Thứ Hai, 23/12/2024
Đẩy lùi tà đạo ở Điện Biên

 Đề án 79 của Chính phủ và Dự án hỗ trợ nhà ở xã hội do Bộ Công an thực hiện
tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã giúp rất nhiều gia đình người Mông ở nơi đây
có cuộc sống ổn định, không di cư tự do, từng bước xóa đói, giảm nghèo

Mường Nhé đã qua rồi những ngày buồn

Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh phía Tây Bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới dài 455,57 km, là tỉnh duy nhất tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc (trong đó Lào 414,72 km Trung Quốc 40,86 km); có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 08 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố), với 129 xã, phường, thị trấn; dân số toàn tỉnh hơn 61 vạn người, có 19 dân tộc cùng sinh sống (Mông 31,1%; Thái 35,2%; Kinh 17,3%; còn lại là các dân tộc khác).

Với vị trí chiến lược, những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, kinh tế phát triển ổn định, văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống một bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn; cùng với đặc điểm tự nhiên của tỉnh, nên những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu triệt để lợi dụng để kích động, ly khai, tự trị, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, xuất cảnh trái phép, mua bán vận chuyển trái phép các chất ma túy, buôn bán người, cùng với tỉ lệ người nghiện cao (hơn 1,5% dân số) đã gây ra nhiều hệ lụy về xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ, đấu tranh nhân quyền.

Điển hình là vụ việc cách đây gần 10 năm xảy ra tại thôn Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, từ ngày 30/4 đến ngày 6/5/2011, một số phần tử xấu do thế lực bên ngoài xúi giục, tiếp tay, đã dùng nhiều thủ đoạn kích động, lừa mị, lôi kéo hàng nghìn đồng bào dân tộc Mông từ nhiều xã trong huyện và ở các địa phương khác như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Đắc Nông, Đắc Lắc… tụ tập về bản Huổi Khon để chờ ngày “Chúa phán quyết” và “xưng vua”. Đây là hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không chỉ ở địa phương, mà còn ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác.

Sự việc đáng tiếc trên đã được giải quyết. Những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Mường Nhé đã dần ổn định trở lại.


 Hiện nay, cơ sở vật chất của xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) đã được tăng cường đầu tư
bảo đảm phục vụ nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã

Anh Vàng A S., ở bản Khuổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, là người đã từng nghe kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục tham gia tụ tập trong vụ việc cách đây gần 10 năm, tâm sự: Sau khi trót dại nghe lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, tôi đã nghe theo và tham gia tụ tập để chờ ngày “Chúa phán quyết” và “xưng vua” của người Mông. Nhưng chờ mãi không thấy “Chúa” và “vua Mông” xuất hiện, nên đã biết là bị lừa. Sau đó, được các anh Công an giải thích, vận động nên tôi đã không tham gia tụ tập nữa mà quay về với vợ con. Tôi thấy mình đã sai. Từ đó đến nay và cả về sau sẽ không bao giờ nghe lời kẻ xấu nữa!

Quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm bình đẳng

Trước và sau sự việc Mường Nhé năm 2011, tỉnh Điện Biên đều dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác tín ngưỡng, tôn giáo và công tác bảo đảm quyền con người. Những năm gần đây, công tác này được quan tâm hơn nên các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, hoạt động bình đẳng và tuân thủ đúng pháp luật.

Theo Đại tá Tráng A Tủa, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Tính đến ngày 30/8/2020, trên địa bàn tỉnh có 12.734 hộ với 72.879 người theo đạo Tin lành, Công giáo, Phật giáo (chiếm 11,8% dân số của toàn tỉnh), gồm 5 dân tộc (Mông, Dao, Thái, Sán Chỉ, Kinh), sinh hoạt ở 412 điểm nhóm tại 636 thôn bản, 112 xã, phường, thị trấn, thị xã, thành phố. Trong số này, thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 01 của Chính phủ và quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, UBND tỉnh đã chấp thuận cho thành lập 01 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, 01 giáo xứ Điện Biên với 03 giáo họ trực thuộc; cấp phép hoạt cho 289/412 điểm nhóm Phật giáo; cấp phép hoạt động cho 30% điểm, nhóm đạo Tin lành, số còn lại đang trong quá trình đăng ký cấp phép.

Về việc thực hiện bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo nhằm dần đưa tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các ngành chức năng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền phổ biến cho người dân và tín đồ biết được âm mưu hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; hằng năm, đều tổ chức hội nghị tập huấn về công tác tôn giáo cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, các xã trọng điểm, các chức sắc, chức việc. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị gặp gỡ đối thoại với 304 người có uy tín, trưởng nhóm đạo trên địa bàn về hoạt động tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ, chức sắc, chức nghiệp, từ đó trên cơ sở quy định của pháp luật đã có giải pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn theo nguyện vọng chính đáng của tín đồ.  


