Thời gian qua, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
|
Đeo khẩu trang trong lúc trao đổi tại Tịnh xá Ngọc Phụng
|
Nếu như trước đây, hàng ngày Tịnh xá Ngọc Phụng, ở phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, có khá đông phật tử, khách thập phương đến cầu an, cúng bái, nhưng khoảng 2 tháng qua tình trạng trên giảm hẳn. Bởi đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động phật tử, người dân hạn chế tối đa tụ tập đông người tại tịnh xá; cắt các thời cúng vào ban đêm; khi đến tịnh xá phải đeo khẩu trang và được mọi người hưởng ứng.
Ngoài ra, khi bà con, phật tử đến tịnh xá, Hòa thượng, Đại đức nơi đây cũng nhắc nhở chủ động hơn trong phòng, chống dịch Covid-19 thông qua các khuyến cáo, biện pháp của Bộ Y tế. “Chúng tôi làm như thế cũng muốn cùng chính quyền địa phương góp phần phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng thường xuyên quét dọn tịnh xá, lau chùi bàn ghế cho sạch sẽ, thông thoáng”, Đại đức Minh Chiến, thành viên Tịnh xá Ngọc Phụng, cho biết.
Trung tuần tháng 3, gia đình bà Quang Thị Nghĩa, ở phường Hiệp Thành, đến Tịnh xá Ngọc Phụng để cúng. Theo bà Nghĩa, con cháu trong gia đình rất đông và hầu hết muốn đến đây cúng nhưng được sự tuyên truyền, vận động của tịnh xá trong việc hạn chế tụ tập đông người nên chỉ có 5 người thân đến dự. Hơn hết, khi đến đây, các thành viên đều đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng trước khi vào tịnh xá.
“Mình làm như thế cũng muốn bảo vệ cho bản thân và những người xung quanh trong phòng, chống dịch Covid-19. Không chỉ hạn chế tập trung đông người ở đây mà những nơi khác khi có nhiều người là các thành viên trong gia đình tôi ít đến”, bà Nghĩa cho biết thêm.
Theo Hòa thượng Thích Giác Giàu, Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, để cùng với ngành chức năng, địa phương phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị yêu cầu các chùa, cơ sở thờ tự tăng cường tuyên truyền đến tăng ni, phật tử và nhân dân nhận thức rõ về mức nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm của dịch. Trong đó, tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; vận động, kêu gọi mọi người khi đến chùa, cơ sở thờ tự phải đeo khẩu trang. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng yêu cầu các chùa, cơ sở thờ tự tạm dừng lễ hội tập trung đông người đến từ nhiều vùng, địa phương khác nhau; các phòng thuốc nam tại những địa điểm này cũng hạn chế khám, bốc thuốc cho người dân...
“Nhìn chung, các chùa, cơ sở thờ tự thực hiện rất tốt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chúng tôi đã vận động, tuyên truyền. Hy vọng, với những việc làm trên sẽ góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh”, Hòa thượng Thích Giác Giàu mong muốn.
Còn Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, ngoài yêu cầu giáo xứ, họ đạo vận động, tuyên truyền giáo dân đeo khẩu trang khi đến nhà thờ, hạn chế đến những nơi đông người thì còn vận động những trường hợp lớn tuổi, sốt, ho được phép không dự thánh lễ. Tại thánh lễ, giáo dân rước lễ trên tay thay vì trên miệng; đặc biệt là rút ngắn thời gian tổ chức sự kiện này so với trước đây; hạn chế tổ chức đám tang của giáo dân tại nhà thờ...
Ông Khuất Văn Đệ, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi còn vận động, khuyến khích các linh mục đeo khẩu trang trong thánh lễ để làm gương cho giáo dân; vận động các nhà thờ trang bị xà phòng rửa tay cho giáo dân... Qua thời gian vận động, tuyên truyền, nhìn chung linh mục, giáo dân thực hiện tương đối tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo ngành chức năng, toàn tỉnh có khoảng 18 tổ chức, hệ phái tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động hợp pháp với khoảng 155 cơ sở thờ tự, trên 730 chức sắc và tương đương, khoảng 1.530 chức việc và khoảng 206.300 tín đồ các tôn giáo... Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, thông tin Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản kêu gọi Mặt trận các cấp cùng tổ chức thành viên tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống. Riêng người đứng đầu cơ sở thờ tự các tôn giáo trên địa bàn cần phối hợp tuyên truyền người dân theo đạo về tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của dịch; không chủ quan với diễn biến của dịch, nhưng không hoang mang; không tích trữ thực phẩm; hạn chế thấp nhất hoặc không tổ chức lễ hội của các tôn giáo tập trung đông người…/.
(baohaugiang.com.vn)