Thứ Năm, 23/1/2025
Thêm 2 tập quán tín ngưỡng của Hà Giang được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể

 Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang

Hàng năm, vào khoảng từ ngày 15/10 đến ngày 30 tháng chạp (Âm lịch), người Dao đỏ tại Hoàng Su Phì tổ chức lễ cúng tổ Bàn Vương. 

Đây là nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức hằng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc. Lễ cúng được tổ chức nhằm bày tỏ sự biết ơn với sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 họ người Dao ngày nay. Đồng thời là dịp cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt cho cộng đồng người Dao ấm no, hạnh phúc. 

Người Dao coi việc thờ cúng Bàn Vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và luôn có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng phù hộ trong cuộc sống.

Người Cờ Lao tại Việt Nam sinh sống chủ yếu tại tỉnh Hà Giang, định cư ở các huyện Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cộng đồng dân tộc Cờ Lao trên địa bàn tỉnh Hà Giang là một trong những dân tộc rất ít người của cả nước. Người Cờ Lao cũng được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao Đỏ phân bố ở Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước.

Lễ Cầu mùa là nét sinh hoạt văn hóa thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Cờ Lao. Với tín ngưỡng nông nghiệp chủ đạo là canh tác ngô, lúa, vì vậy hàng năm sau khi thu hoạch xong; lúa, ngô đã chất đầy bồ, các bản làng người Cờ Lao tại Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ Cầu mùa.

Lễ Cầu mùa của người Cờ Lao ở huyện Hoàng Su Phì thường được tổ chức vào đầu năm mới. Trong nghi lễ, các gia đình thường chuẩn bị gà luộc và các sản phẩm nông nghiệp khác do chính người dân làm ra như xôi, rượu trắng, thịt lợn, hoa quả cùng tiền vàng và hương. Thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cơ bản để cảm tạ thần linh, trời đất và tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu. Đồng thời, cầu xin các vị thần linh tiếp tục phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, lúa ngô tươi tốt vào những mùa vụ sau.

Như vậy, tỉnh Hà Giang đã có 27 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó có 6 di sản của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, như: Bố Y, Lô Lô, Pu Péo và Cờ Lao.

Đây là những minh chứng giá trị thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa của con người và vùng đất Hà Giang trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

PV

Gửi cho bạn bè