 Mục sư Giàng Hồng Sinh chuẩn bị cho một buổi truyền giáo và cầu nguyện
tại nhóm đạo Tin lành ở bản Si Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé 

Để minh chứng cho những phát biểu trên, Mục sư Giàng Hồng Sinh (dân tộc Mông), người truyền giáo kiêm trưởng nhóm đạo, phụ trách nhóm Tin lành miền Bắc, tại bản Si Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé khẳng định: Nhóm đạo Tin lành ở đây (gồm hơn 30 hộ người dân tộc Mông) đã đăng ký và được cấp phép hoạt động từ năm 2016. Trong quá trình hoạt động, các giáo dân, tín đồ trong nhóm đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi tham gia các buổi cầu nguyện, giảng đạo ngày Chủ nhật và các hoạt động tín ngưỡng khác của nhóm trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Các tín đồ, giáo dân cũng luôn ý thức “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc”, tuân thủ mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không nghe kẻ xấu truyền bá tư tưởng, giáo lý sai trái không đúng với Kinh thánh và vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Kiên quyết xử lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật

Sau vụ việc xảy ra tại huyện Mường Nhé, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại. Nhưng gần đây lại xuất hiện 2 tà đạo là “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”. Cũng theo chính Mục sư Giàng Hồng Sinh khẳng định: Đây là 2 tà đạo.

Qua điều tra đã xác minh đối tượng Hờ Chá Sùng, khoảng 50 tuổi, người Mông gốc Lào, hiện đang sinh sống ở bang California (Mỹ) cố tình lợi dụng tên gọi của Chúa Giê-su để đánh tráo khái niệm cho rằng Chúa là người Mông có tên là Giê Sùa (phát âm gần giống với Giê-su) và cho rằng có thể Chúa Giê-su chính là Giê Sùa, từ đó xây dựng những giáo lý xuyên tạc Kinh thánh, thực hiện ý đồ đen tối kêu gọi người Mông ở các nơi về tỉnh Xiêng Khoảng, Lào, chiến đấu, xây dựng "Nhà nước Mông".

Với tà đạo “Bà cô Dợ” cũng có phương thức hoạt động tương tự như tà đạo “Giê Sùa”, do đối tượng Vừ Thị Dợ, khoảng 50 tuổi, người Mông, hiện đang sống tại thành phố Milwaukee, bang Wiscosin (Mỹ) cố tình xuyên tạc Kinh thánh, kêu gọi thành lập “Nhà nước Mông” ở khu vực Mường Nhé, Điện Biên.

Hiện nay, chính những dòng đạo Tin lành chính thống giáo đang hoạt động hợp pháp ở Điện Biên cũng chủ trương phản bác lại 2 tà đạo này và kêu gọi tín đồ, giáo dân không đi theo 2 tà đạo này.


 Các buổi sinh hoạt tại nhóm đạo Tin lành ở bản Si Ma 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé 
luôn khuyên nhủ giáo dân, tín đồ “sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước,
phụng sự quốc gia, dân tộc”; đồng thời phản bác lại 2 tà đạo là "Giê Sùa" và "Bà cô Dợ" 

Chủ trương của tỉnh Điện Biên là kiên quyết xử lý đối với 2 tà đạo này. Năm 2018, tỉnh đã thực hiện 3 cuộc vận động tập trung, tổ chức 31 buổi họp dân kết hợp chiếu phim thu hút hàng ngàn lượt người tham gia để phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó vạch trần bản chất hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật của 2 tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”. Ngành chức năng của tỉnh cũng đã trao đổi thông tin đề nghị 5 Tổng hội Tin lành tham gia đấu tranh vận động tín đồ tẩy chay tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”, đồng thời vận động quần chúng, tín đồ không nghe lời lôi kéo, dụ dỗ của phần tử xấu.

Nhờ những việc làm thiết thực của chính quyền, ngành chức năng và của chính những nhóm đạo hoạt động chân chính, lành mạnh nên đông đảo người dân, tín đồ đã nhận rõ được bản chất xuyên tạc xấu xa, đen tối của 2 tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Giàng Seo T. (dân tộc Mông), ở bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã khẳng định: Tuy có bị kẻ xấu đến truyền giáo về đạo “Giê Sùa” và đạo “Bà cô Dợ”, nhưng ông cùng gia đình và bà con trong bản đã hiểu rõ bản chất sai trái của 2 tà đạo này, vì thế kiên quyết không nghe, không tin, không làm theo những kẻ xấu.

Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết, từ những hoạt động đấu tranh, tuyên truyền, ngăn chặn tích cực, hiệu quả của ngành chức năng nên đã vận động được 14 hộ với 112 người từ bỏ 2 tà đạo “Giê Sùa” và “Bà cô Dợ”. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ gia đình đi theo 2 tà đạo này làm cho tình hình chưa ổn định, đòi hỏi ngành chức năng trên địa bàn cần tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới./.

(dangcongsan.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi