Thứ Bảy, 23/11/2024
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (tiếp)

 Cô dâu chú rể cùng phù dâu chuẩn bị về nhà trai trong đám cưới người dân tộc Nùng

3. Dân tộc Nùng

Tên tự gọi: Nồng.

Nhóm địa phương: Nùng Giang, Nùng Xuồng, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín...

Ngôn ngữ: Tiếng Nùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), cùng nhóm với tiếng Tày, tiếng Thái, và nhất là tiếng Choang ở Trung Quốc...

Lịch sử: Người Nùng phần lớn từ Quảng Tây (Trung Quốc) di cư sang cách đây khoảng 200-300 năm.

Hoạt động sản xuất: Người Nùng làm việc rất thành thạo nhưng do cư trú ở những vùng không có điều kiện khai phá ruộng nước cho nên nhiều nơi họ phải sống bằng nương rẫy là chính. Ngoài ngô, lúa họ còn trồng các loại củ, bầu bí, rau xanh...

Họ biết làm nhiều nghề thủ công: dệt, rèn, đúc, đan lát, làm đồ gỗ, làm giấy dó, làm ngói âm dương... Nhiều nghề có truyền thống lâu đời nhưng vẫn là nghề phụ gia đình, thường chỉ làm vào lúc nông nhàn và sản phẩm làm ra phục vụ nhu cầu của gia đình là chính. Hiện nay, một số nghề có xu hướng mai một dần (dệt), một số nghề khác được duy trì và phát triển (rèn). Ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà, Cao Bằng) rất nhiều gia đình có lò rèn và hầu như gia đình nào cũng có người biết làm nghề rèn.

Chợ ở vùng người Nùng phát triển. Người ta thường đi chợ phiên để trao đổi mua bán các sản phẩm. Thanh niên, nhất là nhóm Nùng Phàn Slình, thích đi chợ hát giao duyên.

Ăn: Ở nhiều vùng người Nùng ăn ngô là chính. Ngô được xay thành bột để nấu cháo đặc như bánh đúc. Thức ăn thường được chế biến bằng cách rán, xào, nấu, ít khi luộc. Nhiều người kiêng ăn thịt trâu, bò, chó.

Mặc: Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo năm thân, cài cúc bên nách phải, thường chỉ dài quá hông.

: Người Nùng cư trú ở các tỉnh Ðông Bắc nước ta, họ thương sống xen kẽ với người Tày. Phần lớn ở nhà sàn. Một số ở nhà đất làm theo kiểu trình tường hoặc xây bằng gạch mộc. Ở ven biên giới trước kia còn có loại nhà làm theo kiểu pháo đài, có lô cốt và lỗ châu mai để chống giặc cướp.

Phương tiện vận chuyển: Các phương thức vận chuyển truyền thống là khiêng, vác, gánh, mang, xách. Hiện nay ở một số địa phương người Nùng sử dụng xe có bánh lốp do các vật kéo để làm phương tiện vận chuyển.

Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội người Nùng đã đạt đến trình độ phát triển như ở người Tày. Ruộng và nương thâm canh đã biến thành tài sản tư hữu, có thể đem bán hay chuyển nhượng. Hình thành các giai cấp: địa chủ và nông dân.

Cưới xin: Nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu và khi yêu nhau họ thường trao tặng nhau một số kỷ vật. Các chàng trai tặng các cô gái đòn gánh, giỏ đựng con bông (hắc lì) và giỏ đựng con sợi (cởm lót).

Còn các cô gái tặng các chàng trai áo và túi thêu.

Tuy nhiên hôn nhân lại hoàn toàn do bố mẹ quyết định, trên cơ sở hai gia đình có môn đăng hộ đối không và lá số đôi trai gái có hợp nhau hay không. Nhà gái thường thách cưới bằng thịt, gạo, rượu và tiền. Số lượng đồ dẫn cưới càng nhiều thì giá trị của người con gái càng cao. Việc cưới xin gồm nhiều nghi lễ, quan trọng nhất là lễ đưa dâu về nhà chồng. Sau ngày cưới cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến sắp có con mới về ở hẳn nhà chồng.

Sinh đẻ: Ngoài lễ đặt bàn thờ bà mụ và lễ mừng trẻ đầy tháng ở một số nhóm Nùng còn tổ chức lễ đặt tên cho trẻ khi chúng đến tuổi trưởng thành.

Ma chay: Có nhiều nghi lễ với mục đích chính là đưa hồn người chết về bên kia thế giới.

Nhà mới: Làm nhà mới là một trong nhiều công việc hệ trọng. Vì thế khi làm nhà người ta rất chú ý tới việc chọn đất, xem hướng, chọn ngày dựng nhà và lên nhà mới với ước mong có cuộc sống yên vui, làm ăn phát đạt.

Thờ cúng: Thờ tổ tiên là chính. Bàn thờ đặt ở nơi trang trọng, được trang hoàng đẹp, ở vị trí trung tâm là bức phùng slằn viết bằng chữ Hán cho biết tổ tiên thuộc dòng họ nào. Ngoài ra còn thờ thổ công, Phật bà Quan âm, bà mụ, ma cửa, ma sàn, ma ngoài sàn (phi hang chàn)... và tổ chức cầu cúng khi thiên tai, dịch bệnh... Khác với người Tày, người Nùng tổ chức mừng sinh nhật và không cúng giỗ.

Lễ tết: Người Nùng ăn tết giống như ở người Việt và người Tày.

Lịch: Người Nùng theo âm lịch.

Học: Có chữ nôm Nùng dựa theo chữ Hán, đọc theo tiếng Nùng và chữ Tày - Nùng trên cơ sở chữ cái La-tinh.

Văn nghệ: Sli là hát giao duyên của thanh niên nam nữ dưới hình thức diễn xướng tập thể, thường là đôi nam, đôi nữ hát đối đáp với nhau và được hát theo hai bè.

Người ta thường Sli với nhau trong những ngày hội, ngày lễ, ngày chợ phiên, thậm chí ngay trên tàu, trên xe.

Chơi: Trong các ngày tết, ngày lễ, ngày hội thường có một số trò chơi như tung còn, đánh cầu lông, đánh quay, kéo co...

 


 Người Giáy chuẩn bị lễ vật mừng năm mới

4. Dân tộc Giáy

Tên tự gọi: Giáy

Tên gọi khác: Nhắng, Giẳng

Ngôn ngữ: Tiếng Giáy thuộc ngữ hệ Thái - Ka Ðai.

Lịch sử: Người Giáy từ Trung quốc di cư sang Việt Nam cách đây khoảng 200 năm.

Hoạt động sản xuất: Người Giáy có nhiều kinh nghiệm canh tác lúa nước trên những triền ruộng bậc thang. Bên cạnh đó họ còn làm thêm nương rẫy trồng ngô, lúa, các loại cây có củ và rau xanh. Chăn nuôi theo lối thả rông. Có một số nghề thủ công nhưng chưa phát triển.

Ăn: Ăn cơm tẻ. Gạo được luộc cho chín dở rồi mới cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nước luộc gạo dùng làm đồ uống. Cách chế biến món ăn, nhất là ăn trong ngày lễ, ngày tết chịu ảnh hưởng sâu sắc của người Hán.

Mặc: Trước kia phụ nữ mặc váy xoè giống như váy của người Hmông. Ngày nay họ mặc quần màu chàm đen có dải vải đỏ đắp trên phần cạp, áo cánh 5 thân xẻ tà, dài quá mông, cài khuy bên nách phải, hò áo và cổ tay áo viền những dải vải khác màu. Tóc vấn quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc. Vai khoác túi thêu chỉ màu với hoa văn là những đường gấp khúc. Nam giới mặc quần lá toạ, áo cánh xẻ tà, mở khuy ngực.

: Người Giáy cư trú ở các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương (Lào Cai), Yên Minh, Ðồng Văn (Hà Giang), Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu). Nhà sàn là nhà ở truyền thống. Hiện nay, kiểu nhà sàn vẫn phổ biến trong bộ phận người Giáy ở Hà Giang, còn bộ phận ở Lao Cai và Lai Châu ở nhà đất nhưng phía trước nhà vẫn là sàn phơi. Nhà thường có 3 gian, bàn thờ đặt ở gian giữa.

Phương tiện vận chuyển: Họ gánh bằng dậu, dùng ngựa thồ, trâu kéo.

Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, xã hội người Giáy có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Tầng lớp trên là những chức dịch trong bộ máy chính quyền ở xã, thôn bản, nhiều người được hưởng ruộng công do dân cày cấy, có rừng thảo quả do dân trồng, có lính phục dịch, có người lo việc tang, việc cưới, đôi khi có cả đội xoè. Nông dân, ngoài đóng thuế còn phải làm lao dịch và cống nạp cho các chức dịch.

Cưới xin: Gồm nhiều nghi lễ: dạm hỏi, thả mối, ăn hỏi, cưới và lại mặt. Trong lễ ăn hỏi nhà trai đưa cho nhà gái một vòng cổ và một vòng tay để "đánh dấu". Trong lễ cưới ngoài chi phí cho ăn uống, nhà trai còn phải mang cho nhà gái một số thực phẩm và tiền để làm quà tặng họ hàng gần; mỗi người một con gà, một con vịt và một đồng bạc trắng. ở người Giáy cũng có tục kéo vợ như người Hmông.

Sinh đẻ: Khi có thai phụ nữ phải kiêng nhiều thứ: không đun củi từ ngọn lên gốc (sợ đẻ ngược), không đến đám tang hay nơi thờ cúng (sợ mất vía). Gần đến ngày đẻ, họ phải cúng mụ. Trẻ đầy tháng cúng báo tổ tiên, đặt tên và lập lá số cho trẻ để sau này đem so tuổi khi lấy vợ, lấy chồng và chọn giờ nhập quan, hạ huyệt khi chết đi.

Ma chay: Người Giáy cho rằng khi người ta chết, nếu ma chay chu đáo thì sẽ được lên trời sống sung sướng cùng với tổ tiên, nếu không sẽ bị đưa xuống âm ti hoặc biến thành con vật. Vì thế, ở những gia đình khá giả đám tang có thể kéo dài tới 5-7 ngày và có thêm một số nghi lễ như thả đèn trôi sông, rước hồn đi dạo... Con cái để tang bố mẹ một năm. Lễ đoạn tang thường được tổ chức vào dịp cuối năm.

Thờ cúng: Bàn thờ đặt ở gian giữa, thường có ba bát hương theo thứ tự từ trái sang phải thờ táo quân, trời đất và tổ tiên. Trong trường hợp chủ nhà là con nuôi hay con rể thừa tự muốn thờ họ bố mẹ đẻ thì đặt thêm một bát hương ở bên trái. Những gia đình không thờ bà mụ trong buồng thì đặt thêm một bát hương ở bên phải. Ở một số gia đình ngoài bàn thờ lớn còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ bố mẹ vợ. Phía dưới bàn thờ lớn ngay trên mặt đất đặt một bát hương cúng thổ địa, ở hai bên cửa chính có hai bát hương thờ thần giữ cửa.

Lễ tết: Người Giáy ăn Tết như các dân tộc ở vùng Ðông Bắc: Tết Nguyên đán, Thanh minh, Ðoan ngọ....

Lịch: Người Giáy theo âm lịch.

Học: Người Giáy chưa có văn tự, chỉ có một số rất ít người biết chữ Hán.

Văn nghệ: trong kho tàng văn nghệ của người Giáy có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, đồng dao, phong dao... Ở người Giáy có ba kiểu hát mà họ gọi là "vươn" hay "phướn" hát bên mâm rượu, hát đêm và hát tiễn dặn...

 


 Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào

5. Dân tộc Lào

Tên tự gọi: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn.

Tên gọi khác: Phu Thay, Phu Lào.

Nhóm địa phương: Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Lào có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Người Lào làm ruộng nước với kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền hợp lý. Ngoài ra họ còn làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiểu thủ công nghiệp gia đình của dân tộc đặc biệt phát triển. Họ làm gốm bằng bàn xoay với các sản phẩm như chum vại, vò, ché, nồi với chất lượng tốt. Nghề dệt thổ cẩm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thể hiện thẩm mỹ tinh tế. Nghề rèn, nghề chạm bạc... cũng góp phần thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Hái lượm còn có vai trò nhất định đối với đời sống kinh tế của người Lào.

Ăn: Người Lào ăn nếp là chính. Về thực phẩm họ ưa ăn các món chế biến từ cá; đặc biệt có món Pàđẹc (cá ướp) rất nổi tiếng.

Mặc: Phụ nữ Lào mặc váy thắt ngang ngực, buông ngang tầm bắp chân. Gấu váy thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ. áo nữ ngắn, để hở phần ngực trên. Chiếc trâm bạc cài tóc hay khăn piêu đội đầu của phụ nữ Lào cũng được chạm khắc hoặc thêu thùa khéo léo. Nam phục Lào có nhiều nét tương đồng với người Thái.

: Người Lào cư trú xen kẽ với người Thái, người Lự, người Khơ Mú ở các huyện Ðiện Biên, Phong Thổ (Lai Châu) và Sông Mã (Sơn La). Họ ở nhà sàn, lòng rộng, thoáng đãng, cột kèo được chạm khắc tinh vi. Mái nhà thường kéo dài tạo nên hiên để đặt khung cửi và các công cụ làm vải.

Phương tiện vận chuyển: Người Lào quen gùi, gánh đôi dậu, đặc biệt giỏi đi thuyền trên sông, ở một số nơi họ còn sử dụng ngựa thồ.

Quan hệ xã hội: Trước kia xã hội người Lào tuy phụ thuộc hệ thống tổ chức hành chính của phong kiến Thái nhưng được tự quản ở cấp bản. Mỗi bản có một người đứng đầu gọi là chẩu bản đại diện cho lợi ích cộng đồng. Thiết chế tự quản chi phối nhiều tới hoạt động kinh tế, đời sống tâm linh và đạo đức truyền thống.

Cũng như người Thái, người Lào quan niệm mỗi người có ba quan hệ họ hàng chính: ải Noọng - Lung Ta - Dinh Xao. Các dòng họ đều có tục kiêng cấm liên quan đến tô tem giáo.

Cưới xin: Theo nguyên tắc hôn nhân thuận chiều. Con trai phía họ Dinh Xao được phép và khuyến khích lấy con gái phía họ Lung Ta, nhưng nghiêm cấm lấy ngược lại. Không có tục hôn nhân anh em chồng hoặc hôn nhân chị em vợ. Gia đình của người Lào dù lớn hay nhỏ mang tính phụ quyền rõ rệt mặc dầu người phụ nữ vẫn được đề cao. Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên nhà chồng. Gia đình của họ thường bền vững, ít có trường hợp đa thê, ngoại tình hay ly dị. Quan hệ trong mỗi nhà thường hoà hiếu, con cái được chăm sóc như nhau không phân biệt trai gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ mang thai và sinh đẻ được chăm sóc và quan tâm chu đáo. Họ cũng phải tuân theo nhiều kiêng cấm trong ăn uống cũng như hành vi ứng xử. Trẻ sơ sinh được đặt tên sau một tháng.

Ma chay: Tục thiêu xác chỉ thực hiện đối với người đứng đầu bản (chầu bản). Các trường hợp khác đều thổ táng. Lễ thiêu xác chầu bản do chẩu hua (ông sư) chủ trì với các nghi thức Phật giáo đã được hoà nhập và cải biến hợp với truyền thống tộc người. Người Lào không khóc trong các đám tang bởi họ quan niệm sự chết chỉ là quá trình thay đổi thế giới.

Lễ tết: Người Lào theo Phật lịch và ăn tết vào tháng 4 âm lịch hàng năm (Bun Pi May). Hàng tháng, vào ngày rằm và ba mươi có tục dâng lễ lên tháp theo nghi thức Phật giáo, lễ vật chỉ có hoa quả. Họ cũng có nhiều nghi thức tín ngưỡng khác liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa (Xo Nặm Phôn) hay có tục ăn cơm mới.

Thờ cúng: Mỗi gia đình đều có nơi thờ tổ tiên. Mỗi bản làng có một ông thầy cúng (món) chuyên việc cúng khi có người đau ốm. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và xã hội người Lào.

Học: Người Lào có chữ theo mẫu tự Sanscrit. Hiện nay vẫn còn nhiều sách viết trên lá cọ do các thầy cúng (mo lắm) giữ. Xưa, con trai đều phải kinh qua học sách Phật từ 3 đến 7 năm. Học xong thầy đặt cho học trò là Siêng nghĩa là người đã giỏi chữ.

Văn nghệ: Người Lào có vốn văn học dân gian phong phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca... Phụ nữ Lào không chỉ hát hay mà còn rất giỏi các điệu dân vũ. Do sống xen kẽ lâu đời với người Thái, văn nghệ dân gian Lào ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Thái. Chính điều đó đã làm cho văn nghệ của họ thêm phong phú.

 


  Đồng bào dân tộc Lự biểu diễn điệu múa xuống đồng

6. Dân tộc Lự

Tên tự gọi: Lừ, Thay hoặc Thay Lừ.

Tên gọi khác: Phù Lừ, Nhuồn, Duồn.

Nhóm địa phương: ở Việt Nam chỉ có nhóm Lự Ðen (Lừ Ðăm) ở xã Bản Hon, huyện Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu), phân biệt nhóm Lự Trắng (Lừ Khao) ở Síp Song Păn Na (Trung Quốc).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Lự đã có mặt ở khu vực Xam Mứn (Ðiện Biên) ít nhất cũng trước thế kỷ XI - XII. Tại đây họ đã xây thành Xam Mứn (Tam Vạn) và khai khẩn nhiều ruộng đồng. Vào thế kỷ chiến tranh người Lự phải phân tán đi khắp nơi, một bộ phận nhỏ chạy lên sinh sống ở vùng núi Phong Thổ, Sìn Hồ.

Hoạt động sản xuất: Người Lự sáng tạo ra hệ thống mương, phai truyền thống để dẫn thuỷ nhập điền. Ruộng trồng lúa nếp theo kỹ thuật cấy mạ hai lần. Có nơi đã biết dùng phân xanh, rác rưởi và phân chuồng để bón ruộng. Họ làm nương phát, đốt, chọc lỗ tra hạt hoặc cày do tiếp thu từ người Hmông. Nghề dệt phát triển. Dệt thổ cẩm với nhiều đường nét hoa văn đẹp. Người Lự có nghề rèn gươm nổi tiếng. Hái lượm, săn bắt, đặc biệt đánh cá ở suối là hoạt động thường xuyên.

Ăn: Người Lự ăn xôi, ưa thích các món chế biến từ cá, trong đó có món nộm chua với thịt cá tươi. Lợn, trâu, bò chỉ mổ ăn khi có lễ tết, không mổ để bán.

Mặc: Nữ mặc áo chàm, xẻ ngực. Váy nữ bằng vải chàm đen, có thêu dệt thành hai phần trang trí, dễ cảm giác như váy có hai tầng ghép lại. Cổ đeo vòng được nối hai đầu bằng chuỗi dây xà tích bằng bạc. Ðầu đội khăn cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường gấp viền thêu hoa văn bổ dọc. Nhuộm răng đen. Ðeo vòng tay bằng bạc, bằng đồng.

Nam mặc quần áo bằng vải chàm đen, áo cánh kiểu xẻ ngực, cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt áo và một túi ở ngực trái. Quần từ đầu gối trở xuống có thêu hoa văn. Họ đội khăn đen, gấp nếp cuốn nhiều vòng, thích nhuộm răng đen. Ðàn ông thường đeo gươm, không những để tự vệ mà còn là tập quán trang trí.

: Người Lự cư trú ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Ðiện Biên (Lai Châu). Nhà sàn 4 mái, mái kéo dài che làm hiên sàn nơi đặt khung dệt và các dụng cụ làm ra vải. Trong nhà có chăn, đệm, màn, rèm; bếp ở giữa nhà.

Phương tiện vận chuyển: Gùi, trâu kéo, ngựa thồ.

Quan hệ xã hội: Quan hệ láng giềng là chủ đạo. Họ theo tập quán tương trợ giữa các gia đình trong lao động sản xuất, khi làm nhà mới, cưới xin ma chay.

Hai họ - Pu Da (nội) và Ta Nai (ngoại) là quan trọng nhất.

Cưới xin: Người Lự khuyến khích hôn nhân ngược chiều với câu tục ngữ "dao khâu đồng, hôn nhân trở về lối cũ". Em lấy vợ, anh em của vợ thuộc bàng hệ chéo hai, ba đời lại lấy chị em gái của chồng. Không có trường hợp ép duyên. Theo tục ở rể 3 năm sau đó về làm dâu 2 năm thì đôi vợ chồng được phép ra ở riêng để thành đơn vị gia đình hạt nhân sống trong nếp nhà sàn riêng của mình. Có ba bước cưới xin:

+ "Ăn giáp tối": lễ nhập phòng.

+ "Ăn mới": tổ chức ăn uống và nhà trai dâng lễ vật cho nhà gái trong đó phải có một thanh gươm.

+ "Ðón dâu".

Sinh đẻ: Khi đầy tháng nhờ ông máy đem bút vót bằng cây guột và một mảnh vải trắng đĩa mực tàu đến bói và tìm tên cho trẻ nhỏ. Ðặt trứng gà lên bát gạo, ông máy gieo hạt gạo lên trông trứng xem chẵn, lẻ. Nếu ứng đúng như ông xướng thì lấy tên đó đặt cho trẻ và ghi tên vào mảnh vải rồi trao lại cho bố mẹ giữ lấy làm khai sinh. Nữ thường có tên là Kẻo (Ngọc) và nam là Khăm (Vàng)...

Ma chay: Khi có người chết, người trong họ nội đội khăn trắng để tang. Mổ một trâu đen (không trắng) để cúng tiễn hồn về cõi hư vô. Quàn thi thể ở nhà 3 ngày rồi thuê 8 người ngoài họ để khiêng ra rừng ma. Chôn không đắp thành mồ. Những người đi đưa đám trước khi lên nhà phải tắm rửa sạch sẽ. Bà con gần gũi thuộc họ nội của người chết phải kiêng 3 ngày không lao động sản xuất.

Nhà mới: Kiêng không làm lễ lên nhà mới vào giữa trưa. Sau khi quét sạch nhà, mời 4 cụ già ngoài họ đến uống rượu quanh một cái chậu có 4 chén rượu đặt ở giữa nhà. Một chàng trai trẻ đến bên cửa ra vào, ngồi xổm và cất tiếng xin mua nhà, các cụ đang uống rượu đáp: "chủ nhà sắp đến nhận rồi". Vợ chồng chủ nhà đã đứng sẵn ở chân cầu thang. Chồng mang một cái chài trên vai, vợ gánh một bên là kiềng và một bên là chõ xôi; chồng trước, vợ theo sau leo lên cầu thang, đặt đồ vào nhà. Tiếp theo, hai thiếu nữ thắp hai bó đuốc bước lên nhà. Một cô khác ở đầu cầu thang cầm ống nước để dập tắt lửa cháy ở bó đuốc đi đầu. Người thứ hai, cầm bó đuốc vẫn cháy sáng, đưa đến nhóm lửa ở bếp. Ngọn lửa phải giữ cho cháy suốt 3 ngày 3 đêm. Chủ nhà làm lễ thờ tổ tiên bằng cỗ đầu lợn. Dân bản được mời ăn cỗ uống rượu, mọi người vui hát theo điệu sáo đôi.

Thờ cúng: Người Lự thờ cúng tổ tiên ở gian "hóng" trong nhà, mỗi năm một lần vào tháng giêng theo lịch Lự, tương đương với tháng 10 âm lịch; thắp thêm 10 ngọn nến sáp ong ở quanh mâm cỗ. Ông "chủ đầu" (chảu hô) đọc bài cúng. Vào tháng giêng có lễ cúng bản gọi là "kiêng bản" (căm bản) với mâm cỗ 3 yến lợn đều cúng dựng ở đầu bản và cạnh sông, suối. Vào tháng 3 mồng 3 có lễ cúng ở khu "rừng thiêng" (đóng căm) với mâm cỗ 3 yến lợn và cũng như thế, tháng 6 mồng 6 với mâm cỗ 6 yến lợn. Sau khi "chủ đầu" làm lễ xong, cả bản ăn cỗ, uống rượu, chơi kéo co, ném én, hát sáo đôi và kiêng nội bất xuất, ngoại bất nhập từ 3 đến 9 ngày gọi chung là "kiêng bản kiêng mường".

Lễ tết: Cách đương đại 3 thế hệ về trước, khoảng 60-70 năm, người Lự còn thực hiện những nghi lễ Phật giáo gọi là bun như: lễ mừng năm mới (bun pi mày) vào tháng giêng; lễ té nước (bun huất nặm) vào tháng11, tháng 12 và lễ thả ống pháo sáng (bun bẳng phay) vào tháng 2, 3 theo âm lịch Lự.

Lịch: Có lịch riêng - tháng giêng là tháng10 âm lịch.

Học: Người Lự có sử dụng chữ theo mẫu tự Pali. Người ta lấy gai hoặc que sắt nhọn làm bút viết trên lá cọ rừng ghi nhiều loại truyện thần thoại, cổ tích. Cũng có thể vỏ cây guột khô, vót nhọn, chấm mực tàu viết trên miếng vải trắng. Xưa kia, trẻ 7-8 tuổi có tập quán đến học chữ của ông "chẩu hua" (sư).

Văn nghệ: Hát Lự (Khắp Lử) là cách con gái dùng một khăn vải màu đỏ che mặt hát theo tiếng sáo đôi do con trai thổi đệm. Theo lối hát này (ỉn khống). Xưa, vào lúc màn đêm buông xuống, các đôi nam nữ ngồi trên chiếu cói trải giữa sân say sưa hát, thổi sáo cùng nhau đến tận nửa đêm.

Chơi: Người Lự có các trò chơi kéo co, ném én. Nam thanh niên thích múa gươm.

 


  Múa Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay

7. Dân tộc Sán Chay

Tên tự gọi: Sán Chay

Tên gọi khác: Hờn Bán, Chùng, Trại...

Nhóm địa phương: Cao Lan và Sán Chỉ.

Ngôn ngữ: Tiếng Cao Lan thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai) còn tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán Tạng).

Lịch sử: Người Sán Chay từ Trung Quốc di cư sang cách đây khoảng 400 năm.

Hoạt động sản xuất: Là cư dân nông nghiệp, làm ruộng nước thành thạo nhưng nương rẫy vẫn có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế và phương thức canh tác theo lối chọc lỗ, tra hạt vẫn tồn tại đến ngày nay. Ðánh cá có vị trí quan trọng. Với chiếc vợt ôm và chiếc giỏ có hom việc đánh cá đã cung cấp thêm nguồn thực phẩm giàu đạm, góp phần cải thiện bữa ăn.

Ăn: Người Sán Chay ăn cơm tẻ là chính. Rượu cũng được dùng nhiều, nhất là trong ngày tết, ngày lễ. Ðàn ông thường hút thuốc lào. Phụ nữ ăn trầu.

Mặc: Phụ nữ mặc váy chàm và áo dài có trang trí hoa văn ở hò áo và lưng áo. Thường ngày, chỉ dùng một thắt lưng chàm nhưng trong ngày tết, ngày lễ họ dùng 2-3 chiếc thắt lưng bằng lụa hay nhiễu với nhiều màu khác nhau.

Ở: Người Sán Chay cư trú ở các tỉnh Ðông Bắc nước ta. Họ sống trên nhà sàn giống nhà của người Tày cùng địa phương.

Phương tiện vận chuyển: Người Sán Chay thường đeo chiếc túi lưới ở sau lưng theo kiểu đeo ba lô.

Quan hệ xã hội: Trước Cách mạng tháng Tám, ruộng đất dần dần trở thành tư hữu hoá và phân hoá giai cấp ngày càng rõ rệt. Trong xã hội đã xuất hiện địa chủ và phú nông. Tuỳ theo từng địa phương, chính quyền thực dân phong kiến đặt ra một số chức dịch như quản mán, tài chạ, quan lãnh... Bên cạnh đó có tổ chức tự quản ở các bản do dân bầu ra gọi là khán thủ. Có nhiều dòng họ, trong đó có những dòng họ lớn, đông dân như Hoàng, Trần, La, Ninh. Các chi họ và nhóm hương hoả giữ vị trí quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng.

Cưới xin: Trước khi đón dâu, lễ vật và trang phục của những người đi đón được tập trung lại ở giữa nhà để quan lang làm phép. Khi xuất phát, quan lang đứng dưới giọt giang giương ô lên cho mọi người đi qua. Trên đường về nhà chồng, cô dâu phải đi chân đất. Sau khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến lúc sắp đẻ mới về ở nhà chồng. Ông mối được cô dâu, chú rể quý trọng, coi như bố mẹ và khi ông mối chết phải để tang.

Sinh đẻ: Trong vòng 42 ngày sau khi đẻ cấm người lạ vào nhà. Nếu ai đó lỡ vào mà sau đó trẻ sơ sinh bị ốm thì phải đem lễ vật đến làm lễ cúng vía. Sau khi đẻ 3 ngày tổ chức lễ ba mai.

Ma chay: Ðám ma do thầy tào chủ trì gồm nhiều nghi lễ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ðạo giáo và Phật giáo. Ðặc biệt ngôi nhà táng được làm rất công phu và đẹp.

Làm nhà mới: Việc chọn đất, chọn hướng và chọn ngày giờ để làm nhà mới rất được người Sán Chay coi trọng.

Thờ cúng: Trong nhà người Sán Chay có rất nhiều bàn thờ. Ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn thờ trời đất, thổ công, bà mụ, thần nông, thần chăn nuôi... Phổ biến nhất là thờ Ngọc Hoàng, Phật Nam Hoa, Táo Quân.

Lễ tết: Họ ăn tết như người Tày.

Lịch: Người Sán Chay theo âm lịch.

Học: Người Sán Chay sử dụng chữ Hán trong cúng bái và chép bài hát.

Văn nghệ: Ngoài kể chuyện cổ tích, đọc thơ, người Sán Chay còn yêu thích ca hát. Phổ biến hơn cả là sình ca, lối hát giao duyên nam nữ gồm 2 loại: hát ở bản về ban đêm và hát trên đường đi hoặc ở chợ. Bên cạnh đó còn có ca đám cưới, hát ru...

Chơi: Ðánh cầu lông, đánh quay là những trò chơi phổ biến của người Sán Chay. Trong ngày hội có nơi còn biểu diễn trò "trồng chuối", "vặn rau cải".

 


 Rước cô dâu về nhà chồng bằng ngựa trong đám cưới người dân tộc Bố Y

8. Dân tộc Bố Y

Tên tự gọi: Bố Y.

Tên gọi khác: Chủng Chá, Trọng Gia...

Nhóm địa phương: Bố Y và Tu Dí.

Ngôn ngữ: Nhóm Bố Y nói ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), còn nhóm Tu Dí nói ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).

Lịch sử: Người Bố Y di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 150 năm.

Hoạt động sản xuất: Người Bố Y vốn giỏi làm ruộng nước nhưng đến Việt Nam cư trú ở vùng cao nên chủ yếu phải dựa vào canh tác nương rẫy và lấy ngô làm cây trồng chính. Bên cạnh đó mỗi gia đình thường có một mảnh vườn để trồng rau. Ngoài nuôi gia súc, gia cầm họ còn nuôi cá ruộng và biết làm nhiều nghề thủ công như dệt, rèn, gốm, đục đá, chạm bạc, đan lát, làm đồ gỗ...

Ăn: Người Bố Y ăn ngô xay nhỏ đem luộc cho chín dở rồi mới đồ lên gọi là mèn mén.

Mặc: Trước đây, phụ nữ mặc váy xoè như váy của phụ nữ Hmông, váy được tạo hoa văn bằng cách bôi sáp ong lên mặt vải rồi đem nhuộm chàm. Áo ngắn 5 thân có ống tay rời, xiêm che ngực và bụng. Phụ nữ đeo trang sức bằng bạc gồm dây chuyền, vòng tay, khuyên tai; tóc được búi ngược lên đỉnh đầu, đội khăn chàm có thêu hoa văn bằng chỉ màu. Ngày nay, họ mặc giống như người Nùng trong cùng địa phương. Phụ nữ nhóm Tu Dí ăn mặc theo kiểu người Hán nhưng áo có ống tay rời.

: Người Bố Y cư trú ở Quản Bạ (Hà Giang) và Mường Khương (Lào Cai). Họ ở nhà đất có 2 mái lợp gianh, gỗ hoặc ngói, tường đất trình. Nhà có 3 gian, có sàn gác trên quá giang là chỗ để lương thực và là chỗ ngủ của những người con trai chưa vợ.

Quan hệ xã hội: Có sự phân hoá giai cấp rõ rệt. Tầng lớp trên gồm trưởng bản (pin thàu) và người giúp việc (xéo phải).

Cưới xin - Gồm 3 bước:

Bước 1: Nhà trai cử 2 bà mối sang nhà gái xin lá số cô gái về để so tuổi. Nhà gái thường tỏ thiện chí bằng cách tặng nhà trai 10 quả trứng gà nhuộm đỏ. Nếu thấy "hợp tuổi", nhà trai cử 2 ông mối sang trả lá số và xin "giá ăn hỏi".

Bước 2: Lễ ăn hỏi. Sau lễ này, hôn nhân của đôi trai gái coi như được định đoạt.

Bước 3: Lễ cưới. Nhà trai đưa sính lễ cho nhà gái. Ngoài một số thực phẩm còn có 1 bộ trang phục nữ. Chàng rể không đi đón dâu. Khi về nhà chồng, cô dâu cưỡi ngựa do em gái chồng dắt và mang theo một cái kéo, 1 con gà mái nhỏ để đến giữa đường thì thả vào rừng.

Sinh đẻ: Xưa kia, người phụ nữ có tục đẻ ngồi, cắt rốn cho trẻ bằng mảnh nứa, nhau (rau) chôn ngay dưới gầm giường. Khi đứa trẻ được 3 ngày làm lễ cúng mụ, đặt tên tục, đến khi được 2- 3 tuổi mới đặt tên chính thức. Nếu đứa trẻ hay ốm đau thì phải tìm bố nuôi cho vía của nó có chỗ nương tựa.

Ma chay: Ma chay là thể hiện tình cảm của người sống với người chết và đưa hồn người chết về quê cũ. Trước khi đưa đám bắn 4 phát súng, lúc khiêng quan tài cho chân người chết đi trước. Từ nhà đến huyệt phải nghỉ 3 lần (nếu vợ hoặc chồng còn sống) hoặc 4 lần (nếu vợ hoặc chồng đã chết). Người nhà để tang 3 năm, trong thời gian có tang con trai không được uống rượu, con gái không được đeo đồ trang sức, con cái không được lấy vợ, lấy chồng.

Thờ cúng: Trên bàn thờ đặt 3 bát hương thờ trời, táo quân và tổ tiên. Dưới gầm bàn thờ đặt một bát hương thờ thổ địa. Nếu bố mẹ vợ chết không có người thờ cúng thì con rể lập bàn thờ nhỏ cạnh cửa để thờ.

Lễ tết: Có nhiều Tết: Nguyên đán, Rằm tháng giêng, 30 tháng giêng, Hàn thực, Ðoan ngọ, Mùng 6 tháng 6, Rằm tháng 7, Cơm mới. Tết Cơm mới tổ chức vào tháng 8 hay tháng 9 âm lịch, có bánh chưng, bánh chay và xôi nhuộm màu.

Lịch: Người Bố Y tính ngày, tháng theo âm lịch.

Học: Trước đây có một số người dùng chữ Hán để ghi gia phả, viết bài cúng, làm lá số...

Văn nghệ: Ở nhóm Tu Dí thường hát đối đáp tại phiên chợ xuân hay tại nhà, lời ca bằng tiếng Hán, được phụ hoạ bằng kèn lá.

Chơi: Trong dịp hội hè, người Bố Y có các trò chơi đánh đu, cờ tướng, đánh quay, đánh khăng./.

 

 

 

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè