Thứ Năm, 23/1/2025
Người Công giáo Bắc Ninh đẩy mạnh thi đua yêu nước

Những năm qua, đồng bào Công giáo đoàn kết một lòng thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, chung sức cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày một giàu mạnh và văn minh.

Để phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, ban hành giáo, họ đạo tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo giáo dân trong các xứ, họ đạo đã đoàn kết giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất. Trong nông nghiệp, giáo dân áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều giáo dân phát triển mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trang trại của gia đình giáo dân: Nguyễn Văn Dung, Nguyễn Văn Tới ở họ đạo Ngọc Cục (Lương Tài); Nguyễn Kim Đáng, Nguyễn Kim Đoàn ở xứ đạo Từ Phong (Quế Võ); Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Thị Liên ở xứ đạo Xuân Hòa (Quế Võ)… Bà con giáo dân còn năng động phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại phục vụ sản xuất và đời sống. Các nghề truyền thống như: làm mì gạo ở xứ đạo Tử Nê (Lương Tài); thợ mộc, thợ nề, kinh doanh dịch vụ tổng hợp máy xay xát, ô tô vận tải ở các xứ đạo Cẩm Giang (thị xã Từ Sơn), Ngô Khê (thành phố Bắc Ninh), họ đạo Phượng Giáo (Lương Tài)… mang lại thu nhập cho mỗi gia đình hàng chục triệu đồng/tháng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn. Đời sống giáo dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói, số hộ khá giàu chiếm tới hơn 80%. Kinh tế phát triển, giáo dân có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn vùng giáo được bê tông hoá. Nhà Văn hoá và nhà thờ của các xứ, họ đạo được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Đồng bào Công giáo tích cực đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư - sống tốt đời, đẹp đạo”. Đáng ghi nhận là việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 22, 20 của HĐND tỉnh có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp giáo dân. Trong việc cưới, nhiều gia đình tổ chức tiết kiệm, không phô trương, không thách cưới, không làm cỗ lại mặt. Việc tang, đã thực hiện không cải táng, không làm cỗ mời khách, không tổ chức 49, 50 ngày mà chỉ xin lễ ở nhà thờ và mời dân họ đọc kinh tại nhà thờ, khuyến khích hỏa táng, điện táng người chết. Các sinh hoạt tôn giáo được tổ chức hài hòa, gắn bó với truyền thống văn hóa của dân tộc. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao luôn được chú trọng đa dạng với việc thành lập và duy trì sinh hoạt đều đặn các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Trung bình hằng năm, toàn tỉnh có từ 85 đến 90% hộ gia đình Công giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Nhiều thôn Công giáo nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Làng văn hóa như họ đạo Dũng Vi (Tiên Du); họ đạo Ngọc Cục, Phượng Giáo (Lương Tài); xứ đạo Xuân Hòa, họ đạo Từ Phong (Quế Võ)…

Phát huy truyền thống của dân tộc, người Công giáo Bắc Ninh tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, sống tương thân tương ái ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”… với tổng số tiền gần 200 triệu đồng/năm. Sự nghiệp giáo dục được đồng bào Công giáo đặc biệt quan tâm, tất cả các họ đạo đều có quỹ khuyến học, khuyến tài để khuyến khích, động viên con em học tập thành đạt. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng, nhất là vận động giáo dân thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Qua phong trào thi đua yêu nước, phát hiện nhiều gương người tốt việc tốt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; nhiều giáo dân được tham gia vào Đảng, là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu trong các tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội. Toàn tỉnh có 44 người Công giáo tham gia Hội đồng nhân dân các cấp, 12 người tham gia Uỷ ban nhân dân cấp xã; hơn 400 giáo dân là ủy viên Mặt trận Tổ quốc các cấp và 115 người là đảng viên.

Người Công giáo Bắc Ninh nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, nghĩa vụ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đổi mới của quê hương. Tin rằng, với sự nâng cao về nhận thức cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đồng bào Công giáo Bắc Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo và phúc âm giữa lòng dân tộc./.

(baobacninh.com.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi