Thứ Ba, 28/1/2025
Gieo 'hạt giống đỏ' trong vùng đồng bào công giáo

 Lễ kết nạp đảng viên là người có đạo ở chi bộ xóm An Hải, xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn

Ông Lê Văn Thế, ở xóm 12, xã Ðịnh Hóa, huyện Kim Sơn là đảng viên đặc biệt, bởi ông được kết nạp Ðảng năm 2013 khi đã 54 tuổi. Ông Thế cũng là người đầu tiên của xóm đạo toàn tòng vinh dự đứng trong hàng ngũ của Ðảng, điều mà suốt nhiều năm qua, chưa có tiền lệ ở xóm 12 này. Ông Thế luôn được bà con giáo dân tin yêu, bầu giữ chức xóm trưởng, kiêm Phó chánh trương Giáo xứ Hóa Lộc. Ðảng ủy xã Ðịnh Hóa đã quan tâm, bồi dưỡng và ông trở thành "hạt giống đỏ’’ xóa xóm ‘‘trắng’’ đảng viên ở vùng đồng bào công giáo. Từ ngày vào Ðảng, với tinh thần "đảng viên đi trước", ông Thế luôn cần mẫn, xông xáo đi đầu trong các phong trào như đóng góp làm đường giao thông nông thôn, thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần để xóm 12 hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2017. Khi ở cương vị Bí thư Chi bộ, ông tích cực phối hợp với cấp ủy, quan tâm phát hiện giới thiệu, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú là người có đạo để Ðảng bộ xã Ðịnh Hóa xem xét kết nạp. Nhờ đó, xóm 12 từ xóm ‘‘trắng’’ đảng viên nay đã có bốn đảng viên là người công giáo, đồng thời xóa được quan niệm rằng vào Ðảng làm "nhạt đạo" của một bộ phận giáo dân.

Phó Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Hoàng Văn Thắng cho biết: Hơn 10 năm trước, huyện có 7 trong số 27 xã, thị trấn tồn tại 13 chi bộ ghép, có nghĩa là nhiều xóm chưa có chi bộ đảng, thậm chí có xóm không có đảng viên như ở Ðịnh Hóa. Trước thực trạng ấy, Huyện ủy Kim Sơn tập trung phân tích làm rõ nguyên nhân do: Cấp ủy một số xã nhận thức chưa đầy đủ về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, dẫn đến tình trạng có nơi làm chưa tốt công tác phát triển đảng. Nhận thức của một bộ phận quần chúng có đạo về các chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước còn hạn chế, cho nên nhiều người băn khoăn không muốn vào Ðảng hoặc sợ vào Ðảng sẽ bị hạn chế việc thực hiện đức tin với bề trên. Nội dung sinh hoạt của các chi bộ, nhất là chi bộ vùng đồng bào công giáo còn nghèo nàn. Nhiều chi bộ chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Thủ tục hành chính về kết nạp đảng có nơi còn máy móc, gây phiền hà. Việc bố trí sử dụng cán bộ là người có đạo trong bộ máy của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hạn chế. Nguồn kết nạp ở các khu dân cư ngày càng hạn hẹp do nhiều thanh niên đi làm ăn xa; số đối tượng ở nhà không đủ điều kiện kết nạp đảng...

Nguyên nhân khó phát triển đảng viên là người có đạo mà huyện Kim Sơn chỉ ra là rào cản chung diễn ra ở nhiều địa phương có người dân theo đạo Thiên Chúa như: TP Ninh Bình, huyện Yên Mô, huyện Nho Quan. Ðồng chí Nguyễn Quốc Toản, Trưởng phòng Huyện, cơ sở, đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: Năm 2017, tỉnh Ninh Bình vẫn còn hai thôn, xóm thuộc hai huyện chưa có chi bộ, phải sinh hoạt ghép. Ðó là xóm 7, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô và xóm 12, xã Ðịnh Hóa, huyện Kim Sơn. Ðể khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm công tác kết nạp đảng viên là người có đạo; đánh giá tình hình đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Ðồng thời bám sát Quy định số 123-QÐ/TW của Bộ Chính trị, quy định một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, Tỉnh ủy quán triệt tới các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp phát triển đảng viên là người có đạo. Qua đó, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác này.

Huyện ủy Kim Sơn ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác kết nạp đảng đối với quần chúng có đạo và nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể. Hằng năm, Huyện ủy giao chỉ tiêu kết nạp đảng cho các đảng bộ, trong đó yêu cầu chú trọng kết nạp quần chúng ưu tú là người có đạo. Huyện ủy vận dụng linh hoạt các quy định về tiêu chuẩn kết nạp đảng như: Các cấp ủy khi lựa chọn quần chúng ưu tú cần quan tâm đến tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Quần chúng là người có đạo sinh sống ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì trình độ học vấn phải học qua bậc tiểu học. Sau khi kết nạp vào Ðảng, đảng viên đó phải cam kết tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Ðối với quần chúng có đạo sinh con thứ ba, tùy từng trường hợp cụ thể, các cấp ủy căn cứ vào hoàn cảnh, quá trình công tác, năng lực, uy tín, động cơ phấn đấu, triển vọng phát triển của quần chúng đó để xem xét trước khi kết nạp. Ðến nay, huyện Kim Sơn kết nạp được 328 đảng viên là người có đạo, trong đó có 41 đảng viên kết nạp trong năm 2018. Ðồng chí Hoàng Xuân Quý, Bí thư Ðảng ủy xã Ðịnh Hóa, huyện Kim Sơn cho rằng, cách làm nêu trên của Huyện ủy được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình vì vừa bảo đảm tiêu chuẩn lại tránh thành kiến hẹp hòi, ích kỷ. Huyện ủy Yên Mô cũng đã quyết liệt chỉ đạo các xã trong đó có xã Khánh Thịnh hoàn thành việc xóa thôn, xóm chưa có chi bộ.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và quyết tâm của cấp ủy các cấp, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã kết nạp được hàng trăm đảng viên là người có đạo, không còn tình trạng xóm "trắng" đảng viên, chi bộ ghép. Chất lượng đảng viên được nâng cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng từng bước đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên là người có đạo ở các địa phương chưa đồng đều. Một số chi bộ thôn, xóm chưa kết nạp được quần chúng ưu tú là các chức sắc, chức việc trong tôn giáo. Tỷ lệ cán bộ cấp xã, cấp huyện là người có đạo còn ít… Vì vậy, các cấp ủy đảng của tỉnh Ninh Bình cần chủ động hơn nữa trong việc rà soát, theo dõi, bồi dưỡng tạo nguồn cùng với nâng cao chất lượng đảng viên là người có đạo. Thực hiện tốt việc phân công đảng viên là người có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo để tích cực gieo thêm những ‘‘hạt giống đỏ’’ trong vùng đồng bào có đạo, góp phần xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn ngày càng vững mạnh./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi