|
Công trình dân sinh do các tổ chức tôn giáo phối hợp thực hiện góp phần xây dựng nông thôn mới
|
Trong hệ thống giáo hội của Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), Ban Đại diện PGHH tỉnh An Giang tích cực phối hợp hiệu quả với MTTQ, chính quyền địa phương hoàn thành các công tác đạo sự đã đề ra. Ông Nguyễn Văn Tát, Trưởng ban Đại diện PGHH tỉnh cho biết, ban đại diện thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần cùng địa phương trong việc giữ gìn đạo đức, xây dựng nếp sống văn minh, nhân đạo từ thiện - xã hội. Bà con tín đồ đã đăng ký với chính quyền địa phương để triển khai các hình thức vận động quyên góp tiền, hiện vật, công sức cất nhà Tình thương, tu sửa cất mới cầu, đường, rải cát chống lầy, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, phát động nắm gạo tình thương, hòm miễn phí, đất nghĩa trang an táng người qua đời, bếp ăn tình thương phục vụ trường học và bệnh viện, cộng đồng dân cư… Từ năm 2014-2019, tính riêng tỉnh An Giang, công tác từ thiện góp phần an sinh xã hội quy thành tiền là 500 tỷ đồng.
Tại huyện Tri Tôn, hiện nay tất cả các điểm chùa đã và đang được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, các hoạt động tôn giáo, lễ hội truyền thống được quan tâm. Ngoài việc chăm lo xây dựng nhà chùa, các chức sắc, sư sãi trụ trì, quản lý các chùa, các ta a cha, ban quản trị các chùa còn tích cực tham gia xây dựng phát triển phum, sóc, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, tham gia thực hiện tốt các phong trào của địa phương, đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa thượng Chau Sơn Hy (Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Tri Tôn) cho biết, Ban Trị sự thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, cảnh giác trước âm mưu lôi kéo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết của các phần tử xấu. Các vị chức sắc ở 37 chùa Khmer tích cực vận động phật tử tham gia xây dựng đường bê-tông nông thôn, thắp sáng đèn đường trong khu vực phum, sóc, đóng góp kinh phí thu gom rác đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Tất cả các xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống đều có trường mầm non, tiểu học, THCS, quy mô giáo dục và đào tạo từng bước được mở rộng. Bên cạnh đó, các chùa Nam tông Khmer còn tổ chức đào tạo các lớp sơ cấp Pa-li, dạy chữ Khmer cho con em đồng bào DTTS vào dịp hè.
Đồng bào DTTS Chăm ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu) thường xuyên sinh hoạt tôn giáo ở 4 thánh đường và 11 tiểu thánh đường. Các ngày lễ của tôn giáo được tổ chức trang trọng, vui tươi, trở thành nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Ngoài sinh hoạt tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc còn lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng thêm lòng tin của cộng đồng dân tộc đối với Đảng, nhà nước.
Đồng bào DTTS Chăm ở xã Châu Phong tập trung chủ yếu ở 3 ấp: Phũm Soài, Hòa Long, Châu Giang, với 1.111 hộ (4.665 nhân khẩu) đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục phát triển nguồn nhân lực, xây dựng gia đình văn hóa. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm, chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời thể hiện đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Trong đó, việc cất mới nhà ở cho đồng bào diện chính sách dân tộc được quan tâm. Đồng bào DTTS Chăm còn thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường, trật tự xã hội”, hệ thống đèn chiếu sáng nông thôn được thực hiện 100% ở các ấp, tạo mỹ quan về đêm. Đồng bào DTTS Chăm còn thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; đăng ký thi đua gắn với đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tuyên truyền lồng ghép với diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” trong đồng bào dân tộc…
Mỗi tôn giáo, dân tộc đều có giáo lý và nghi lễ riêng nhưng có mẫu số chung là hướng con người tới những giá trị tốt đẹp và nhân văn cao cả, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Chính sự đoàn kết giữa các tôn giáo, dân tộc trong tỉnh đã tạo môi trường để phát huy những giá trị tích cực, tạo điều kiện để các tôn giáo, dân tộc đóng góp thiết thực cho cộng đồng xã hội./.
(baoangiang.com.vn)