Thứ Năm, 23/1/2025
Quảng Bình: 3 năm triển khai công tác huy động các tôn giáo “tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu"

Quảng Bình hiện nay có 02 tôn giáo được công nhận: Phật giáo và Công giáo: Phật giáo có khoảng hơn 3.000 tín đồ, phân bố trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn; Công giáo có khoảng 102.300 tín đồ, phân bố trên 68 đơn vị hành chính cấp xã. Ngày 27 tháng 4 năm 2017 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, Giáo hội Phật giáo tỉnh (GHPG), Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh (UBĐKCG) xây dựng và ký về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2017 - 2020). Trong những năm qua việc thực hiện phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã thực hiện có hiệu quả.

Phối hợp tuyên truyền nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận và cộng đồng tôn giáo. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào tôn giáo về pháp luật nói chung và về công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu nói riêng thông qua tổ chức các lớp tập huấn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, GHPG tỉnh, UBĐKCG tỉnh, Mặt trận các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các lớp tập huấn tại tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã. Trong 03 năm 2017, 2018, 2019, đã tổ chức 22 lớp tập huấn cho hơn 2.050 cán bộ Mặt trận cấp huyện, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Mặt trận cấp xã, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, đại diện cho các HĐMV các giáo xứ, giáo họ, các Chùa và bà con có đạo tham gia. Đặc biệt tại 08 Khu dân cư làm điểm vùng giáo, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã trực tiếp mời lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường về trực tiếp tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 800 người dân tham gia. Chương trình tập huấn, tập trung phổ biến Luật bảo vệ Môi trường năm 2014 và một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Công tác vận động, phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc chủ động tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh còn ban hành kế hoạch phối hợp hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức tôn giáo, HĐMV các giáo xứ, giáo họ, các Chùa, cơ sở thờ tự tập hợp, huy động nhân dân tổ chức có hiệu quả Lễ hưởng ứng Ngày môi trường thế giới; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam tại các khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo. Chủ động phối hợp huy động nhân dân thường xuyên làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải ở khu dân cư, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường ở khu dân cư, ở các chùa, nhà thờ; các tổ chức, hộ gia đình ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư. Đặc biệt trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ban Trị Giáo hội Phật giáo, UBĐKCG tỉnh làm cầu nối kêu gọi hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với hàng ngàn suất quà trị giá hàng chục tỷ đồng để làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là quyên góp hỗ trợ, động viên các hộ dân trên địa bàn tỉnh trong đợt lũ lụt năm 2016, 2017, 2019; trong vấn đề môi trường biển Formosa; hộ trợ bữa cơm hàng tháng cho các hộ nghèo ở chùa Đại Giác, tặng quà cho các hộ nghèo, cho phật tử gặp khó khăn... Những hoạt động trên đã góp phần tạo không khí phấn khởi, đoàn kết ở khu dân cư đồng thời góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, biển và hải đảo Việt Nam.

Cùng với UBĐKCG tỉnh để tuyên truyền, vận động các linh mục, HĐMV làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là việc xây dựng các mô hình, điển hình trong đồng bào Công giáo. Với thông điệp "Cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại" của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các linh mục, HĐMV các xứ họ giáo đã hưởng ứng tích cực với tinh thần "Sống xanh- sống thân thiện với môi trường - cùng nhau có trách nhiệm với một môi trường bền vững"; tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt, trồng thêm nhiều cây xanh trong các nhà thờ, nhà chùa; phát huy tính cộng đồng từ các tổ liên gia để nhân rộng phong trào "Thắp sáng đường quê", giữ gìn đường làng, ngõ xóm phong quang "Sáng - xanh - sạch - đẹp" trong chương trình "Ngày thứ 7 xanh, sạch, đẹp". Đặc biệt ngày 05/6 của năm 2017, 2018, 2019 đã có 95 khu dân cư công giáo đồng loạt ra quân thu gom hơn 100 tấn rác thải, khai thông 175 cống rãnh, xử lý trên 126 điểm đổ rác tùy tiện với hơn 6.000 người tham gia.

Phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh ra Thông bạch tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bà con phật tử toàn tỉnh. Tại các lễ trọng của Phật giáo như Lễ Phật đản, Lễ Vu lan và các hoạt động Phật sự khác, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã phát động bà con phật tử toàn tỉnh tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; chỉ đạo Ban Trị sự Phật giáo các huyện, các chùa trên địa bàn đưa Chương trình bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền, xây dựng cảnh quan các chùa, các khu dân cư xanh, sạch, đẹp.

Để mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh phối hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn triển khai tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm về “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”. Trong 3 năm đã xây dựng được 08 mô hình tại các Khu dân cư, các chùa, các giáo họ trên địa toàn tỉnh (Khu dân cư Thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy; tại Chùa Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh; Thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Phật giáo) và Thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch; Giáo họ Đồng Đưng, giáo họ Thong Thóng, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, KDC Chợ Cuồi, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa; Thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Công giáo)), tiêu biểu:

- Tại Chùa Quảng Xã (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh), ngày 13-6-2018 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và huyện tổ chức xây dựng mô hình điểm về "Tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu", và tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường năm 2018”, tham dự buổi Lễ có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh, cấp huyện; đại diện chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã Tân Ninh và gần 150 Tăng Ni, Phật tử Chùa Quảng Xá đã tham dự buổi Lễ. Sau Lễ phát động, gần 150 Tăng Ni, Phật tử cùng nhân dân thôn Quảng Xá đã ra quân làm vệ sinh, thu gom rác thải, túi ni lông trên các trục đường, ngõ xóm góp phần làm sạch môi trường trên địa bàn, hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường năm 2018” của Giáo hội Phật giáo các cấp trong tỉnh thực sự có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự đồng hành của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đến nay mô hình điểm đã phát huy được kết quả bước đầu: ý thức về bảo vệ môi trường của người dân ngày càng được nâng lên; việc vứt rác bừa bải đã được chấm dứt, đã xây dựng được các khu tập kết rác thải tập trung ở địa phương và hợp đồng vận chuyển đến khu chung để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; hàng tháng, Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp với Ban Trụ trì chùa Quảng Xá thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, phật tử làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tổ chức ra quân làm vệ sinh, thu gom rác thải ở những khu vực công cộng... Những kết quả đạt được bước đầu đã được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, được bà con phật tử, nhân dân đồng tình hưỡng ứng.

- Tại Giáo họ Đồng Đưng, giáo họ Thong Thóng, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, ngày 12/6/2018 Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã phối hợp linh mục Hồ Thái Bạch, Hội đồng mục vụ đã tổ chức xây dựng mô hình “Giáo họ Đồng Đưng chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”. Tại buổi lễ linh mục Hồ Thái Bạch đã vận động bà con giáo dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cũng như hiểu sâu sắc hơn về hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đối với đời sống con người, thực hiện an toàn thực phẩm. Phát huy tính cộng đồng từ các tổ liên gia để nhân lên phong trào thắp sáng đường quê, giữ gìn đường làng, ngõ xóm phong quang, sáng, xanh, sạch, đẹp trong chương trình “Ngày thứ 7 xanh, sạch, đẹp”; xóa bỏ những thói quen gây ô nhiễm, làm suy thoái môi trường trong sinh hoạt, trong sản xuất kinh doanh, trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội... Đến nay mô hình đã phát huy được tác dụng đối với bà con vùng Công giáo ở giáo họ Đồng Đưng, giáo họ Thong Thóng, như: ý thức của giáo dân về về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu được nâng lên rõ rệt, hiện tượng xã rác thải bừa bãi ở bờ sông, khu vực công cộng đã được hạn chế; mỗi hộ gia đình đã tự chuẩn bị các dụng cụ để tập kết rác thải hàng ngày, trong 02 giáo họ đã có nơi tập kết rác thải tập trung và xữ lý cơ bản đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; chiều chủ nhật tuần cuối cùng của tháng, linh mục, HĐMV đã điều hành và huy động mọi giáo dân tập trung làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhất là vệ sinh rác thải dọc bờ sông được giáo dân đồng tình hưởng ứng thực hiện; cấp ủy, chính quyền đánh giá cao...

Qua 03 năm triển khai thực hiện công tác huy động các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Phong trào toàn dân bảo vệ môi trường nói chung; trong đồng bào tôn giáo nói riêng phải được sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; phải triển khai sâu rộng, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường phải có nội dung phù hợp với lợi ích của các tôn giáo; có sức cuốn hút, động viên và tạo điều kiện để quần chúng nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên, học sinh vùng tôn giáo tham gia nhiều hơn. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường với những hình thức, biện pháp phong phú, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong đồng bào các tôn giáo tham gia phong trào toàn dân bảo vệ môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, cần tập trung các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác phối hợp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngủ cán bộ Mặt trận, nhất là cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận và cộng đồng dân cư vùng tôn giáo.

2. Phối hợp với các tổ chức tôn giáo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bề vững. Đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, cách làm hay, sáng tạo trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần thực hiện "Tốt đời, đẹp đạo" và tăng cường sự gắn bó, đồng hành cùng chung tay bảo vệ môi trường.

3. Tiếp tục duy trì các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã xây dựng từ năm 2017-2019 trong khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo chủ động nhân rộng các mô hình điểm trong các khu dân cư, nhà chùa, giáo họ, giáo xứ; hàng năm mỗi tổ chức tôn giáo xây dựng mới từ 02 mô hình điểm trở lên, đồng thời duy trì, nhân rộng các mô hình điểm đã được xây dựng trước đó, đảm bảo các mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút được được đồng bào tôn giáo tự nguyện tham gia./.

(ubmt.quangbinh.gov.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi