Thứ Ba, 5/11/2024
Giáo dân huyện Nông Cống chung sức xây dựng quê hương

 Gia đình giáo dân Nguyễn Thị Thắm, thôn Nguyên Ngọc, xã Trường Giang (Nông Cống, Thanh Hóa)
gương điển hình trong phát triển kinh tế địa phương

Vốn là xã khó khăn của huyện, nhưng kể từ khi có “luồng gió” của Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn ở Trường Giang (Nông Công, Thanh Hóa) đã “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Bằng việc lựa chọn hướng đi phù hợp và phát huy được vai trò chủ thể của người dân nên đến cuối năm 2018, xã Trường Giang đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Nổi bật phải kể đến hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, với hơn 70% tỷ lệ đường giao thông liên thôn, ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng đã cứng hóa. Đồng thời, xã Trường Giang đã xây dựng được mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Nhờ vậy, bài toán nâng cao thu nhập của người dân được giải quyết. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Trường Giang đạt 29,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 3,87%...

Thành quả ấy không chỉ minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, mà còn nói lên tinh thần đoàn kết lương - giáo của nhân dân trong xã. Thôn Nguyên Ngọc – nơi có khoảng 1.200 giáo dân thuộc giáo xứ Ngọc Lẫm đang sinh sống đoàn kết, hòa thuận. Con đường bê tông kiên cố, uốn lượn qua nhà thờ giáo xứ và chạy vào tận cổng mỗi hộ dân đã vẽ nên một bức tranh đồng quê yên bình mà khang trang. Đồng chí Cao Xuân Lệnh, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, đồng thời là tấm gương người công giáo “sống tốt đời đẹp đạo”, cho biết: “Toàn thôn hiện có hơn 7 km đường giao thông. Phát huy tinh thần dân chủ dân biết, dân bàn, dân quyết định và dân kiểm tra, cấp ủy, ban lãnh đạo thôn Nguyên Ngọc đã tổ chức các cuộc họp dân thông báo chủ trương làm đường giao thông. Trên cơ sở đó, bà con công giáo trong thôn chủ động bàn bạc phương án, cách thức triển khai và mức đóng góp. Nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM, bà con công giáo trong thôn đã “chung sức” đóng góp mỗi khẩu 1 triệu đồng để làm 5 km đường giao thông”. Nhận được sự đồng thuận của người dân, thời gian tới cấp ủy đảng, ban lãnh đạo thôn tiếp tục vận động bà con giáo dân chung sức, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn và 2 km đường giao thông còn lại. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con giáo dân trong bảo vệ môi trường, chỉnh trang nhà cửa, tường rào đúng với các tiêu chí NTM. Nhìn quê hương đang từng ngày đổi mới, bà con công giáo thôn Nguyên Ngọc như có thêm động lực cùng nhau đoàn kết thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Với sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây cói, với diện tích vùng nguyên liệu khoảng 41 ha, bên cạnh duy trì sản xuất chiếu truyền thống, nhiều hộ gia đình công giáo đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào cải tạo đồng đất, đầu tư máy móc, thiết bị dây chuyền để sản xuất những sản phẩm phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng hiện nay. Từ chỗ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của quê hương mà thu nhập của bà con công giáo ở thôn Nguyên Ngọc đã được nâng lên. Điển hình như hộ giáo dân Nguyễn Thị Thắm đầu tư dây chuyền sản xuất chiếu cói và bao tiêu nguyên liệu cói cho người dân trong thôn, mỗi năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Chia tay với Trường Giang, chúng tôi đến thôn Tân Sơn, xã Vạn Thắng. Toàn thôn có 286 hộ dân, với 1.177 nhân khẩu, trong đó, có 37 hộ gia đình giáo dân thuộc giáo xứ Tân Đạo. Cách đây khoảng 2 năm về trước khi xã Vạn Thắng đang bước vào chặng nước rút để cán đích chương trình XDNTM, chính quyền xã triển khai làm tuyến đường giao thông nối Quốc lộ 45 vào các thôn Quỳ Thắng và Lăng Thôn, với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 49%. Để có đủ kinh phí thi công tuyến đường, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã kêu gọi, huy động nguồn đóng góp từ nhân dân. Mặc dù tuyến đường không đi qua địa phận thôn Tân Sơn, nhưng với mục tiêu chung xây dựng quê hương, 136 giáo dân nơi đây đã chung tay tự nguyện đóng góp 360.000 đồng/khẩu. Mặt khác, với đường hướng “Người công giáo tốt phải là công dân tốt”, các hộ giáo dân ở thôn Tân Sơn đã đoàn kết thi đua lao động, sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế. Theo đó, các hộ giáo dân trong thôn đã tập trung chuyển dịch cơ cấu mùa vụ đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Ngoài ra, các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” cũng được bà con công giáo nơi đây hưởng ứng tích cực, tạo sự gắn bó, hòa hợp, lương - giáo đoàn kết, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ vậy, kết thúc năm 2018, thu nhập của bà con giáo dân ở thôn Tân Sơn đạt 32,9 triệu đồng/người/năm. Trong 37 hộ gia đình giáo dân chỉ còn 1 hộ nghèo do hoàn cảnh neo đơn; 100% hộ gia đình công giáo được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất