Với phương châm “Kính chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo”, những năm qua, đồng bào công giáo trong toàn tỉnh Vixnh Phúc luôn khắc ghi thực hiện lời dạy của Bác về “Thi đua yêu nước”, đoàn kết trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT ở địa phương.
|
Chi bộ thôn Hữu Bằng 2, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo
tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước |
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 52 họ giáo thuộc 12 xứ đạo với 22 nghìn giáo dân, trong đó có 14 linh mục (1 linh mục quản hạt Tây Nam), 47 nhà thờ ở các xứ đạo, sống tập trung ở các xã: Đại Đình, Hợp Châu (Tam Đảo); Yên Phương, Tam Hồng, Trung Kiên, Hồng Châu (Yên Lạc); Bá Hiến, Thiện Kế, Tam Hợp (Bình Xuyên); phường Xuân Hòa (Phúc Yên)...
Thực hiện các chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ trong tỉnh luôn quan tâm, tôn trọng, thực hiện đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng như tạo điều kiện thuận lợi để bà con giáo dân có nơi sinh hoạt; thăm hỏi, động viên đời sống vật chất, tinh thần và kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết những vấn đề vướng mắc của bà con giáo dân.
Do đó, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn phát huy được tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ, thực hiện các nghi lễ hành giáo trong khuôn khổ pháp luật; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, ngành, địa phương phát động.
Điển hình là phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã thu hút đông đảo đồng bào công giáo trong tỉnh tham gia. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình giáo dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa các loại cây, con, giống mới có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bà con họ giáo Lưỡng Quán 1, Họ giáo Lưỡng Quán 2 ở xã Trung Kiên (Yên Lạc) thay vì sản xuất canh tác manh mún, hiện nay, bà con đã tích cực dồn thửa, đổi ruộng, đưa những giống cây trồng mới như giống lúa Thiên ưu 8, HT1, RVT, DQ11, nếp 97, giống ngô biến đổi gen, lạc L14, L15 vào sản xuất.
Một số giáo dân đã phát huy thế mạnh, tiềm năng ở địa phương để đầu tư phát triển các ngành, nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp truyền thống như bà con họ giáo Cửa Sông, xã Việt Xuân (Vĩnh Tường) phát triển dịch vụ đóng tàu; bà con giáo xứ Đại Điền, xã Đại Đình (Tam Đảo) phát triển kinh doanh các mặt hàng dịch vụ nhà ăn, khách sạn…
Theo đó, nhiều hộ giáo dân có mức thu nhập khá giả, tiêu biểu như gia đình anh Trần Văn Qúy, thôn Đồng Lính, xã Đại Đình với mô hình phát triển kinh doanh, dịch vụ, khách sạn mỗi nămthu nhập trên 200 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Giang, họ giáo Hữu Bằng, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) phát triển dịch vụ vận tải ô tô thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.
Với mục tiêu “đồng hành cùng dân tộc”, bà con giáo dân trong tỉnh tham gia tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới và đóng góp không nhỏ lượng tiền của, ngày công, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa ở địa phương.
Tiêu biểu như bà con giáo dân thôn Dân Trù, xã Yên Phương (Yên Lạc) tự nguyện ủng hộ tiền đền bù giải phóng mặt bằng ven đê Trung ương cho địa phương xây dựng NTM; bà con giáo xứ Yên Mỹ, phường Xuân Hòa (Phúc Yên) tự nguyện di dời hơn 2.000 ngôi mộ cho công tác GPMB; bà Nguyễn Thị Hán, giáo xứ Đại Điền, xã Đại Đình (Tam Đảo) tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất vườn cho xã làm đường giao thông.
Là xứ đạo toàn tòng với gần 2.000 giáo dân, Họ giáo xứ Hữu Bằng, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) luôn nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy bản chất tốt đẹp của người giáo dân theo tinh thần “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, để phúc của đồng bào”, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lơ, Chủ tịch Hội Đồng giáo xứ Hữu Bằng, xã Tam Hợp cho biết: Ngay sau khi địa phương phát động các phong trào thi đua yêu nước, bà con giáo dân đã tích cực tham gia, nhất trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, 100% gia đình giáo dân đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa và đồng lòng xây dựng thôn văn hóa.
Các đám cưới con em trong họ giáo đều được các gia đình tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không mời khách tràn lan. Các đám tang trong họ giáo đều không tổ chức mời khách ăn uống và không lưu giữ người mất trong nhà quá 48 tiếng. Việc quy hoạch quản lý nghĩa trang đối với bà con công giáo được thực hiện văn minh, tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng năm, qua bình xét, trên 95% hộ gia đình công giáo đạt danh hiệu GĐVH.
Đồng chí Hoàng Bích Huệ, Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ cho biết: Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức đoàn thể, đồng bào Công giáo toàn tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, từ đó, góp phần tích cực củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Nguồn: baovinhphuc.vn, ngày 25/6/2018