Thứ Bảy, 21/12/2024
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương tiếp Đoàn chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận

 Quang cảnh buổi tiếp

Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Tôn giáo - Ban Dân vận Trung ương; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận.

Về phía đại biểu là chức sắc, chức việc tôn giáo của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận có: Sư cả Châu Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận; ông Ysa Thành Thanh Tâm, Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận; Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận; Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận; Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận; Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận.


 Đồng chí Trương Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận báo cáo tại buổi tiếp

Tại buổi tiếp, đồng chí Trương Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận trình bày báo cáo tình hình công tác tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận. Đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, hiện nay đồng bào Chăm ở Ninh Thuận có hơn 85.000 người, chủ yếu theo các tôn giáo: Bàlamôn, Hồi giáo (Bàni và Islam); sống chủ yếu tập trung ở đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em trong tỉnh. Đời sống kinh tế của đồng bào Chăm ngày càng được nâng cao, bên cạnh đó kết cấu hạ tầng phát triển, đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với đặc điểm của từng vùng.

Tại các địa bàn có đồng bào Chăm sinh sống, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% vùng đồng bào Chăm được sử dụng điện, có trạm y tế, có nhà văn hóa xã, trường học; phần lớn các xã có đồng bào Chăm sinh sống đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Mức thu nhập bình quân cao hơn và tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn so với mức bình quân chung toàn tỉnh. Theo đó, mức thu nhập bình quân đầu người ước khoảng 64 triệu đồng/người/năm; tổng số hộ nghèo đồng bào Chăm là 450 hộ/2.353 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,29% so với tổng số hộ đồng bào Chăm (thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 4,21%); hộ cận nghèo 1.014 hộ/5.497 khẩu, chiếm tỷ lệ 5,17% so với tổng số hộ đồng bào Chăm (cao hơn so với bình quân chung của tỉnh 4,61%).

Đồng bào Chăm tại địa phương đoàn kết, luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá phong phú, đa dạng góp phần làm giàu kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Đời sống văn hóa của đồng bào Chăm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu sưu tầm, khai thác, chọn lọc..., đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm của đồng bào Chăm và làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam như: Khai thác phổ biến nguồn dân ca Chăm, các nhạc cụ cổ truyền; giữ gìn và phát huy các lễ hội Katê, Tết Ramưwan; Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm của tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên...

03 tổ chức tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận điều hành tốt việc tổ chức và hoạt động tôn giáo theo Hiến chương và quy định của pháp luật; làm cầu nối giữa chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm với các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh. Chức sắc, chức việc các tôn giáo trong vùng đồng bào Chăm là những người có uy tín và đức độ trong cộng đồng, làm nòng cốt trong việc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như hưởng ứng tham gia, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương…

Thay mặt Đoàn đại biểu, Sư cả Châu Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận trân trọng cảm ơn đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban đã dành thời gian đón tiếp Đoàn; đồng thời cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên chức sắc, chức việc và toàn thể đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận phát huy truyền thống gắn bó, đoàn kết, đồng hành của dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trao thi đua yêu nước tại địa phương với phương châm sống ''tốt đời, đẹp đạo''.


 Đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi tiếp

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương bày tỏ vui mừng được tiếp đón Đoàn đại biểu chức sắc, chức việc, cốt cán tôn giáo vùng đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận tới thăm Ban Dân vận Trung ương.

Đồng chí cho biết, trong những năm qua, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng Chăm nói chung và ở Ninh Thuận nói riêng luôn được Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện giúp ổn định về tổ chức tôn giáo, hướng dẫn về chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; hỗ trợ các điều kiện về vật chất và các nguồn lực khác; thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên các vị chức sắc, chức việc, nhân sĩ, cốt cán các tổ chức Chăm Bàlamôn giáo, Chăm Hồi giáo Islam và Hồi giáo Bàni, với mong muốn đồng bào có đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần ngày càng phát triển.

Ban Dân vận Trung ương ghi nhận những nỗ lực đáng trân trọng của đồng bào Chăm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu, đẹp, văn minh, xây dựng diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp, vì môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các thế hệ tương lai. Chức sắc, chức việc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo của người Chăm tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn tín đồ hoạt động tôn giáo thực hiện đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo được nâng lên...

Trong đó có thể kể đến, Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn, qua 12 năm hoạt động, đã có những cải tiến trong việc xây dựng quy ước thực hành các nghi lễ, thống nhất các ngày lễ cho các khu vực đền, tháp; phong chức, phong phẩm trong đội ngũ chức sắc, tạo mối quan hệ với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh. Phối hợp với Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni để thống nhất lịch Chăm hằng năm, từng bước đơn giản hóa các tập tục tốn kém và lạc hậu trong cộng đồng. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động tín đồ tích cực tham gia các hoạt động trồng cây xanh bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư một cảnh quan “Sáng-xanh-sạch-đẹp”; xây dựng các mô hình thực hiện bảo vệ môi trường như: tổ thu gom rác thải, khai thông cống rãnh, đào hầm thoát nước, vận động bà con tín đồ không nuôi heo thả rông trong khu dân cư, nhằm từng bước thay đổi tập quán cho bà con tín đồ…

Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni, đã tập trung tuyên truyền vận động bà con tín đồ tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...; kết quả hơn 90% hộ gia đình đăng ký tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tham gia quản lý, giáo dục con em trong cộng đồng; tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông nội thôn, đường nội đồng, xây dựng trường học, xây dựng sân phơi, cổng làng văn hóa, không vi phạm an ninh trật tự... tích cực cùng với chính quyền giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương; đoàn kết với các dân tộc anh em…

Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo (Islam), từ khi thành lập cho đến nay các hoạt động tôn giáo trong cộng đồng Chăm Islam tỉnh luôn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, các sinh hoạt diễn ra ổn định, bình thường theo giáo lý, giáo luật, chú trọng hướng hoạt động của các tín đồ vào các hoạt động từ thiện nhân đạo, tương trợ trong cộng đồng. Một số chức sắc, chức việc và tín đồ Hồi giáo tham gia ứng cử và trúng cử là Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã và là thành viên Mặt trận các cấp.


 Đoàn đại biểu là chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận
tặng quà lưu niệm Ban Dân vận Trung ương

Đồng chí nhấn mạnh: 21 đại biểu là chức sắc, chức việc tôn giáo trong đoàn đại diện cho 88.600 người trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là những tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh, trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Đồng thời tích cực vận động đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giải quyết những mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở và tham gia hòa giải cơ sở. Người có uy tín thật sự là trung tâm đoàn kết, là nơi trao gửi niềm tin của nhân dân nói chung, đồng bào Chăm nói riêng.

Đồng chí Đỗ Văn Phới tin tưởng và mong muốn chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng; thể hiện vai trò là nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, vận động, hướng dẫn bà con tại thôn, làng mình cùng nhau nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc; giáo dục các thế hệ trẻ, qua đó tạo sự gắn kết, hiểu biết và yêu thương trong cộng đồng, góp phần vun đắp sức mạnh văn hóa truyền thống, giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Nhắc đến vùng đất, con người Ninh Thuận, đồng chí Phó Trưởng Ban chúc mừng làng làm nghề dệt thổ cẩm và một làng làm nghề gốm Bàu Trúc đã được UNESCO cấp Bằng chứng nhận ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đặc biệt, nữ Tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Chăm là Lộ Nữ Hoàng Tiên (SN 1991) đã trở thành niềm tự hào của quê hương (làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Hàn Quốc với số điểm hạng nhất tuyệt đối, được nhà trường khắc bảng vàng lưu danh…


Đồng chí Đỗ Văn Phới cùng các đại biểu dự buổi gặp

Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò của chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận, đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm thực hiện, đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của người có uy tín là chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm; đặc biệt cần xác định công tác chăm lo phát triển, phát huy vai trò của người có uy tín là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lâu dài, hợp lý. 

Cần chú trọng việc cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội địa phương cho những người có uy tín là chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm; quan tâm bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động... để người có uy tín tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người có uy tín với nội dung thiết thực, hiệu quả, trong đó cần tập trung đi sâu bồi dưỡng các kỹ năng cho người có uy tín, như: Kỹ năng tuyên truyền miệng, thuyết phục, khai thác và sử dụng tri thức văn hóa bản địa; kỹ năng nắm bắt dư luận quần chúng, hòa giải, thu thập thông tin; kỹ năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; kỹ năng xử lý những “điểm nóng” xã hội.

Bảo đảm các điều kiện về cơ chế, chính sách để người có uy tín tham gia hoạt động thuận lợi; đặc biệt là tạo điều kiện cho người có uy tín là chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm được tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, qua đó rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả công tác của mình; quan tâm động viên cả về vật chất, tinh thần đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Kịp thời khắc phục những bất cập về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, bổ sung chính sách cần thiết phù hợp với điều kiện của Ninh Thuận.

Cần tăng cường nguồn kinh phí nhằm thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín là chức sắc, chức việc tôn giáo vùng đồng bào Chăm, tạo điều kiện tổ chức, triển khai các công tác bồi dưỡng kiến thức, thăm hỏi, động viên khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để tạo động lực cho người có uy tín có tinh thần, trách nhiệm với nhiệm vụ của mình; đồng thời, xác định rõ cơ quan có trách nhiệm trong việc theo dõi, đánh giá hoạt động của người có uy tín, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ và đồng bộ.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, đồng chí Đỗ Văn Phới gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể quý vị chức sắc, chức việc các tổ chức: Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận, Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận và toàn thể đồng bào Chăm ở quê hương Ninh Thuận, chúc toàn thể đồng bào sức khỏe - an khang - thịnh vượng - vui vẻ và ngập tràn hạnh phúc trong cuộc sống./.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất