Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Tổng Giám mục Marek Zalewski vừa đến Việt Nam làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa thế nào đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng như đồng bào Công giáo Việt Nam?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Tôi cho rằng năm 2023 đánh dấu bước ngoặt tích cực trong quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican. Tháng 7/2023, trong chuyến thăm Vatican, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis đã công bố việc hai bên thống nhất Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú ở Việt Nam. Ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Ngày 31/01/2024, Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này.
Quan hệ Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican là mối quan hệ tương đối đặc biệt. Tòa thánh Vatican vừa là quốc gia độc lập, đồng thời là tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng Công giáo trên thế giới, trong đó có Công giáo ở Việt Nam với hơn 7 triệu tín đồ.
Giáo hoàng Francis trong Thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ngày 08/9/2023 cho rằng “Cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”, Giáo hoàng Francis chỉ dẫn người Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đó là: “Bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế”; “đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt”.
Theo tôi, việc Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Thường trú đầu tiên của Tòa thánh ở Việt Nam là niềm vui chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tòa thánh với sứ vụ liên kết, hợp nhất các Giáo hội địa phương, Giáo hoàng là người đứng đầu Nhà nước Vatican, là lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Hoàn vũ, là người kế vị Thánh Tông đồ Phêrô, đại diện của Chúa Giêsu, do vậy việc Đại diện Thường trú của Tòa thánh ở Việt Nam cho thấy sự hiện diện thường xuyên của Tòa thánh và Giáo hoàng đối với Công giáo Việt Nam. Chức sắc, tu sĩ, giáo dân Công giáo Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ vị Đại diện Tòa thánh, đồng thời Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng có nhiều thuận lợi trong việc quan tâm đến hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Việc này sẽ mang lại nhiều ý nghĩa, thuận lợi cho Tòa thánh, Giáo hội Công giáo Việt Nam, cộng đồng Công giáo Việt Nam; tạo thêm điều kiện để Nhà nước, các cấp chính quyền tạo điều kiện bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến tôn giáo, đáp ứng yêu cầu về đời sống tôn giáo của Nhân dân, phù hợp với luật pháp và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng (bên phải)
tiếp Tổng Giám mục Marek Zalewski chào thăm Bộ Nội vụ
|
Ngày 31/01/2024 vừa qua, sau khi nhận chức Đại diện Thường trú, Tổng Giám mục Marek Zalewski đã chào thăm Bộ Nội vụ. Tại cuộc gặp gỡ này, chúng tôi đã khẳng định Việt Nam và Vatican trân trọng và phát huy những tương đồng để cùng hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị. Mối quan hệ ấy được thực hiện có lộ trình phù hợp, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia, cũng như tình hình thực tế quan hệ hai bên, thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo, góp phần mở ra cơ hội thuận lợi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong hội nhập sâu rộng với Công giáo thế giới. Mối quan hệ giữa Việt Nam - Tòa thánh Vatican ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và phát triển tốt đẹp.
Phóng viên: Về phần Nhà nước Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Tòa thánh thường trú tại Việt Nam có ý nghĩa gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc nâng cấp này nằm trong chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, có ý nghĩa với cả Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican.
Với Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Thường trú thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau vì lợi ích tối thượng của dân tộc và đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Việc nâng cấp quan hệ, thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho thấy sự nỗ lực, thiện chí, tôn trọng sự khác biệt về thể chế của nhau và mục tiêu chung là hòa bình, phát triển, phồn thịnh của mỗi quốc gia trong khu vực và góp phần vào hòa bình, phát triển của thế giới.
Việc nâng cấp quan hệ cũng khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với nguyện vọng của đồng bào Công giáo Việt Nam và Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, cụ thể: Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tham gia tích cực các hoạt động y tế, giáo dục, bác ái, từ thiện nhân đạo, chia sẻ, trợ giúp đồng bào khó khăn, nhất là trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19 vừa qua. Điểm rất đáng trân quý nữa là trong thời gian gần đây, các hoạt động từ thiện - bác ái của Giáo hội Công giáo Việt Nam không chỉ triển khai trong nội vi của Giáo hội mà đã hướng ra cộng đồng xã hội, phối hợp với các cấp chính quyền, quan tâm đến người nghèo, người bệnh, không phân biệt tôn giáo… Điều này phù hợp với đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về an sinh xã hội là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây chính là hình ảnh đẹp của Giáo hội Công giáo trong lòng dân tộc và cộng đồng Nhân dân. Tôi cho rằng, những hoạt động, đóng góp tích cực của chức sắc, tu sĩ, giáo dân Việt Nam là sự đảm bảo niềm tin chính trị trong việc nâng cấp quan hệ với Tòa thánh Vatican.
Cá nhân tôi tin tưởng và hy vọng Tổng Giám mục Marek Zalewski với vai trò là Đại diện Thường trú tiếp tục đường hướng của Tòa thánh và vai trò của mình trong việc chỉ dẫn chức sắc, giáo dân Việt Nam tiếp tục đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Phóng viên: Việc Tòa thánh đặt Đại diện Thường trú tại Việt Nam và các cuộc tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo Việt Nam với Giáo hoàng có mối liên hệ thế nào với chính sách tự do tôn giáo, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Chính sách tự do tôn giáo của Việt Nam được chính Tòa thánh Vatican và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Tòa thánh một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Với Tòa thánh Vatican, bên cạnh 10 cuộc họp đàm phán, hai bên đã có cuộc tiếp xúc giữa những người lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Vatican. Trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Giáo hoàng Francis trao đổi về tình cảm, sự quan tâm của Giáo hoàng đến đất nước và con người Việt Nam. Tại cuộc gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis (tháng 7-2023), hai bên chính thức thông báo nâng cấp quan hệ lên Đại diện Tòa thánh thường trú tại Việt Nam.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Giáo hoàng Francis
|
Gần đây, ngày 18/01/2024, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung gặp Giáo hoàng Francis, Quốc vụ khanh Tòa thánh - Hồng y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh - Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher. Cá nhân tôi vinh dự được tham gia đoàn và trực tiếp gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Tu sĩ, Tổng Thư ký Bộ Truyền giáo; thông tin về tình hình và sự quan tâm của Việt Nam đối với Công giáo.
Giáo hoàng Francis, Quốc Vụ khanh Pietro Parolin, Bộ Ngoại giao Tòa thánh và các Thánh Bộ đều đánh giá cao đường lối, thiện chí của lãnh đạo Việt Nam trong việc mời Giáo hoàng thăm Việt Nam và chính sách quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam đối với Công giáo. Giáo hoàng Francis rất trân trọng đoàn Việt Nam, vui mừng khi nhận được lời mời của lãnh đạo Việt Nam. Giáo hoàng sắp xếp đến thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể. Giáo hoàng coi việc đối thoại giữa Tòa thánh và Việt Nam là hình mẫu của sự tin tưởng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Tòa thánh Vatican đánh giá Việt Nam thực sự là một “quốc gia quan trọng ở châu Á”, coi Việt Nam là “một quốc gia thân thiện”. Tòa thánh cho rằng cuộc gặp giữa Giáo hoàng và phái đoàn đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam là một “cuộc gặp gỡ tích cực”. Tòa thánh cũng đánh giá rất cao chính sách tự do tôn giáo và sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo.
Qua tình cảm tốt đẹp của Tòa thánh đối với Việt Nam, cùng với quan điểm nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tôi xin khẳng định: Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo hoạt động và phát triển; coi tôn giáo là bộ phận cấu thành trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, là nguồn lực góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người thực hành quyền tự do tôn giáo của mình.
Việt Nam cũng đã ký và thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa từ năm 1982. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật, cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc này có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc và các tôn giáo. Đồng thời cũng khẳng định với quốc tế rằng, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Những minh chứng trên đã phản bác lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và tôn giáo.
Phóng viên: Sau Đại diện Tòa thánh thường trú tại Việt Nam sẽ có những cấp độ quan hệ ngoại giao nào? Thứ trưởng có thể giải đáp và chia sẻ về triển vọng của những cấp độ đó?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có bước tiến quan trọng qua nỗ lực, thiện chí của hai bên thông qua các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao, các cuộc họp của Nhóm Công tác hỗn hợp cũng như cuộc thăm, làm việc của các bộ, ngành liên quan với các cơ quan của Tòa thánh Vatican.
Đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Thường trú (tháng 7/2023), ngoài việc thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, còn là sự ghi nhận của Việt Nam với những thiện chí, chỉ dẫn tích cực của Tòa thánh Vatican với Công giáo Việt Nam trong quá trình đàm phán giữa hai bên. Việc nâng cấp lên Đại diện Thường trú có ý nghĩa quan trọng như tôi vừa nói. Việc nâng cấp này không phải là kết thúc mối quan hệ tại đây mà mở ra tương quan mới trong quan hệ hai bên.
Thông thường trong quan hệ với các nước, Tòa thánh lập cơ quan đại diện cho Giáo hoàng tại các nước có 3 hình thức: (1) Sứ thần: Đại diện thường trực của Giáo hoàng tại một quốc gia, hoặc một tổ chức quốc tế, có thân phận ngoại giao tương đương với chức danh Đại sứ. Đây là quan hệ của Vatican với các nước sở tại trên cả hai phương diện tôn giáo và Nhà nước. (2) Khâm sứ: đại diện của Giáo hoàng nhưng quan hệ với nước sở tại về mặt tôn giáo, không phải quan hệ về mặt nhà nước. (3) Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề nhất định với các nước sở tại hoặc Giáo hội sở tại, Vatican còn cử Đặc phái viên của Giáo hoàng. Mức quan hệ của Việt Nam với Tòa thánh Vatican hiện nay dưới mức Sứ thần nhưng trên Khâm sứ.
Mục đích của các cuộc đàm phán ngoại giao nói chung của Tòa thánh với các quốc gia trên thế giới là hai bên đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nghĩa là Tòa thánh cử Đại sứ hay còn gọi là Sứ thần mà Tòa thánh đặt Đại Sứ quán hay Tòa Sứ thần ở quốc gia đó. Sứ thần được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ theo Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao.
Tôi cho rằng quan hệ hai bên Việt Nam- Tòa thánh Vatican hiện nay đang tiến triển tốt đẹp. Tôi hy vọng và tin tưởng mối quan hệ này tiếp tục phát triển trên cơ sở nỗ lực, thiện chí của hai bên, đồng thời Giáo hội Công giáo Việt Nam ngày càng có đóng góp hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng trong thời gian tới quan hệ hai bên sẽ mở ra diễn tiến tốt đẹp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(dangcongsan.vn)