Thời gian qua, những biểu hiện lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi khiến hoạt động tâm linh trở nên xô bồ, buộc các cơ quan quản lý phải vào cuộc chấn chỉnh.
PGS. TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định: “Niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của một bộ phận người dân đang có nhiều biểu hiện lệch lạc”.
- Ông lý giải thế nào về nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân cũng như những biểu hiện lệch lạc, khiến dư luận lên án và cho rằng “thương mại hóa tâm linh” đang có sự phát triển khó kiểm soát?
PGS. TS. Chu Văn Tuấn: Tôi cho rằng “niềm tin tôn giáo” và “mê tín” là hai vấn đề khác nhau, nhưng lại khá gần nhau, niềm tin bị đẩy lên đến mức thái quá thì thành ra mê tín. Trong cuộc sống, mọi người đều có niềm tin và có quyền tin về một điều gì đó mang tính thiêng. Đây là điều hết sức bình thường và được pháp luật bảo đảm. Nhưng khi niềm tin đó bị đẩy đến mức thái quá, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, đạo đức và ảnh hưởng đến tài sản, thậm chí là tính mạng của bản thân và những người xung quanh, thì đó là mê tín. Ví dụ đốt vàng mã, rất nhiều gia đình Việt Nam những ngày lễ, tết, cúng giỗ ông bà tổ tiên đều mua về để đốt theo phong tục truyền thống. Đây là phong tục, là văn hóa truyền thống đã tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, việc bỏ hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua rất nhiều loại đồ mã để đốt, đồng thời tin rằng đốt càng nhiều càng được nhiều lộc thì đây lại là mê tín. Hay như việc cúng vong, nhiều gia đình vẫn thực hiện theo phong tục truyền thống. Tuy nhiên, nếu tin rằng vong có thể báo oán, ban phúc, giáng họa, dùng tiền trả cho vong có thể hóa giải mọi vận hạn hay nghiệp chướng thì đó lại là mê tín. Chính vì việc từ niềm tin tôn giáo chân chính có thể chuyển thành mê tín nên khó kiểm soát.
- Theo ông, tại sao lại có nhiều biểu hiện lệch lạc về tín ngưỡng tôn giáo xảy ra thời gian qua?
PGS. TS. Chu Văn Tuấn: Có thể có rất nhiều nguyên nhân, một trong số đó chính là vấn đề an ninh sinh tồn, an ninh tinh thần. Kinh tế-xã hội phát triển mang đến nhiều điều tốt đẹp nhưng đồng thời, cũng kéo theo nhiều vấn đề, nhiều hệ lụy. Đó là gia tăng sự lo âu, bất an, căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí khủng hoảng trong đời sống tinh thần của một bộ phận không nhỏ người dân. Lo lắng, bất an về công ăn việc làm, học hành, sức khỏe, tai nạn giao thông, kinh doanh rủi ro nhiều… Chính vì vậy, mọi người phải đi tìm kiếm sự bảo đảm về tinh thần hay bảo đảm an ninh tinh thần. Tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo có thể giúp cho con người bảo đảm an ninh tinh thần. Đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hành các nghi lễ khiến người ta cảm thấy yên tâm, thanh thản, cảm thấy được che chở, được bảo vệ. Đây chính là vai trò của tôn giáo, là điều mà tôn giáo có thể mang lại cho mọi người.
Nhưng hiện nay đang có một thực trạng, dường như người dân đi lễ, đến nơi thờ tự mang tính thực dụng nhiều hơn là nhu cầu đi để chiêm nghiệm, tìm kiếm sự thanh thản, tìm đến nơi thanh tịnh, linh thiêng để cho mình nhận ra giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều người đến nơi thờ tự bởi nghe tuyên truyền quảng bá; người đến để thỏa mãn hiếu kỳ, thỏa chí tò mò; có người đến vì đi theo phong trào, có người đến cầu tài, cầu danh, thăng quan tiến chức… thậm chí cầu hại người khác. Chính vì đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với mục đích thực dụng nên dẫn đến có nhiều biểu hiện lệch lạc, phản cảm, thậm chí mù quáng.
- Vậy làm thế nào để định hướng cho người dân có niềm tin tôn giáo đúng đắn, từ đó có hành vi, thực hành niềm tin, nghi lễ đúng đắn, thưa ông?
PGS. TS. Chu Văn Tuấn: Phần lớn người dân Việt Nam có cảm tình và có niềm tin rất lớn đối với Phật giáo, việc thực hành các nghi lễ Phật giáo là một nhu cầu và mang lại ý nghĩa quan trọng đối với họ. Do vậy, rất cần hướng dẫn người dân có niềm tin và thực hành theo đúng giáo lý Phật giáo và hiến chương của giáo hội.
Ở đây, trước hết vai trò, trách nhiệm của các nhà tu hành nhất là các vị trụ trì rất quan trọng trong định hướng cho người dân có niềm tin đúng đắn. Sau đó cần tăng cường xuất bản các tài liệu, sách, báo, các bài nghiên cứu, tăng cường thông tin truyền thông để hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, có niềm tin và thực hành đúng với giáo lý, giáo luật. Hiện nay, trên mạng đang có rất nhiều tài liệu trôi nổi, thông tin giả… không ít người dân cứ vô tư tìm đọc và thực hành làm theo. Có thể thấy, thị trường tín ngưỡng, tôn giáo đang rất phong phú, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân nhưng lại đang khiến cho đời sống văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hỗn loạn về mặt thông tin, và người dân đang không biết đâu là thật, đâu là giả; đâu là đúng hay sai với giáo lý Phật giáo, đúng hay sai với văn hóa truyền thống. Điều không kém phần quan trọng là về phía người dân cũng cần tin và thực hành theo đúng giáo lý, giáo luật của Phật giáo đã được hướng dẫn, tránh việc thực hành theo tâm lý đám đông, theo những hướng dẫn hoặc thông tin chưa được kiểm định để không sa vào mê tín, mù quáng.
Sau vụ việc ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) chúng ta cần rút ra bài học, rất cần phải chấn chỉnh lại những hoạt động không phù hợp, những hành vi không đúng giáo lý, giáo luật của Phật giáo, không đúng hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý của mình, nhằm ngăn chặn và phòng ngừa những chuyện tương tự có thể xảy ra trong tương lai./.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Giáo lý của Phật giáo nhấn mạnh tới thuyết luân hồi, nghiệp quả. Theo đó, con người chúng ta là cấu thành của 5 yếu tố, còn gọi là Ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, sắc theo quy luật của Phật giáo, khi kết thúc đời sống, phần vật chất bị hủy hoại. Thọ, tưởng, thành, thức chịu sự chi phối của nghiệp lực và luân hồi. Chính vì thế, mọi thứ đều do tâm thức tạo ra. Nghiệp do chịu sự chi phối của nhân quả. Nghiệp là hành động tạo tác, có nghiệp tốt, nghiệp xấu… nhưng tất cả đều do hành động và ý của mình mà thành. Cho nên, con người chúng ta là chủ chuyển hóa nghiệp của mình. Chỉ có bản thân chúng ta mới có thể giải nghiệp cho chính mình, không ai có thể giải nghiệp hộ được, kể cả Đức Phật. Phật giáo dậy tu hành, thiện căn tốt, duyên tốt thì sẽ chuyển hóa.