Chăm lo phát triển giáo dục, đặc biệt là với những trẻ em bị dị tật là một trong những nét nổi bật về phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo tỉnh Đắk Lắk.
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, dạy nghề của tổ chức Công giáo đã hoạt động hiệu quả với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Vi Nhân do Dòng Phaoô phụ trách, được hình thành từ năm 1997, hiện quy tụ 150 em, trong đó có 104 em khiếm thính, 19 em khiếm thị và 29 em tâm thần nhẹ, các em từ 3 đến 28 tuổi. Bằng tình yêu thương và sự tận tình vun đắp của các nữ tu, các em đã vơi đi nhiều thiệt thòi tìm được sự đồng cảm và niềm vui. Từ mái trường này, nhiều em đã trở thành học sinh giỏi tiếp tục học tập tại các trường khác, như em Lê Hoàng Gia Hưng (bị khiếm thị), tốt nghiệp trường Cao đẳng Nhạc họa Đăk Lăk và trở về mái trường xưa làm thầy giáo dạy thanh nhạc cho các em khiếm thị. Hiện nay thầy Gia Hưng đã có một mái ấm gia đình riêng với người vợ và các con chăm ngoan.
|
Cô Nguyễn Thị Quy cho học sinh tự kỷ chơi trò chơi |
Trường tiểu học tình thương Vinh Sơn của Dòng Bác Ái Vinh Sơn được hình thành từ năm 1995, ban đầu chỉ có 4 em là trẻ lang thang không nơi nương tựa, đến năm học 1996-1997, có 75em, đến năm 2005 có 140 em quy tụ về mái trường. Để đáp ứng không gian học, chỗ chơi cho các em, nhà trường xin phép chính quyền và được Tòa Giám mục hỗ trợ xây dựng được 7 phòng học, thư viện, phòng ăn, ngủ, nhà vệ sinh để phục vụ tốt cho học tập và lưu trú của các em. Được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, đến nay, Trường tình thương Vinh Sơn có 7 giáo viên đứng lớp, ngoài ra còn có một số giáo viên thiện nguyện dạy các môn ngoại khoá như Anh văn, tin học, âm nhạc… Trường còn tổ chức dự giờ, thăm lớp, có góp ý rút kinh nghịêm giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay đã có 220 em học từ lớp 1 đến lớp 5, trên 85% học sinh thuộc hộ nghèo (trong đó có 88 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số), 48 em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Nhà trường đã miễn giảm học phí cho các em mồ côi, cơ nhỡ.
|
Một tiết học của lớp khiếm thính 1A cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân |
Bên cạnh những mô hình trường khác nhau, nhiều giáo xứ, giáo dân đã quan tâm xây dựng và phát triển trường mầm non, như giáo xứ Kim Châu tự nguyện đóng góp xây dựng trường mầm non dân lập gồm 5 lớp, với 178 cháu. Giáo xứ Vinh Hoà xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia gồm 7 lớp 202 em… Đặc biệt, giáo xứ Đông Sơn đã hỗ trợ mặt bằng với diện tích 300m2 đất của giáo xứ để xây trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Giáo dân giáo xứ Quảng Nhiêu đã góp phần xây Trường mầm non Tình Thương và linh mục quản xứ tặng 180 bộ bàn ghế học sinh. Giáo dân Lê Đình Hiền ở giáo xứ Vinh Đức tặng 10 bộ máy vi tính, 120 bộ bàn ghế học sinh cho trường tiểu học Buôn Dlung thuộc phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ./.
Nguồn: ubdkcgvn.org.vn