninh tỉnh; Ban đại diện và Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo tỉnh; Ban đại diện tịnh độ cư sĩ Phật hội tỉnh và Ban trị sự Thất phủ cổ miếu Biên Hòa...

Theo ông Trần Thái Huy, Văn phòng Ban trị sự Thất phủ cổ miếu Biên Hòa, riêng trong năm 2018 Thất phủ cổ miếu Biên Hòa đã ủng hộ MTTQ các cấp trong tỉnh 52 tấn gạo để giúp đỡ người nghèo. Hiện nay hằng tháng, Thất phủ cổ miếu Biên Hòa còn ủng hộ nồi cháo tình thương ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai 100kg gạo.

Ngoài việc thực hiện công tác từ thiện xã hội, các tôn giáo đã tích cực tham gia vào lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và y tế. Đồng Nai đã có 1 trường cao đẳng nghề do tổ chức Công giáo thành lập, 25 trường và 99 nhóm, lớp mầm non do các tổ chức tôn giáo đang quản lý, hoạt động, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của ngành giáo dục. Hệ thống các trường, lớp mầm non của tổ chức tôn giáo đang nuôi dưỡng gần 60 ngàn cháu, góp phần cùng các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện mục tiêu phổ cập mầm non, giảm bớt khó khăn việc tìm nơi nuôi giữ trẻ cho các bậc cha mẹ, nhất là công nhân.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, tổng số tín đồ các tôn giáo ở Đồng Nai khoảng 2 triệu người, chiếm 70% dân số toàn tỉnh. Nhìn chung hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đúng quy định của pháp luật, thuần túy tôn giáo. Đa số chức sắc, nhà tu hành, đồng bào tín đồ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do chính quyền và MTTQ phát động.

Bên cạnh những lĩnh vực nói trên, các tôn giáo trong tỉnh còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp Sở Tài nguyên - môi trường và 16 tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh ký kết phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2021. Ngay sau đó, các tôn giáo và tổ chức tín ngưỡng đã có nhiều hoạt động hưởng ứng như: dọn dẹp vệ sinh môi trường khu dân cư, trồng cây xanh xung quanh cơ sở thờ tự; hạn chế đốt nhang...

Thượng tọa Thích Huệ Khai, Phó ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, Đức Phật luôn chủ trương đời sống giản dị cho các tăng, ni, sống gần gũi với thiên nhiên.

Thực hiện giáo lý của Đức Phật, chủ trương của giáo hội và hướng dẫn của MTTQ các cấp từ năm 1982 đến nay các tự viện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khoảng 1.025 hécta đất hoang để trồng rừng, góp phần đem lại những tán rừng phủ xanh màu lá và sự sống cho các loài động vật. Bên cạnh đó, Phật giáo đã cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thả hơn 150 ngàn con cá giống (trị giá 450 triệu đồng) xuống hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu) để bảo vệ nguồn nước và cân bằng hệ sinh thái cho hồ.

* Vì mục tiêu phát triển chung

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho hay, quá trình vận động, đoàn kết các tôn giáo, MTTQ các cấp lấy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh làm mục tiêu chung để động viên các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào tín đồ cùng tham gia thực hiện. Quan tâm vận động, tạo điều kiện để các tôn giáo thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Ngày Vì người nghèo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tôn giáo tham gia ứng phó biến đổi khí hậu... Qua đó phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần làm chủ của nhân dân, huy động nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác phát huy vị trí, vai trò của các chức sắc tôn giáo trong xã hội; xem xét, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, toàn tỉnh có 4 vị chức sắc, tín đồ tôn giáo là đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22 vị là đại biểu HĐND cấp huyện; 846 vị là đại biểu HĐND cấp xã. Ngoài ra còn có 1.025 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo là ủy viên ủy ban MTTQ các cấp.

MTTQ các cấp còn lựa chọn xây dựng cốt cán phong trào trong các tôn giáo, với hơn 1 ngàn vị tham gia. Thời gian qua lực lượng cốt cán phong trào trong các tôn giáo đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tham gia tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ các cấp phát động. Lực lượng cốt cán đã nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, giúp các cấp ủy, chính quyền, MTTQ xem xét giải quyết đúng những vấn đề liên quan quyền lợi hợp pháp, chính đáng của quần chúng tín đồ; tham gia đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

(baodongnai.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất