Chủ Nhật, 24/11/2024
Chi hội trưởng phụ nữ Công giáo làm kinh tế giỏi
 
 Chị Phạm Thị Hường (người cầm sách) lồng ghép tuyên truyền chủ trương,
 đường lối của Đảng,chính sách pháp luật của Nhà nước và các hoạt động Hội
trong các buổi tập luyện, biểu văn nghệ tại giáo đường

Chị Phạm Thị Hường chia sẻ: “Năm 2015, được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Gò Mu - thôn có trên 90% người dân theo Thiên chúa giáo. Tôi luôn trăn trở làm sao để thuyết phục được hội viên ủng hộ phong trào của Hội và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Tôi đã phối hợp với các đoàn thể trong thôn, xã tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề công tác Hội cho hội viên. Đặc biệt là các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao để chị em cùng tham gia thực hiện”.

Khi đã thu hút được chị em tham gia sinh hoạt Hội, chị Hường tiếp tục vận động hội viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng quỹ hội và thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do tổ chức Hội phát động như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Các phong trào, hoạt động đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, nhất là hoạt động giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, việc hiếu, hỉ, ngày công lao động.

Chị Hường chia sẻ thêm: “Cùng với các hoạt động công tác Hội, tôi còn được Linh mục xứ giao nhiệm vụ là trưởng ca đoàn Giáo xứ Gò Mu (gồm các giáo họ trong và ngoài xã) nên có điều kiện thuận lợi để gần gũi, chia sẻ và làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong thôn. Các buổi biểu diễn, các tiết mục văn nghệ đều được xây dựng mang tính giáo dục cao, hướng giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Không chỉ tích cực với các hoạt động xã hội, chị Hường còn là điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Xây dựng gia đình năm 2006, do cuộc sống ban đầu còn nhiều khó khăn, chị cùng gia đình vào miền Nam làm ăn. Sau 3 năm, dành dụm được ít vốn, chị quyết định về quê phát triển kinh tế. Trước khó khăn về diện tích đất vườn chỉ đủ để xây nhà ở và công trình phụ, đất ruộng chỉ cấy được 1 vụ, còn 1 vụ năm nào cũng ngập úng, chị Hường bàn với gia đình phải thay đổi cách làm kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện gia đình. Ban đầu, chị mua máy xát gạo, nấu rượu, nuôi lợn. Sau 3 năm, các lứa lợn nuôi đều được giá (mỗi lứa lợn nuôi từ 40 - 60 con lợn thịt), chị tích cóp thêm được một số vốn. Từ suy nghĩ, việc chăn nuôi phải phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường, lên xuống bấp bênh và cần phải làm thế nào để giảm tối đa chi phí, chị Hường đã mua một chiếc xe tải, lấy thêm thức ăn chăn nuôi để vừa phục vụ gia đình, vừa cung cấp cho nhân dân. Hằng ngày, chồng chị vận chuyển nước lọc và thức ăn chăn nuôi từ nhà máy cho các đại lý, các hộ trong và ngoài xã. Mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 150 - 170 triệu đồng. Đến nay, kinh tế gia đình ổn định, chị mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình và các con học hành chu đáo.

Bên cạnh đó, chị Hường thường xuyên giúp hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về kinh nghiệm sản xuất, lợn giống, tiền vốn để chị em có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hàng năm, chị chủ động phối hợp với Ban thường vụ Hội LHPN xã và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo… /.

Nguồn: baohoabinh.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất