Thứ Sáu, 13/9/2024
Đại lễ Phật đản là lễ hội quốc tế về tôn giáo và văn hóa
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chúc mừng
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tăng, ni, phật tử


Chúc mừng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng, ni, phật tử đón Đại lễ Phật đản an lạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Phật đản không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật ở Việt Nam, mà còn là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận từ năm 1999. Đây là một lễ hội quốc tế về tôn giáo và văn hóa trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc nhằm góp phần tích cực trong nỗ lực kiến tạo hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân, cho nhân loại.

Với tinh thần nhân ái của đạo Phật, truyền thống yêu nước và tinh thần hộ quốc an dân, luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, trải qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, đã có nhiều vị cao tăng đức độ cống hiến cho đạo, cho đời, góp phần, góp sức xây dựng quốc gia cường thịnh. Trong lịch sử dân tộc, Phật giáo tham gia vào đấu tranh bảo vệ đất nước, là tôn giáo có nhiều cống hiến lớn trong các thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều vị cao tăng đã tham gia vào cách mạng, nhiều chùa chiền là nơi che chở, cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đạo Phật với tinh thần nhập thế luôn có cống hiến xứng đáng cho đất nước, cho dân tộc.

Ngày nay, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Việt Nam tiếp tục có đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tăng, ni, phật tử luôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết lục hòa với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia và tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội.  

Thông tin về tình hình dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát người có dấu hiệu nghi nhiễm, tổ chức cách ly ngay từ đầu khi phát hiện, khoanh vùng dập dịch…, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, được Tổ chức Y tế thế giới và các nước đánh giá cao, nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Trong những nỗ lực chung ấy, có sự chung tay tích cực của tăng, ni, phật tử cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, dịch bệnh còn có diễn biến khó lường. Trong điều kiện mở cửa thông thương, chúng ta phải có chủ trương đúng đắn, hết sức cảnh giác, không để dịch tái phát, thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội, không để ảnh hưởng của dịch làm suy giảm sâu nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam động viên tăng, ni, phật tử thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tập trung đông người, có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với tình hình thực tế, tham gia đóng góp phát triển kinh tế-xã hội để Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong phòng, chống dịch, cũng như là điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội.

Bày tỏ vui mừng được đón đoàn tới thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, nối tiếp truyền thống đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết xây dựng đất nước, phát huy tinh thần nhập thế, Giáo hội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng, ni, phật tử thực hiện nghiêm các chỉ thị của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đã vận động mạnh thường quân ủng hộ hàng trăm tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, trao tặng các trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất