Thứ Tư, 22/1/2025
Tôn giáo đồng hành với dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi sức khỏe đại diện Giáo hội phật giáo Việt Nam
 tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 ngày 27/5 vừa qua

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới đời sống tôn giáo

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tới mọi mặt của đời sống con người, trong đó đời sống tôn giáo cũng không nằm trong ngoại lệ. Đại dịch đã gây ra những mất mát về con người không chỉ của xã hội, mà tôn giáo cũng mất đi những nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, những tín đồ đã làm nên sự tồn tại và phát triển của các giáo hội. Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến những bài học “đau đớn” về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở những nơi tập trung đông người, nhất là hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự.

Trường hợp bệnh nhân số 31 của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc năm 2020 bị nhiễm bệnh nhưng vẫn tham gia sinh hoạt tôn giáo đã làm lây nhiễm cho hầu hết tín đồ của giáo phái này và cộng đồng xã hội. Gần 60% số ca nhiễm ở Hàn Quốc năm 2020 có liên quan đến bệnh nhân là tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa.

Đầu năm 2021 Lễ hội tôn giáo tại Kumbh Mela một thành phố phía bắc Ấn Độ bên bờ sông Hằng thu hút hàng triệu người theo đạo Hindu hành hương với nhận thức “sẽ không ai bị ngăn cản vì COVID-19, vì chúng tôi tin rằng niềm tin vào thần linh sẽ chiến thắng nỗi sợ virus” đã đẩy Ấn Độ đến bờ vực khủng hoảng do dịch bệnh khi số ca nhiễm bệnh tăng 1.800% trong 25 ngày tại bang Kumbh.  Nói về sự kiện này, cựu Thư ký Bộ y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ đã thừa nhận: “Đó là một sai lầm rất tồi tệ và chúng tôi đã phải trả giá, một cái giá cực kỳ đắt cho sự buông lỏng đó”.

Chỉ điểm lại hai sự kiện trên thôi cũng cho thấy bài học đắt giá từ việc tụ tập đông người, trong đó có tập trung ở các cơ sở tôn giáo trong mùa dịch.

Ở Việt Nam, đại dịch đã làm thay đổi căn bản các hoạt động tôn giáo. Trước đại dịch tín đồ thực hiện nhu cầu tôn giáo một cách thường xuyên ở phạm vi gia đình, cơ sở tôn giáo. Tín đồ được bày tỏ đức tin, được chức sắc, chức việc, nhà tu hành hướng dẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Tín đồ đến cơ sở tôn giáo còn để giao lưu văn hóa, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, là nơi mà mọi thông tin về cộng đồng làng, xã, đất nước được chia sẻ và tiếp nhận. Tuy nhiên, trong đại dịch thì sự tập trung hàng trăm, hàng nghìn người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một hiểm họa khôn lường nếu có tín đồ nhiễm bệnh. Trường hợp sinh hoạt tôn giáo tập trung của “Hội thánh truyền giáo Phục hưng” tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lây nhiễm cho 653 F0 (riêng Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 635 F0) ở 21/22 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh và 15 tỉnh, thành phố khác bị ảnh hưởng; trường hợp lây nhiễm COVID-19 liên quan đến Viện Thánh kinh Thần học thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) theo thống kê ban đầu có 301 ca F0, chủ yếu các tín đồ là học viên; 61 tu sĩ Dòng Đa minh Phú Cường bị lây nhiễm, 29 người của cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh bị nhiễm... Điều này không chỉ là bài học cho sự chủ quan trong công tác phòng chống dịch mà còn là lời nhắc nhở tới các tổ chức và cá nhân tôn giáo về dịch bệnh không phân biệt thành phần, tôn giáo nào trong xã hội. Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch, mà cần sự quyết tâm hành động chung của toàn xã hội. Chỉ khi ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo được nâng cao trong việc tuân thủ quy định phòng chống dịch thì dịch bệnh mới được đẩy lùi, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc, tín đồ và đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corana gây ra. Liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngày 4/6/2021 Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản số 674/TGCP-VP gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh đến việc: tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tôn giáo tập trung; với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm, cần phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định; cập nhật thông tin và phổ biến công tác phòng, chống dịch cho tín đồ; nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế online trên tokhaiyte.vn và phát huy tinh thần bác ái của các tôn giáo, đồng hành với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch và vận động đóng góp, ủng hộ “Quỹ vaccine phòng COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ thành lập.


 Phật giáo tỉnh Long An tích cực vận động tăng, ni, phật tử
đóng góp kinh phí, vật chất ủng hộ địa phương phòng, chống dịch

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, giao nhiệm vụ cho các vụ chuyên môn thuộc Ban phối hợp với các tổ chức tôn giáo để nắm tình hình phòng chống dịch trong các tôn giáo, ban hành văn bản yêu cầu Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước nắm tình hình, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Tiến Sỹ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương. Chủ động hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ, cơ sở tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo theo hình thức trực tuyến thông qua trang website và truyền thông của Giáo hội. Mặc dù việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của tín đồ, nhưng đa số các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, tín đồ đều đồng thuận, tự giác chấp hành, đồng hành với chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đều ra văn bản hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ, các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.

Trước sự bùng phát kéo dài và nguy hiểm của đợt dịch thứ 4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tiếp tục nêu cao tinh thần phòng chống dịch trước diễn biến phức tạp của biến thể mới. Trong Mùa Vu lan Báo hiếu, Hội đồng Trị sự GHPGVN tiếp tục ban hành Thông bạch số 193/TB-HĐTS ngày 03/8/2021 về việc Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2565 - DL.2021, trong đó yêu cầu tăng ni, phật tử tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đó, không tổ chức Đại lễ Vu Lan tập trung đông người, chuyển sang tổ chức theo hình thức sinh hoạt trực tuyến online…

Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng đã kịp thời hưởng ứng và chấp hành chủ trương phòng chống dịch bằng việc ban hành các hướng dẫn cụ thể cho tín đồ thực hiện ngay từ khi dịch bệnh bùng phát. Trước diễn biến đại dịch lần thứ 4, Giáo hội Công giáo tiếp tục hưởng ứng, đồng thuận với Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Các Tòa giám mục đồng loạt ra văn bản yêu cầu linh mục, tu sĩ và tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương của Chính phủ và hợp tác với chính quyền trong việc chống dịch, đồng thời cũng giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho các linh mục về phòng chống dịch, coi việc phòng chống dịch không chỉ là chấp hành chủ trương của nhà nước mà còn là đòi hỏi của tính vâng phục trong giáo hội.

Các địa phương rất quan tâm đến việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ: Tới nay, 25 chức sắc thuộc Hội thánh Minh Lý đạo Tam Tông miếu và 51 chức sắc, chức việc thuộc các Hội thánh Cao Đài; 04 chức sắc, chức việc trong Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Ninh Thuận; trên 1000 chức sắc Công giáo; Nghệ An có 85 người; Lạng Sơn đã tiêm cho 66 người, Bắc Ninh có 20 người, Quảng Bình 37 người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19… Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đều bày tỏ phấn khởi và biết ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện được tiêm phòng sớm. 

Lan tỏa yêu thương đẩy lùi đại dịch

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tuyệt đối thực hiện quy định 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ cho “Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19” và hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn tại các vùng dịch.

Cho đến nay, Giáo hội đã vận động và mua 10 Máy thở đa năngvới tổng trị giá 6,7 tỷ đồng trao tặng cho thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An. Tăng, Ni Phật tử cả nước đã và tiếp tục đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân. Giáo hội cũng đã có văn bản gửi chính quyền đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni như tại Trà Vinh, khu cách ly tập trung số 3 được đặt tại Trường Trung cấp Pali-Khmer để tiếp nhận cách ly y tế tập trung đối với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Chùa Ích Minh tỉnh Bắc Giang, Chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương…Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Những đóng góp trên vừa là tấm lòng hảo tâm của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo trong cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, dân tộc.

Trước diễn biết hết sức phức tạp của dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/7/2021 HĐGMVN tiếp tục ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch với chủ đề “Thương lắm Sài Gòn ơi”. HĐGMVN cũng đã đóng góp 3 tỷ đồng vào quỹ vaccin phòng chống dịch của Chính phủ. Hưởng ứng Thư kêu gọi của HĐGMVN nhiều giáo phận đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Tòa Giám mục giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỉ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả cho thành phố Hồ Chí Minh; Tòa giám mục Phan Thiết đóng góp 10.000 lít nước mắm và 15 tấn Thanh Long vào vùng dịch…

Văn phòng đặc trách tu sĩ giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có văn thư gửi Bề trên các dòng tu kêu gọi Thành lập nhóm tu sĩ thiện nguyện để giúp đỡ các nhân viên y tế trong các bệnh viện. Đã có 181 tu sĩ đến hỗ trợ ở 3 bệnh viện trong Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 23/8 có 87 tu sĩ hoàn thành nhiệm vụ về cách ly và giáo phận bổ sung tiếp 171 tu sĩ thiện nguyện đến nơi cần hỗ trợ. Giáo phận Đồng Nai có 88 tu sĩ, 4 linh mục và 27 chủng sinh tình nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn. Để tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động này, Văn phòng đặc trách Tu sĩ , ngày 20/8/2021 đã ra Thư mời gọi tham gia chương trình Tu sĩ thiện nguyện.

Có thể nói, bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng của các tôn giáo đã góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đây cũng chính là điểm mạnh của các tôn giáo, nhiều trong số họ không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà hơn hết là tinh thần phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành truyền thống, là tinh thần từ bi, bác ái, chân thiện mỹ trong giá trị của mỗi tôn giáo. Trong suốt quá trình chống dịch, bằng cách này cách khác, bằng thực lực của mỗi tôn giáo mà có sự đóng góp, hỗ trợ khác nhau, nhưng tất cả đều là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm đồng hành và là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần, là giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc.

Khi đất nước gặp khó khăn thì tiềm năng, nguồn lực trong mỗi con người, mỗi tổ chức được bộc lộ, được phát huy. Điều đó cho thấy nguồn cội dân tộc, nghĩa đồng bào luôn ẩn sâu trong tâm thức của mỗi tín đồ tôn giáo người Việt. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch. Nhận thức, ý thức của cá nhân và tổ chức tôn giáo về an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng là quan trọng nhất, niềm tin tôn giáo, việc thực hành các nghi lễ chỉ có được khi điều kiện sống được đảm bảo. Chính vì vậy, khi họ nhận được những chỉ dẫn đúng từ các ngành chức năng thì tính chấp pháp được nâng cao và thực hiện hiệu quả.

Sự đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng chống dịch chính là sự kết tinh của quá trình đổi mới chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Chủ trương, chính sách đó được thực hiện thường xuyên, lâu dài cùng với sự ổn định và phát triển của các tôn giáo, đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam. Trong những thử thách, khó khăn của dịch bệnh thì tình yêu và niềm tự hào đó đang được thể hiện một cách trọn vẹn nhất./.

(dangcongsan.vn)

Gửi cho bạn bè