Thứ Ba, 15/10/2024
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam

Liên hợp quốc đã xác nhận: Việt Nam đứng thứ hai trong khối châu Á - Thái Bình Dương và thứ chín trên 135 nước về tỷ lệ phụ nữ làm việc trong Chính phủ. Đến nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Vậy mà, cách nửa vòng trái đất, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên với những đánh giá lệch lạc, thiếu khách quan, không được kiểm chứng về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu; họ tự cho mình cái quyền phán xét, đánh giá, phê phán về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của các nước, trong đó có Việt Nam.

Những quan điểm sai trái, thù địch, thiếu khách quan, xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Đi ngược lại với chủ trương của lãnh đạo cấp cao, những tiếng nói xuyên tạc, thiếu khách quan, xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo  ở Việt Nam đi ngược lại với chủ trương của lãnh đạo cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước, đặc biệt với Mỹ, khi hai bên tiếp tục khẳng định: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", nhưng vẫn còn một số tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn chưa từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điêu sai trái, những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng, không chính xác về tình hình tôn giáo tại Việt Nam nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đánh giá sai lầm về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, ngày 02/12/2022 Bộ Ngoại giao Mỹ đã Thông báo đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL) nhằm pháp lý hóa các hoạt động can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Đó là quyết định dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông thông tin không chính xác tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nhằm tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo, tạo sự hoài nghi chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong nước, cũng như người nước ngoài đang sinh sống, công tác, làm ăn tại Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Vậy, Mỹ đại diện cho ai để phê phán, đánh giá về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam? Trong khi đời sống tôn giáo ở Việt Nam luôn ổn định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được bảo đảm theo chiều hướng tích cực. Điều này đã phản ánh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó quyền tự do lựa chọn đức tin, tổ chức hợp pháp là một trong những quyền cơ bản nhất trong quyền con người; quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trong một đất nước đa tôn giáo, đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam. Mặt khác còn khẳng định Việt Nam không có sự phân biệt giữa người có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ một tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài vào, dù tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Những đánh giá sai lầm, xuyên tạc nêu trên không thể coi là “đại diện cho tiếng nói tôn giáo”, càng không thể đại diện cho tiếng nói của Nhân dân Việt Nam… Thủ đoạn của họ là tạo dư luận quốc tế, tăng viện trợ kinh phí, phương tiện cho các “ngọn cờ” để có điều kiện đẩy mạnh các hoạt động chống phá Việt Nam. Khi bị Nhà nước Việt Nam xử lý sẽ vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, đòi can thiệp nhằm tạo chỗ dựa về chính trị cho các đối tượng cực đoan, chống phá Nhà nước Việt Nam. Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Qua đó, gây sức ép và buộc Nhà nước Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do và lồng ghép tiến bộ về tự do tôn giáo đối với việc cải thiện quan hệ song phương.

Không thể phủ nhận Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 03/9/1945 tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 234/SL khẳng định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của Nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ Nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của nhà nước như mọi tổ chức khác của Nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các tôn giáo xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà và trong mọi hoàn cảnh chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.


 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài
cùng đoàn công tác Trung ương và tỉnh An Giang chúc mừng Giáng sinh
tại Tòa Giám mục Giáo phận Long Xuyên nhân dịp Lễ Giáng sinh năm 2022


Chính vì vậy, hàng trăm nghìn đồng bào công giáo ở Vinh, Huế, Thái Bình đã xuống đường tuần hành ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh; cả bốn Giám mục người Việt Nam cùng ký tên vào bức điện văn gửi Tòa thánh Vatican và Ki-tô hữu toàn thế giới, yêu cầu ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời bày tỏ quyết tâm bảo vệ đất nước đến cùng. Các giám mục, linh mục và giáo dân ở Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết: Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một nước nhà tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi cũng sẵn sàng không ngần ngại. Nhiều giám mục, linh mục, giáo dân đã tham gia gánh vác những trọng trách quan trọng của đất nước nước như: Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Lê Hữu Từ làm Cố vấn Chính phủ; linh mục Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội); ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Vũ Đình Tụng làm Bộ trưởng Y tế, ông Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng Kinh tế... Nhiều nhà sư trong Phật giáo và nhiều tôn giáo khác đã cởi áo tu hành, khoác chiến bào để tham gia cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và sau này là Đế quốc Mỹ, góp phần cùng cả nước giành độc lập dân tộc.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của Nhân dân. Cụ thể: Ngày 18/6/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ra đời Pháp lệnh số 21 thể hiện sự đổi mới về quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam và cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam với nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đặc biệt, ngày 18/11/2016 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 Chương, 68 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018; để Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đi vào cuộc sống, ngày 30/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡngtôn giáo. Nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật đúng đắn về tôn giáo mà số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được đảm bảo.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng tăng, cơ sở thờ tự được sửa chữa, xây mới ngày càng khang trang hơn; việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đời sống tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo và ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực

Đời sống tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo, các tôn giáo được đối xử bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng về tộc người với những truyền thống lịch sử và văn hóa khác biệt. Những thành tựu đó, thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đề cao vai trò của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước và được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII đó là “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Không chỉ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thuộc nhiều quốc tịch khách nhau như: Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Liên bang Nga, Mỹ, Pháp…

Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng sôi động, từ khi Đảng, Nhà nước Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo được mở rộng giữa tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với các tổ chức tôn giáo thế giới, như Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam… Ngoài các hoạt động quốc tế bình thường mang tính tổ chức hoặc giao lưu với các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia rất tích cực các hội nghị, các diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM); hợp tác liên tín ngưỡng giữa các nước của Phong trào Không liên kết; đối thoại nhân quyền Việt Nam - Mỹ, Việt Nam - EU, Việt Nam - Úc… Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2019, có tất cả 505 đoàn khách tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo; có 1.538 đoàn thuộc các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Việt Nam tham gia hoạt động quốc tế ở nước ngoài. Trong năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp các cơ quan chức năng chấp thuận 38 đoàn ra với số lượng là 170 người, 77 đoàn nước ngoài vào hoạt động tôn giáo tại Việt Nam với số lượng là 467 người; tiếp đón và làm việc với 21 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tôn giáo  chính sách pháp luật về tôn giáo của Việt Nam; năm 2022, giải quyết 38 khách ngước ngoài gia hạn visa để hoạt động tôn giáo; 32 đoàn vào (175 người), 14 đoàn ra (48 người) xuất cảnh hoạt động vì mục đích tôn giáo.

 
 Nghi lễ tắm Phật tại chùa Tam Chúc, trong dip Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019

Hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không  chỉ thực hiện theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài dịp tiếp cận với thực tế tôn giáo ở các vùng miền của Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam - Vatican ngày càng chuyển biến tích cực, sau chuyến thăm năm 1989 của Hồng y Etchegaray đến Việt Nam, đến tháng 11/1990, chính thức đánh dấu các tiếp xúc giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Kể từ chuyến viếng thăm này, hàng năm, Tòa thánh cử đoàn Ngoại giao sang Việt Nam và giải quyết các vấn đề mục vụ của Giáo hội Công giáo Việt Nam; ngày 13/10/2011, Tòa thánh đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam; từ năm 2018 đến nay là Tổng Giám mục Marek Jalewski thay thế. Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ từ “Đặc phái viên không thường trú” lên “Đặc phái viên thường trú” của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam (hai bên đã đạt được thống nhất các nội dung trong Quy chế Đặc phái viên thường trú).

Từ cuối thập niên 2000 trở đi, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm nước Cộng hòa Italia (hoặc các nước châu Âu), nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đã đến hội kiến các vị Giáo hoàng đương nhiệm tại Vatican. Đặc biệt, ngày 22/01/2013, một phái đoàn quan chức cấp cao do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đến thăm Tòa thánh Vatican, tiếp kiến Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Tòa thánh Vatican, hội kiến với Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Sau chuyến thăm, Thông báo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết "Đây là lần đầu tiên một vị  Tổng thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp Đức Giáo hoàng các vị lãnh đạo cấp cao của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Trong các cuộc nói chuyện thân mật các vị đã bàn về những vần đề có quan hệ đối với Việt Nam và Tòa Thánh, đồng thời bày tỏ ước muốn một số tình trạng còn tồn đọng sớm được giải quyết sự cộng tác phong phú hiện nay có thể được củng cố".

Số lượng chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tăng, nếu như năm 1995, cả nước có trên 31,5 nghìn chức sắc; năm 2005 có trên 42 nghìn chức sắc; năm 2010 có 49,5 nghìn chức sắc; năm 2020 tăng lên 58,1 nghìn chức sắc; riêng Phật giáo từ 12 nghìn chức sắc năm 1990 đã tăng lên trên 32 nghìn chức sắc năm 2020; Công giáo từ 2.700 chức sắc năm 1990 tăng lên trên 8,1 nghìn chức sắc năm 2020; Tin lành từ 506 chức sắc năm 1990 tăng lên trên 2,1 nghìn chức sắc năm 2020; năm 2022, đã có 5.730 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 9.300 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 1.577 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển… ngoài ra, hằng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Nhờ có tính nhất quán của chính sách tôn giáo ở Việt Nam đã giúp các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Ở Việt Nam ngày nay, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước thể hiện rất rõ. Đại đoàn kết toàn dân tộc, là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó đại đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự được Nhà nước rất quan tâm, tính đến ngày 31/12/2021, trong cả nước có 29.700 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, tăng khoảng 5.700 cơ sở so với năm 2008. Hầu hết các cơ sở thờ tự tôn giáo đã được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới (chỉ tính riêng trong năm 2020, cả nước có 192 cơ sở thờ tự được xây mới và 230 cơ sở thờ tự được sửa chữa). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng được thực hiện theo đúng pháp luật. Đến tháng 31/12/2020, số cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 74,96% tổng số cơ sở. Trong năm 2022, đã có 203 cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp phép xây dựng mới; 283 cơ sở được cấp phép sửa chữa, cải tạo. Bên cạnh đó, việc xem xét giao đất, cấp đất cho các tôn giáo để mở rộng cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ cũng được quan tâm.

Việc in ấn, xuất bản ấn phẩm tôn giáo tăng cả về về số lượng và chất lượng, từ khi đổi mới, việc in ấn, xuất bản ấn phẩm tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Chỉ tính hơn 05 năm hoạt động đầu tiên của Nhà xuất bản Tôn giáo (1999 - 2004) đã xuất bản được trên 1.303 tựa sách với hơn 6.514.000 bản in, 205 văn hóa phẩm (lịch, băng, đĩa liên quan đến tôn giáo). Đến năm 2021, ở Việt Nam cấp toàn đạo của các tổ chức tôn giáo có 15 tờ báo và tạp chí đang hoạt động, trong đó có những tờ báo, tạp chí có uy tín. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động với rất nhiều trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, website của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động. Đặc biệt, ngày 12/01/2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức khai trương Trung tâm điều hành điện tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, trong năm 2022, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp quyết định xuất bản 500 xuất bản phẩm, với 1,5 triệu bản in đã được xuất bản.

Các hoạt động tôn giáo lớn trở thành lễ hội chung và được đông đảo người dân tham gia: Lễ Phục sinh, Lễ Giáng sinh; Lễ hội Hành hương Thánh địa La Vang của Công giáo hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia; Lễ Kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền đến Việt Nam (2011) tại Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hàng vài chục nghìn lượt tín đồ, chức sắc và khách quốc tế tới tham dự; Đại lễ Vesak năm 2008 tại Thành phố Hà Nội, Đại lễ Vesak năm 2014 tại Bái Đính, tỉnh Ninh Bình có hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và hàng nghìn khách quốc tế từ hằng trăm quốc gia và vũng lãnh thổ tham dự; đặc biệt Đại lễ Vesak năm 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (từ ngày 12 đến ngày 14/5/2019) với sự tham dự của khoảng 30 nghìn tăng, ni, phật tử cả nước, 1.650 khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 04 lãnh đạo quốc gia (Tổng thống Nepan; Thủ tướng Myanmar; Phó Tổng thống Ấn Độ; Chủ tịch Thượng viện Butan) và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, 28 vị đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Những con số biết nói và thành quả công tác tôn giáo nêu trên một lần nữa khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương, chính sách, pháp luật về tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam và đã thể hiện rất sinh động trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động của các tổ chức, các nhân tôn giáo ở Việt Nam; hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, mà Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động tham gia./.

ThS. Hoàng Bá Hai, Phó Vụ trưởng, Vụ Tôn giáo, Ban Dân vận Trung ương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12/3/2003 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa IX) về công tác tôn giáo.

2. Điều 14, Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016; Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

4. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/11/2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ): Danh mục các tổ chức tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12-2020; Báo cáo tổng kết ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các năm 2019, 2020, 2021 và 2022.

6. Đường hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam được xác định trong Thư Chung năm 1980: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.3.

8. Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4.

9. Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.7.

10. Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.13.

11. Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.6.

12.  Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.8.



 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất