Thứ Tư, 24/4/2024
Phát huy vai trò của Phật giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ở Đà Nẵng

Trong hơn hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế: “Đạo pháp bất ly thế gian pháp”, Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”, với  tinh thần “hộ quốc, an dân” và phương châm hành đạo: “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng tỏ rõ là một tôn giáo yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. Nhiều thế hệ Tăng, Ni phật tử trở thành những tấm gương hy sinh anh dũng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng hoà bình trong khu vực và thế giới. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta có quyền tự hào về các thành tựu và những đóng góp to lớn cho dân tộc mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được.

Riêng tại thành phố Đà Nẵng, Phật giáo bắt đầu du nhập vào khoảng thể kỷ XVII, hiện nay cũng đã là một trong những tổ chức tôn giáo lớn trên địa bàn thành phố, với nhiều ảnh hưởng sâu sắc trên mọi lĩnh vực trong đời sống, chính trị, văn hóa, xã hội của Nhân dân thành phố. Trong đó, đáng chú ý là việc tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị với nhiều chuẩn mực giá trị tốt đẹp phù hợp với văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng: lịch sử và hiện tại

Đà Nẵng là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở vị trí trung điểm của cả nước, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam và Tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông, cách Hà Nội 764 km về phía Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 964 km về phía Nam, có 08 đơn vị hành chính cấp huyện (tính cả huyện đảo Hoàng Sa) và 56 đơn vị hành chính cấp phường, xã. Đà Nẵng là đầu mối giao thông lớn nhất của khu vực miền Trung về đường sắt, đường thủy, đường bộ (quốc lộ 1A, 14B), đường hàng không quốc tế. Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) là cửa ngõ ra biển quan trọng của Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và là điểm đầu, cuối của Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và các quốc gia Asean. Do đặc điểm về tự nhiên và xã hội, thành phố Đà Nẵng trở thành nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nước Việt Nam thu nhỏ: có vùng biển, hải đảo, bán đảo, có vùng núi, trung du, đồng bằng và đô thị  … với vị trí địa lý chiến lược, môi trường sinh thái thuận lợi, một cấu trúc xã hội có nhiều yếu tố văn hóa truyền thống phong phú, bản chất con người thuần hậu...Tất cả đã hình thành nên một vùng văn hóa - xã hội Đà Thành đặc sắc, đồng thời đã đưa đến những cơ sở quan trọng, hấp dẫn cho nhiều tổ chức tôn giáo sớm tập trung, hội tụ trong đó có Phật giáo.

Người Đà Nẵng có bản tính chất phác, ngay thẳng, sống đơn giản, thân thiện, yêu sự chân thật và kiên quyết trong hành động chống lại những điều ác, điều xấu. Trải qua diễn trình lịch sử, Đà Nẵng là nơi quần cư của cư dân nhiều địa phương khác đến; là nơi giao lưu và hội tụ những nét văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Dẫu chưa hình thành nét đặc trưng rõ rệt như một số nơi nhưng người Đà Nẵng vẫn có tính cách riêng và ngày càng được hun đúc cùng tiến trình phát triển đô thị. Những tính cách tốt đẹp trong đời sống của người dân Đà Nẵng hiện nay, một phần nào đó là nhờ vào những ảnh hưởng tích cực từ các giá trị nhân sinh Phật giáo.

Về mặt lịch sử, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, Phật giáo được truyền vào Đà Nẵng vào khoảng thể kỷ XVII, trong đó Ngũ Hành Sơn được xem là cái nôi đầu tiên của Phật giáo thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là trung tâm Phật giáo của Việt Nam trong thời kỳ chúa Nguyễn. Khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Đà Nẵng người Việt đã tạo dựng ở Ngũ Hành Sơn một hệ thống các ngôi chùa dày đặc, hầu như ngọn núi nào, hang động nào cũng dựng được chùa, đặt miếu để thờ Phật, hoặc thờ những vật linh khí của nhà Phật. Chỉ tính riêng ở núi Thủy Sơn đã có bốn chùa và hàng chục hang động lớn nhỏ tham gia thờ tự. Đó là chùa Tam Thai, Linh ứng, Trang Nghiêm, Từ Tâm; hang động thì có Thiên Phước Đạt, Huyền Không, Tàng Chân, Linh Nhan, Quan Thế Âm… Nơi đây cũng đã đón tiếp rất nhiều vua chúa, quan lại, thương khách, sư tăng trong và ngoài nước viếng thăm. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, năm Ất Hợi (1695), Ngũ Hành Sơn cũng đã vinh dự được Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) ghé thăm. Kể từ sau Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11 năm 1981, thành lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phật giáo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cũng tiến hành Đại hội Phật giáo lần thứ nhất. Từ đó đến nay, Phật giáo thành phố đã trãi qua 5 kỳ đại hội.

Qua số liệu thống kê của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng, tính đến năm 2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 09 tổ chức tôn giáo thuộc 06 tôn giáo hợp pháp được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Họ đạo Cao đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Ngoài ra, có 12 điểm nhóm của các hệ phái Tin lành và 01 địa điểm của tổ chức Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt.

Riêng đối với Phật giáo,tại thành phố Đà Nẵng hiện có 03 hệ phái: Bắc Tông, Nam Tông và hệ phái Khất sĩ, với 111 chùa, chiếm khoảng 56% trong tổng số cơ sở thờ tự; có 120.790 tín đồ, chiếm khoảng 67% trong tổng số tín đồ các tôn giáo và có 367 chức sắc, chiếm hơn 50% tổng số chức sắc các tôn giáo đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tại thành phố Đà Nẵng, đối với Phật giáo có các lễ hội quy mô lớn như : Lễ Phật đản tổ chức vào tháng 4 âm lịch; Lễ Vu lan tổ chức vào tháng 7 âm lịch ; lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn tổ chức vào tháng 2 âm lịch; lễ Vu lan Báo hiếu - Ngũ Hành Sơn diễn ra vào các năm 2017, 2018; các hoạt động thuyết giảng phật pháp, các khóa tu học Phật thường được các chùa Bát Nhã, Bồ đề Thiền Viện, chùa Hương Sơn, chùa Quan Thế Âm.. tổ chức định kỳ hằng năm cũng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia.

Ngoài ra, nhiều sự kiện Phật giáo lớn cũng được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại thành phố Đà Nẵng như: năm Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak) năm 2008 tại Trung tâm văn hóa thành phố với hàng nghìn tăng ni, phật tử tham gia; Hội thảo toàn quốc của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt trong năm 2011 với khoảng 4.200 người tham dự; Từ ngày 22 đến 25-11-2018, Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương tổ chức Hội nghị đại biểu Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc lần thứ 12 tại chùa Pháp Lâm (TP.Đà Nẵng) với sự tham dự của gần 500 huynh trưởng; hằng năm có nhiều đoàn Phật giáo quốc tế như: Hàn quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đến Đà Nẵng…

Những đóng góp nổi bật của Phật giáo Đà Nẵng đối với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận và làm theo. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị, công nghiệp phát triển. Do đó, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị có ý nghĩa lớn trong việc phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Thành phố Đà Nẵng, kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997), đã không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu to lớn cả về chính trị - kinh tế, văn hóa -xã hội, an ninh - quốc phòng. Đến năm 2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia.Với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố hài hòa, thân thiện và an bình, một thành phố giàu tính nhân văn, hấp dẫn và đáng sống, trong thời gian qua chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng, hình thành nên nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm cho diện mạo thành phố ngày càng thay đổi rõ nét theo hướng văn minh, hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện…Góp phần vào kết quả chung đó, phải kể đến sự tích cực hưởng ứng và chung tay góp sức từ các chức sắc, tín đồ Phật giáo trên địa bàn thành phố. Cụ thể như sau:

Đối với xung quanh khuôn viên cơ sở thờ tự, trong thời gian qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố đã huy động chức sắc và đông đảo tín đồ triển khai  thực hiện nhiều nội dung rất thiết thực như: trong các cuộc lễ, không để mua bán hàng rong, đồ lưu niệm trước cổng chùa; không phát chẩn trong cơ sở tôn giáo tạo cơ hội cho số người lợi dụng để hoạt động ăn xin biến tướng; Yêu cầu Trú trì các chùa, cơ sở  thờ tự viện, đặc biệt là ở các di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng chủ động tổ chức di dời và không bài trí các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tự, không tiếp nhận công đức tượng sư tử đá, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam, để từ đó góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa Phật giáo thành phố nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương, quy định của UBND thành phố về việc không chôn cất người chết trong khuôn viên cơ sở thờ tự góp phần xây dựng thành phố môi trường và tiết kiệm quỹ đất cho các hoạt động khác; các cơ sở Phật giáo trên địa bàn thành phố đã dừng việc chôn cất thi thể chức sắc qua đời trong khuôn viên cơ sở thờ tự, từng bước chuyển qua hình thức hỏa táng và đem tro cốt về thờ phụng tại cơ sở thờ tự. Trong những năm qua, một số chức sắc của Giáo hội như các cố hòa thượng: Thích Viên Minh, Thích Minh Tuấn, Thích Giác Viên, Thích Thiện Nguyện, Thích Chí Mãn, cố Ni sư Thích Nữ Diệu Thanh v.v… đã được hỏa táng, sau đó đưa tro cốt về thờ tại các chùa. Đặc biệt một số chức sắc có học vị cao, có vai trò chủ chốt trong Ban Trị sự Giáo hội Việt Nam thành phố thông qua việc hoằng pháp đã chọn đề tài liên quan đến nội dung hỏa táng đưa vào để thuyết giảng, tuyên truyền, giải thích ý nghĩa để Phật tử, quần chúng nhân dân có suy nghĩ tích cực và an tâm khi thực hiện hỏa táng người thân đã qua đời.

Trong công tác vận động đạo hữu phật tử trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã phát động, hướng dẫn đạo hữu, Phật tử  không tổ chức việc tang lễ kéo dài thời gian; đảm bảo cường độ âm thanh vừa phải khi hành lễ để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, trong tang lễ không rải giấy tiền khi đưa tang trên đường phố mà chỉ nên cúng hương, đèn, trà, hoa quả. Kết quả cho thấy nhiều Phật tử là thân quyến của hương linh không còn mua áo giấy, tiền, vàng mã đem vào các đàn tràng để cúng và không còn cảnh người đem vàng mã đến chùa để bán.

Bên cạnh đó, để tiếp tục góp phần vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở Phật giáo, trong 2018, được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, tại gần 20 cơ sở Phật  giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: chùa Bát Nhã, chùa Huệ Quang, chùa Quan Thế Âm, Thiền viện Bồ đề, chùa Tân Ninh, chùa Hương Sơn, chùa Long Hoa… đã nhiệt tình tham gia việc lắp đặt các bảng Pano hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo.

Theo đó, tùy thuộc vào quy mô, diện tích thực tế, mà mỗi cơ sở sẽ được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố hỗ trợ lắp đặt miễn phí từ 01 đến 04 Pano, mỗi Pano có chiều cao khoảng 1,2m, chiều rộng 0,5m để hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cho phù hợp. Nội dung của các Pano hướng dẫn là những hình ảnh dễ hiểu, nhằm mục đích tuyên truyền những hành vi có liên quan đến việc xây dựng nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: không hút thuốc; không uống rượu bia; không xả rác; không mặc quần áo phản cảm khi vào các cơ sở thờ tự…việc này đã góp phần vào việc nâng cao ý thức của người dân đối với việc giữ gìn sự tôn nghiêm, bảo vệ môi trường tại cơ sở  Phật giáo nói riêng, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung.

Ngoài ra, các chức sắc, tăng ni tại các chùa còn tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; nhiều chùa thành lập các đạo tràng, đoàn Phật tử để thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội trong và ngoài thành phố…  tích cực phối hợp cùng với chính quyền các địa phương xây dựng nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; chia sẻ vật chất và tinh thần tại các trung tâm bảo trợ xã hội,

Đặc biệt dưới sự chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố  nhất là các vị chức sắc như: Đại đức Thích Thông Đạo - Phó Trưởng Ban, kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự  Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Đại đức Thích Thông Quang -Trú trì chùa Liên Trì, quận Sơn Trà  từ năm 2015 đã thành lập Đội Tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng thuộc sự quản lý chung của Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Đà Nẵng. Từ khi thành lập đến nay đội đã có khoảng 1.000 tình nguyện viên sống trong và ngoài thành phố tham gia hiến gần 1.400 đơn vị máu và tiểu cầu cho các bệnh nhân. Như nội quy hoạt động của Đội Tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng đã viết: “Các tình nguyện viên tham gia đội trên tinh thần tự nguyện với mục đích hiến máu cứu người; Chỉ tham gia 1 đội hiến máu duy nhất để thuận tiện cho vấn đề theo dõi, hỗ trợ; Tuyệt đối không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ người nhà bệnh nhân hoặc từ các thành viên tham gia hiến máu; Sẵn sàng hỗ trợ 24/24 cho những trường hợp cần máu để cấp cứu khẩn cấp và những bệnh nhân điều trị lâu dài tại các bệnh viện theo sự điều động của đội...”  Vì vậy, hoạt động của các thành viên trong đội hiện nay là hoàn toàn tự nguyện, không vì vụ lợi cá nhân, tất cả đều được thực hiện vì một mục đích cao cả duy nhất là để kịp thời hiến máu sống cứu người bị nạn.

Hiện nay, bên cạnh việc hiến máu cứu người, Đội Tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng nói chung cũng đã thực hiện một số công tác từ thiện xã hội khác như: quyên góp giúp đỡ cho các bệnh nhân khó khăn hoặc bị bệnh nặng phải ở lại điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; thường xuyên tổ chức các đợt thiện nguyện đến với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh lân cận; tham gia hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, hỗ trợ chuyến xe tình nghĩa cho các bệnh nhân tại bệnh viện Đà Nẵng về quê ăn tết …Đặc biệt, kể cả số tiền bồi dưỡng theo quy định của Bộ Y tế sau mỗi lần tham gia hiến máu cũng được các tình nguyện viên trong đội nộp vào nguồn quỹ chung để ủng hộ những trường hợp bệnh nhân nghèo, ở xa…Tính riêng trong năm 2018, đội đã thực hiện công tác từ thiện hỗ trợ bệnh nhân nghèo, cứu trợ lũ lụt với tổng số tiền gần 900 triệu đồng.

Có thể khẳng định rằng, bằng chính các giá trị đạo đức nhân văn và nhiều hoạt động thiết thực, Phật giáo thành phố đã góp phần hình thành nên trong mỗi cá nhân con người, nhất là người Phật tử nếp sống hiền thiện, biết đến chùa tu tâm tích đức; Đối với gia đình, Phật giáo đã góp phần xây dựng nên những gia đình có môi trường sống hòa thuận, biết kính trên nhường dưới; Đối với cộng đồng, Phật giáo đã góp phần tạo nên lối sống có trách nhiệm với xã hội, hình thành nên cộng đồng biết thương yêu, chia sẽ lẫn nhau, qua thực tế cho thấy ở địa phương, khu dân cư nào có cơ sở Phật giáo thì nếp sống khu dân cư đó cơ bản có sự ổn định hơn…. Những ảnh hưởng này của Phật giáo đã hòa mình vào đời sống văn hóa, xã hội của mãnh đất và con người nơi đây, góp phần làm phong phú cho bản sắc văn hóa của thành phố nói chung, đồng thời  điều này cũng phần nào thể hiện được tính nhập thế của Phật giáo trong xã hội hiện đại ngày nay.

Một số giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Thứ nhất, tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp tại các cơ sở Phật giáo, đưa hình ảnh mái chùa trở thành biểu tượng thân thương, thấm sâu vào tiềm thức và trở thành một phần trong tâm hồn của con người Việt Nam đúng như các câu thơ:

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,  
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…

Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Để thực hiện được điều này, các cơ sở Phật giáo ngoài việc thanh tịnh tu học, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn liền với đời sống văn hóa dân cư, gắn kết cộng đồng, giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên Phật tử, từ đó cùng nhân dân tham gia thực hiện chiến lược “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Thứ hai, bên cạnh việc đảm bảo cảnh quan đô thị trong và ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự, các chùa đặc biệt là nơi có tập trung đông đạo hữu Phật tử cần rà soát bố trí hợp lý nơi thắp hương, gắn các bảng nội quy thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa; Bố trí hợp lý nơi đặt hòm công đức, cúng dường; có biện pháp hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các bàn thờ làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của cơ sở thờ tự; Bố trí lực lượng tham gia công tác nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm các nội quy thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tại chùa.

Thứ ba, hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, xu hướng chung của Phật giáo không phải là thoát tục mà là nhập thế. Giải thoát không phải là trốn chạy, quay lưng với thực tại mà ít nhiều thể hiện khuynh hướng đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, xây dựng một cuộc sống hài hòa và công bằng. Vì vậy, để góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, Phật giáo cần quan tâm hướng đến việc xây dựng đội ngũ chức sắc, tăng ni mẫu mực về đạo hạnh, tuân thủ pháp luật, gương mẫu trong việc tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo từ đó làm cho niềm tin của nhân dân vào Phật giáo được ngày càng nâng cao hơn và noi gương làm theo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Thảo: “Phật giáo luôn là một tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, nhưng chỉ có thể giữ vững, tôn cao được vai trò, vị trí của mình ở thời đương đại, nếu tiếp tục thể hiện là tấm gương về trí tuệ và đạo hạnh; là lực lượng đi đầu các tôn giáo ở nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Do đó, việc phát huy vai trò to lớn của Phật giáo trong quá trình tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị hiện nay cũng chính là góp phần nâng cao vị thế và tính tiên phong của Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

ThS. Đinh Đức Hiền - Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất