Thứ Sáu, 27/12/2024
Công tác tôn giáo góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

 Đồng chí Bùi Xuân Hòa (bên trái) Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên
tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh  lần thứ IV, nhiệm kỳ 2017-2022

Trong những năm qua, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc, tín đồ các tôn giáo được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện các lễ nghi trong khuôn khổ của pháp luật, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, chấp thuận cho các tổ chức giáo hội tổ chức các ngày lễ đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh như: Lễ Phật đản, Vu Lan của đạo Phật; lễ Phục sinh, Giáng sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành…

Quan tâm giải quyết các nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo nhất là trong hỗ trợ, giải quyết các nhu cầu về đất đai, cơ sở thờ tự. Từ năm 2017 đến nay, đã có 20 cơ sở tôn giáo được giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 8 công trình tôn giáo, công trình phụ trợ được cấp giấy phép xây dựng.

Toàn tỉnh hiện có 182/226 cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 80,5%; 10 tổ chức tôn giáo trực thuộc được chấp thuận thành lập, chia tách. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên địa bàn tỉnh được khuyến khích, đem lại hiệu quả tích cực.

Ủy ban MTTQ phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy tỉnh chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào có đạo.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả “Đề án về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”; đã thực hiện đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ 4.247 triệu đồng để phát triển sản xuất; riêng năm 2018, kinh phí ngân sách tỉnh phân bổ thực hiện Đề án là 4.814,7 triệu đồng. Đầu tư trên 240 tỷ đồng đưa điện lưới Quốc gia về 76 xóm bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trong đó có nhiều xóm, bản có đông đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin Lành sinh sống.

MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy các nguồn lực xã hội hoá và kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của đoàn viên, hội viên quan tâm giúp đỡ các hộ nghèo, các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn có đông đồng bào tôn giáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thông qua việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng lên. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh mỗi năm giảm 2%, đến nay còn 9%.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ và phối hợp của chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể các cấp luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Tích cực phối hợp cùng giáo hội các tôn giáo tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Đặc biệt là tích cực tuyên tuyền và phân tích cho đồng bào hiểu rõ những chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các tôn giáo, cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh xóa bỏ các tà đạo, các tổ chức bất hợp pháp tuyên truyền trái phép vào địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế cần sớm được khắc phục, đó là: công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có lúc, có nơi còn chưa sâu sát; công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết một số vụ việc phát sinh liên quan đến tôn giáo ở cơ sở còn lúng túng, nhất là các vụ việc liên quan đến các “tà đạo”, tổ chức tự xưng. Hoạt động của một số “tà đạo”, tổ chức tự xưng vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự tại một số địa phương. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp huyện, cấp xã hầu hết chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, còn thiếu kinh nghiệm công tác nên còn thiếu chủ động, lúng túng trong công tác tham mưu.

Để công tác tôn giáo góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp xác định tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cho các chức sắc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân; củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của các cấp chính quyền; tạo sự đồng thuận, gắn kết giữa đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo tôn giáo khác nhau.

Định kỳ chủ trì tham mưu và phối hợp tổ chức cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội gặp gỡ, đối thoại, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng và các đề xuất, kiến nghị của tổ chức và đồng bào các tôn giáo.

Phối hợp tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là cấp cơ sở đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp; trước mắt quan tâm rà soát, bố trí hợp lý số cán bộ, công chức đã được đào tạo chuyên ngành về tôn giáo đảm bảo đúng người, đúng việc để tham mưu cho cấp ủy và chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đồng thời tiếp tục chọn cử cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp tham gia các lớp đào tạo chuyên ngành tôn giáo nhằm chuẩn hóa cán bộ.

Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động, tập hợp chức sắc, nhà tu hành và xây dựng cốt cán phong trào trong các tôn giáo; phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tín đồ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong việc tạo tiếng nói chính thống để đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.

Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy, hướng dẫn tận tình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự phối hợp vào cuộc của các cấp chính quyền và sự năng động, sáng tạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh, thời gian qua, các hoạt động của MTTQ đã tạo được sự đồng tình, phấn khởi trong các tôn giáo, dân tộc và các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tôn giáo trên địa bàn. Đặc biệt, đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 29/8/2016 về công tác tôn giáo. Nghị quyết ra đời, một mặt đã góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo và công tác tôn giáo; mặt khác thể hiện sự quan tâm tới nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Phật giáo có 32 chức sắc trụ trì và 16 chức sắc sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn, trên 1.000 chức việc, trên 84.000 tín đồ, 177 cơ sở thờ tự. Công giáo có 17 linh mục (trong đó có 9 linh mục chính xứ), trên 300 chức việc, trên 30.000 tín đồ, 09 giáo xứ và 55 giáo họ. Tin Lành có 20 chức sắc, trên 5.700 tín đồ, 3 Hội thánh cơ sở, 33 điểm nhóm thuộc 7 hệ phái.

Nguồn: baothainguyen.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi