10. Dân tộc KHÁNG
Tên tự gọi: Mơ Kháng.
Tên gọi khác: Háng, Brển, Xá.
Nhóm địa phương: Kháng Dẩng, Kháng Hoặc, Kháng Dón, Kháng Súa, Ma Háng, Bư Háng, Ma Háng Bẻng, Bư Háng Cọi...
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Họ nói thạo tiếng Thái.
Lịch sử: Người Kháng là một trong số các dân tộc cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc nước ta.
|
Trang phục của thiếu nữ dân tộc Kháng
|
Hoạt động sản xuất: Nương rẫy là hình thái kinh tế chủ đạo với cách thức phát đốt, chọc lỗ tra hạt. Có thể phân thành 3 nhóm:
- Nhóm sống du canh du cư: làm rẫy.
- Nhóm du canh bán định cư: làm rẫy kết hợp làm ruộng.
- Nhóm định canh định cư: làm ruộng kết hợp làm rẫy. Tập quán trồng lúa nếp kết hợp trồng ngô, sắn, vừng... Chăn nuôi khá phát triển: lợn, gà, vịt, trâu, bò. Nghề phụ nổi tiếng là đan lát đồ gia dụng (hòm, ghế mây, mây, gùi...) Người Kháng giỏi đóng và đi thuyền độc mộc, thuyền đuôi én. Thuyền của họ đóng được các dân tộc anh em ưa mua dùng.
Ăn: Người Kháng thích ăn xôi và các món có vị chua, cay như: cá ướp chua, dưa lá củ ráy ngứa, món hỗn hợp gồm lá lốt, thịt, ớt, tỏi, rau thơm hoà trộn, đồ chín. Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hóa độc đáo của họ. Người Kháng quen uống rượu trắng, rượu cần, hút thuốc lá và hút thuốc lào.
Mặc: Người Kháng ăn mặc giống người Thái.
Ở: Nhà ở có 2 dạng: nhà tạm bợ và nhà kiên cố. Nhà sàn gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang nên xuống.
Phương tiện vận chuyển: Gùi có dây đeo qua trán, thuyền đuôi én.
Quan hệ xã hội: Nằm trong sự quản lý của các mường Thái trước đây, Người Kháng không có tổ chức xã hội riêng. Chức dịch cao nhất trong bản là: quan cai gần như Tạo bản người Thái. Trong các bản người Kháng đã có sự phân hoá giàu nghèo.
Tiểu gia đình phụ quyền chiếm ưu thế trong bản. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số tàn dư của chế độ mẫu hệ: tục ở rể, vai trò ông cậu... Trưởng họ vẫn có vai trò nhất định.
Cưới xin: Ngày xưa, việc lấy vợ, lấy chồng của người Kháng vừa tự do vừa phải qua nhiều nghi thức. Sau bốn năm đêm tìm hiểu ngủ lại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì tiến hành ăn hỏi và rất nhiều nghi thức mà đôi trẻ và hai bên nhà trai nhà gái phải thực hiện. Sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt hai họ, nhà trai mới tổ chức đón dâu. Ðây là lễ quan trọng nhất.
Ma chay: Người Kháng có tục chia của cho người chết gồm: chăn, đệm, dao, bát, đĩa, hòm đựng quần áo, ống nước, giỏ xôi... và những gì khi còn sống người quá cố thường dùng. Tất cả những lễ vật này được đặt phía trên đầu mộ. ở phía đầu mộ còn chôn một cái cột cao, trên đó buộc treo một hình con chim bằng gỗ và một cái áo mà người chết thường mặc. Sau khi chôn xong, về đến nhà, anh em, bà con phải đứng dưới gầm sàn để ông cậu cắt một nhúm tóc bỏ vào bát nước lã đựng trứng, cá sấy khô rồi đem vứt ở vệ đường vào bãi tha ma để hồn người chết không về quấy rối con cháu, người thân.
Thờ cúng: Họ tin rằng con người có 5 hồn. Một hồn chính ở trên đầu bốn hồn ở tứ chi. Khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, bốn hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi "ăn". Người ta còn tin nhiều loại ma khác như: ma suối, ma bản... Người Kháng thờ ma bố và có tục thờ ma mẹ. Việc cúng bố mẹ được tiến hành 3 năm một lần. Ðây là lễ vui nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới dự bữa cơm, sau đó xoè, múa thâu đêm.
Lễ tết: Người Kháng ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới và thực hiện các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp nương rẫy.
Văn nghệ: Những làn điệu dân ca của người Kháng thường phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người biết hát các bài hát, áng thơ của người Thái, thuộc nhiều tục ngữ cao dao.
11. Dân tộc KHMER
Tên tự gọi: Người Khmer.
Tên gọi khác: Cur, Cul, Cu Thổ, Việt gốc Miên, Khơ Me K’rôm.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me.
Lịch sử: Trước thế kỉ XII người Khmer và văn hoá của họ giữ vai trò chủ thể ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
|
Múa Apsara truyền thống của người Khmer
|
Hoạt động sản xuất: Người Khmer là cư dân nông nghiệp dùng cày và trồng lúa nước. Trong bộ công cụ nông nghiệp khá hoàn thiện và hiệu quả của họ, có những dụng cụ độc đáo thích ứng với điều kiện địa lí sinh thái Nam bộ như cái phảng thay cho cày chuyên dùng ở vùng đất phèn, mặn để phát cỏ, cù nèo (Pok) dùng để vơ cỏ. Cây nọc cấy (Sơ chal) dấu vết của chiếc gậy chọc lỗ xa xưa, tạo ra lỗ để cắm cây lúa ở những chân ruộng nước nhưng đất cứng, và cái vòn gặt (Kần điêu) dùng để cắt lúa.
Người Khmer có nghề đánh cá, dệt, chiếu, đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm gốm. Kĩ thuật gốm đơn giản, công cụ chính là hòn kê (K’leng), bàn dập (Chơ), chưa dùng bàn xoay, không có lò nung cố định, gốm mộc, không màu,với độ nung thấp. Sản phẩm gốm chủ yếu là đồ gia cụ, tiêu biểu nhất là bếp (Cà ràng) và nồi (Cà om) rất được người Việt, người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long ưa dùng.
Ăn: Người Khmer trồng hơn 150 giống lúa tẻ và nếp khác nhau, họ thường ăn cơm tẻ và cơm nếp. Thức ăn hằng ngày có tôm, cá nhỏ, ếch, nhái, rau, củ. Họ chế biến rất nhiều loại mắm: mắm ơn Pứ làm bằng tôm tép, mắm Pơ inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc làm bằng cá lóc, các sọc, cá trê, tôm tép, mắm pơ inh làm bằng cá sặc, nhưng nổi tiếng nhất là mắm B’hóc làm bằng cá lóc, cá sọc, cá trê, tôm tép trộn với thính và muối. Gia vị ưa thích nhất là vị chua (từ quả me hay mè) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả, ca ri...).
Mặc: Nam nữ trước đây đều mặc xà rông bằng lụa tơ tằm do họ tự dệt. Lớp thanh niên ngày nay thích mặc quần âu với áo sơmi. Những người đứng tuổi, người già thường mặc quần áo bà ba màu đen, nam giới khá giả đôi khi mặc quần áo bà ba màu trắng với chiếc khăn rằn luôn quấn trên đầu, hoặc vắt qua vai. Chỉ đặc biệt trong cưới xin, nam nữ mới mặc quần áo cổ truyền. Chú rể mặc áo xà rông, áo màu đỏ, cổ đứng với hàng khuy trước ngực, bên vai trái quàng chiếc khăn dài trắng (Kăl xinh) và con dao cưới (Kầm pách) ngụ ý để bảo vệ cô dâu. Còn cô dâu mặc Xăm pốt (váy)màu tím hay màu hồng, áo dài màu đỏ, quàng khăn và đội mũ cưới truyền thống. áo dài Khơ Me (Wện) gần gũi với chiếc áo dài của phụ nữ Chăm: áo bịt tà, thân áo rộng và dài dưới gối, cổ áo thấp và xẻ trước ngực vừa đủ để chui đầu vào, tay áo chật, hai bên sườn thường ghép thêm bốn miếng vải (thường hoặc màu) kéo dài từ nách đến gấu áo.
Ở: Họ sống ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và tụ cư trên 3 vùng môi sinh lớn: vùng đồng bằng nội địa, vùng phèn mặn ven biển, vùng đồi núi Tây nam giáp biên giới Cam Pu Chia. Người Khmer trước đây ở nhà sàn, nay sống trong các ngôi nhà đất.
Phương tiện vận chuyển: Thường sử dụng xe bò (cộ), xe lôi bánh gỗ, hoặc bánh hơi, đi lại trên đường hay những chân ruộng khô, vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch.
Sống trong môi trường chằng chịt kênh, rạch, ghe, thuyền của người Khmer có rất nhiều loại: xuồng ba lá, ghe tam bản, thuyền " tắc rán" hoặc thuyền "đuôi tôm" chạy máy. Ðặc biệt nhất là chiếc ghe Ngo (Tuộc mua) dài 30m, làm bằng gỗ sao, có từ 30-40 tay chèo, mũi và hai bên thành thuyền có vẽ hình ó biển, voi, sư tử, sóng nước. Ghe Ngo chỉ sử dụng trong dịp lễ chào mặt trăng OK-ang Bok (tháng 10 âm lịch), còn ngày thường họ gửi trong chùa, được cư dân trong các "Phum", "Sóc" coi như vật thiêng.
Quan hệ xã hội: Gia đình nhỏ một vợ một chồng, ở riêng và là đơn vị kinh tế độc lập, có nơi 3-4 thế hệ sống chung trong một nhà. Xã hội Khmer vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư mẫu hệ.
Người Khmer có rất nhiều họ khác nhau. Những họ do triều Nguyễn trước đây đặt ra như: Danh, Kiên, Kim, Sơn, Thạch. Những họ tiếp thu từ người Việt và người Hoa như: Trần, Nguyễn, Dương, Trương, Mã, Lý... Lại có những họ thuần tuý Khmer như U, Khan, Khum. Tình trạng ngoại tình, đa thê, li hôn hoặc loạn luân giữa những người có huyết thống trực hệ, ít xẩy ra hoặc tuyệt đối nghiêm cấm.
Hôn nhân: Hôn nhân thường do cha mẹ xếp đặt, có sự thoả thuận của con cái. Cưới xin trải qua 3 bước: làm mối, dạm hỏi và lễ cưới, được tổ chức ở bên nhà gái. Sau đó, người con trai phải ở bên nhà vợ một thời gian. Trải qua ít năm hoặc khi có con, họ ra ở riêng, nhưng vẫn cư trú bên ngoại.
Ma chay: Tục hoả thiêu đã có từ lâu. Sau khi thiêu, tro được giữ trong tháp "Pì chét đẩy", xây cạnh ngôi chính điện trong chùa.
Lễ tết: Có 2 lễ lớn trong năm.
Tết Chuôn chnam Thmây tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3 đầu tháng Chét (theo Phật lịch) vào khoảng tháng 4 dương lịch.
Lễ chào mặt trăng (ok ang bok) tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch, trong lễ này có đua thuyền Ngo giữa các phum - sóc.
Thờ cúng: Thờ Phật, tổ tiên và thực hành các nghi lễ nông nghiệp như cúng thần ruộng (neak tà xiê), gọi hồn lúa (ok ang leok), thần mặt trăng (ok ang bok).
Học: Con trai khi lớn đều được cha mẹ gửi vào chùa làm sư từ 3 đến 5 năm. Họ được học kinh Phật, học chữ Khmer ở các trường chùa. Chỉ sau nghĩa vụ tu hành, họ mới được phép hoàn tục và mới có quyền được lập gia đình.
Văn nghệ: Người Khmer có cả một kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có một nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam á. Nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp được coi là di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer. Trong các ngôi chùa Khmer của Phật giáo tiểu thừa (Thérévada), ngoài tượng Ðức Phật Thích Ca được tôn thờ duy nhất, chiếm vị trí trung tâm khu chính điện, vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú - những dấu vết tàn dư còn lại của Bà la môn giáo và tín ngưỡng dân gian./.
12. Dân tộc KHƠ MÚ
Tên tự gọi: Kmụ, Kưm Mụ.
Tên gọi khác: Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Mãng Cẩu, Tày Hạy, Mứn Xen, Pu Thềnh, Tềnh.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Lịch sử: Khơ Mú là một trong những cư dân đã cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc Việt Nam. Bộ phận Khơ Mú cư trú tại miền núi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An do chuyển cư từ Lào sang.
|
Điệu múa Viêng Ver Guông truyền thống của người Khơ Mú
|
Hoạt động sản xuất: Là cư dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy nên được gọi là "Xá ăn lửa". Ngoài hình thái du canh du cư là chủ yếu, bộ phận định cư thường canh tác nương theo chu trình vòng tròn khép kín. Cây trồng ngoài lúa ngô ra còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Công cụ sản xuất gồm rìu, dao, cuốc, trong đó đáng lưu ý nhất là chiếc gậy chọc lỗ. Hoặc gậy đơn hoặc gậy kép (bịt sắt) có thể dùng nhiều năm. Hái lượm và săn bắn vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng. Một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, dệt vải. Việc trao đổi, mua bán chủ yếu là hình thức hàng đổi hàng. Vỏ ốc "kxoong" trước kia được coi như vật ngang giá. Người Khơ Mú chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phục vụ sức kéo và nhu cầu tiêu dùng, tín ngưỡng.
Ăn: Người Khơ Mú thường đồ xôi hay đồ ngô, độn sắn. Họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng, các thức ăn nướng có mùi như chẻo, nậm pịa, cá chua...
Mặc: Người Khơ Mú mặc giống người Thái, nhưng có điều khác là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ. Ngày nay, phần lớn người Khơ Mú, nhất là nam giới đều ăn mặc theo người Việt.
Ở: Hiện nay họ cư trú tại các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Vì điều kiện du canh, du cư nên bản làng thường nhỏ bé, rải rác. Nhà sàn chủ yếu dùng cột không ngoãm, vách phên, sàn bương. Hiện nay nhiều nơi đã làm nhà khang trang, vững chãi hơn.
Phương tiện vận chuyển: Cơ bản là gùi có dây đeo trên trán, có ách và các loại túi đeo, bộ phận người Khơ Mú làm ruộng dùng thêm sọt gánh.
Quan hệ xã hội: Người Khơ Mú quan hệ chặt chẽ giữa những người đồng tộc và những người láng giềng, nhất là người Thái.
Mỗi bản gồm nhiều gia đình thuộc các dòng họ khác nhau. Mỗi họ có trưởng họ. Người dân bản trong bản đã có phân hoá giàu nghèo. Những dòng họ người Khơ Mú đều mang tên thú, chim, cây cỏ... có thể chia làm 3 nhóm tên họ. Nhóm tên thú gồm hổ, chồn, cầy hương... Nhóm tên chim gồm phượng hoàng đất, chìa vôi, cuốc, bìm bịp... Nhóm tên cây gồm guột, rau đớn, dương xỉ, tỏi ... Ngoài ra còn một số họ mang tên vật vô tri như: rọ lợn, môi múc canh...
Cưới xin: Hôn nhân theo nguyên tắc thuận chiếu, đặc biệt trong phạm vi một dòng họ. Trong hôn nhân, nhiều tàn dư mẫu hệ còn tồn tại như tục ở rể, chồng mang họ vợ, hôn nhân anh em vợ, chị em chồng... Ðám cưới được tiến hành qua các khâu dạm hỏi, ở rể, lễ cưới ở bên nhà vợ và lễ đón dâu... Trai gái được tự do tìm hiểu nhưng quyền quyết định do bố mẹ, đặc biệt là ông cậu. Ông cậu là người có ý kiến quyết định tiền thách cưới, đồ sính lễ.
Ma chay: Ðám ma của người Khơ Mú gồm nhiều nghi thức tín ngưỡng. Ðặc biệt bài cúng tiễn hồn người chết kéo dài hàng giờ sau đó mới đem thi hài đi chôn.
Nhà mới: Lên nhà mới là dịp vui của gia đình và cả bản. Chủ nhà thường mổ lợn thiết đãi bà con xóm giềng. Ðây là dịp dân bản trình diễn các sinh hoạt văn nghệ có tính cộng đồng.
Lễ tết: Ngoài tết Nguyên đán ra, người Khơ Mú còn ăn tết cơm mới. Tết được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch. Ðây là dịp vui của cả bản sau một thời gian lao động mệt nhọc. Tết cơm mới của người Khơ Mú thể hiện hiện sắc thái văn hoá tộc người đậm nét. Họ còn duy trì nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt.
Thờ cúng: Người Khơ Mú quan niệm có 5 loại ma quan trọng nhất là: ma trời, ma đất, ma thuồng luồng, ma tổ tiên và ma nhà. Ðó là các loại ma mang điều lành cho con người nhưng đôi khi giận dữ có thể gây tai hoạ trừng phạt con người.
Ngoài lễ cúng mường, người Khơ Mú còn lễ cúng bản, đặc biệt là lễ cúng ma nhà trong các dịp tết và khi con cháu trong nhà đau ốm. Bàn thờ ma nhà đặt trên gác bếp, còn ông bà thờ ở một gian riêng kín đáo và rất kiêng kỵ đối với người ngoài. Mỗi dòng họ vẫn duy trì tục thờ ma dòng họ với nghi thức và các động tác mang tính đặc trưng riêng.
Lịch: Ngoài theo lịch Thái, người Khơ Mú phổ biến cách tính ngày giờ căn cứ theo bảng cà la để vận dụng trong việc dựng nhà, cưới gả...
Học: Nhiều người biết đọc, viết chữ Thái.
Văn nghệ: Làn điệu dân ca quen thuộc nhiều người ưa thích là Tơm. Làn điệu này mang đậm tính sử thi, trữ tình. Cách hát theo kiểu đối đáp. Người Khơ Mú thích xoè, múa, thổi các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi.
Chơi: Trong các ngày lễ tết, trẻ em hay đánh cầu lông làm bằng lông gà, đánh quay và các trò chơi dân gian khác./.
13. Dân tộc MẢNG
Tên tự gọi: Mảng.
Tên gọi khác: Mảng Ư, Xá Mảng, Niểng O, Xá Bá O.
Nhóm địa phương: Mảng Gứng, Mảng Hệ.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam - Á). Nhiều người Mảng biết tiếng Thái.
Lịch sử: Xưa nay vùng Nặm Ban (Dum Bai) thuộc xã Nặm Ban, huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu vẫn được gọi là "quê hương" của người Mảng. Nhiều truyền thuyết, truyện kể còn lưu truyền cho đến ngày nay giúp chúng ta có thể nhận ra người Mảng là một trong những dân cư bản địa ở vùng Tây Bắc.
|
Không gian sinh sống của đồng bào dân tộc Mảng
|
Hoạt động sản xuất: Người Mảng là cư dân "ăn nương" chuyên sống bằng nông nghiệp nương rẫy theo lối sống du canh du cư. Việc chọn nương, đánh dấu sở hữu được tiến hành từ sau tết.
Tháng 3-4 phát cỏ, để khô, nỏ; tháng5-6 đốt rồi gieo hạt. Công cụ làm nương có rìu, dao, gậy chọc lỗ. Năng suất lúa thường thấp do đất đai cằn cỗi, rừng non, đời sống bấp bênh, thiếu ăn quanh năm. Mấy năm gần đây họ đã biết làm nương cuốc; một số nơi làm ruộng bậc thang, năng suất lúa ổn định hơn.
Chăn nuôi, thủ công... chưa phát triển. Hái lượm, săn bắt trong suốt 4 mùa vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế.
Người Mảng nuôi trâu, bò, dê, gà, lợn. Nhiều sản phẩm đan lát của người Mảng như bem, cót, gùi rất được các dân tộc khác ưa chuộng.
Ăn: Người Mảng ăn 2 bữa (trưa-tối), ngô là lương thực chính, ngô trộn sắn hoặc trộn với ít gạo đồ lên. Lá sắn non đồ muối là thức ăn gần như quanh năm của người Mảng. Họ ưa hút thuốc lào, uống rượu trắng.
Mặc: Y phục truyền thống vẫn được giữ gìn mặc dù nhiều người mặc giống người Thái hoặc Việt. Nét độc đáo trong y phục phụ nữ Mảng là tấm choàng quấn quanh thân được cắt may bằng vải thô màu trắng, ở giữa thêu hàng chỉ đỏ. Ðầu để trần, tóc buộc thành chỏm trên đầu bằng dây có tua khá đẹp, chân quấn xà cạp.
Ở: Nhà sàn, gỗ tạp, kỹ thuật thô sơ.
Phương tiện vận chuyển: Phổ biến dùng gùi, có dây đeo trên trán sau gáy có ách.
Quan hệ xã hội: Người đứng đầu tổ chức xã hội truyền thống là Pơgia. Ông ta cùng Hội đồng các trưởng họ điều khiển mọi hoạt động văn hoá tôn giáo, xã hội trong bản. Về sau tổ chức xã hội này bị phá vỡ, chịu sự chi phối của tổ chức xã hội Thái. Tuy nhiên tổ chức Bản (Muy) vẫn duy trì theo tập quán truyền thống. Bản có trưởng bản trông coi về thu thuế tạp dịch. Trong bản thường có một dòng họ lớn, các trưởng họ cùng với hội đồng già làng điều hành mọi hoạt động xã hội, tôn giáo theo tập quán. Người Mảng có năm họ chính, mỗi họ lấy một con vật làm vật tổ.
Ma chay: Tang lễ của người Mảng gồm nhiều nghi thức phức tạp, từ khâm liệm cho đến khi chôn cất. Xưa, quan tài chủ yếu dùng vỏ cây hoặc tre ghép. Sau này, người ta dùng thân cây khoét rỗng hay dùng hòm ván gỗ.
Nhà mới: Mặc dù nhà người Mảng rất tạm bợ, nhưng từ khâu chọn đất, san nền, dựng cột cho đến lợp đều phải nhờ thầy bói xem ngày, giờ rồi mới tiến hành dựng nhà. Lễ mừng nhà mới là ngày vui của cả bản. Lễ này gồm nhiều đặc trưng nghi lễ phức tạp thể hiện đặc trưng tộc người.
Lễ tết: Ngoài tết Nguyên đán ra, người Mảng ăn tết Cơm mới sau vụ gặt tháng10 âm lịch. Hàng năm, dân bản còn cúng ma bản và ma nhà để yêu cầu yên. Ðặc biệt ở họ tồn tại hàng loạt nghi lễ liên quan đến nông nghiệp: lễ gieo nương; cúng hồn lúa, mẹ lúa; cúng sau vụ thu hoạch...
Thờ cúng: Ma nhà được cúng vào dịp tết hoặc khi trong nhà có người đau ốm. Trời là đấng sáng tạo tối cao. ở đây có cả truyền thuyết về sự xuất hiện loài người theo mô típ truyện quả bầu. Người ta quan niệm vũ trụ có bốn tầng: Trên trời là thế giới thần linh sáng tạo, mặt đất là thế giới người và các loại ma, dưới đất là người lùn xấu xí và dưới nước là thế giới thuồng luồng. Người Mảng tin có nhiều ma, trong đó ma nhà có vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó họ cũng thờ ma Ðẳm- tổ tiên, dòng họ.
Văn nghệ: Làn điệu dân ca "xoỏng" được nhiều người biết và ưa thích. Các truyện dã sử, truyện kể về lịch sử dân tộc thường được người già kể say sưa.
Chơi: Vào các dịp lễ, tết, trẻ em chơi cầu lông, đánh quay. Thanh niên có nơi chơi ném còn./.
14. Dân tộc XINH MUN
Tên tự gọi: Xinh Mun
Tên gọi khác: Puộc, Xá, Pnạ
Nhóm địa phương: Xinh, Mun Dạ, Xinh Mun Nghẹt.
Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Người Xinh Mun giỏi tiếng Thái.
Lịch sử: Người Xinh Mun đã từng sinh sống lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam.
Hoạt động sản xuất: Họ chuyên trồng lúa trên nương, một số ít làm ruộng.
Ăn: Người Xinh Mun ăn cơm nếp, cơm tẻ, thích gia vị cay, uống rượu cần, có tập quán ăn trầu, nhuộm răng đen.
Mặc: Y phục của họ giống người Thái.
Ở: Họ ở nhà sang. Nhà có mái vòm hình mai rùa.
Phương tiện vận chuyển: Phổ biến dùng gùi đeo trên trán.
|
Người phụ nữ Xinh Mun với chiếc khăn đầu, áo trắng và váy đen truyền thống
|
Quan hệ xã hội: Gia đình nhỏ, phụ quyền là chủ yếu, nhưng những đại gia đình gồm ba thế hệ hay các anh em trai đã có vợ vẫn sống chung trong một nhà còn tồn tại khá đậm nét. Số lượng thành viên trong nhà khoảng 10-15 người, cũng có nhà lên tới 20-30 người. Người Xinh Mun có nhiều họ nhưng phổ biến nhất là hai họ: họ Vì và họ Lò.
Cưới xin: Phổ biến tục ở rể. Trước đây con trai phải ở rể khoảng 8-12 năm hoặc ở rể suốt đời nếu bên vợ không có con trai. Trong lễ cưới đi ở rể, cô dâu, chú rể phải đổi tên của mình lấy một tên mới chung cho cả hai người. Tên chung này do bố mẹ vợ, ông cậu đặt cho, đôi khi lại phải bói xin âm dương để tìm tên chung. Cô dâu búi tóc ngược lên đỉnh đầu biểu hiện là người con gái đã có chồng. Ngay trong hôm cưới đi ở rể, đôi vợ chồng mới cưới trở về nhà trai 2, 3 ngày rồi mới sang ở hẳn nhà gái cho đến hết thời gian ở rể. Lễ cưới đưa dâu về nhà trai tổ chức sau khi hết thời gain ở rể, lúc đó đôi vợ chồng đã có một hoặc vài con. Lễ lại mặt tổ chức sau đó vài ngày, hay một năm.
Sinh đẻ: Phụ nữ có mang vẫn đi nương, đi rừng cho đến tận ngày sinh. Sản phụ đẻ ngồi cạnh bếp nấu cơm, ngay trong nhà. Mẹ chồng, chồng hay một bà già láng giềng đỡ đẻ. Cắt rốn bằng cách: kéo rốn dài đến mắt cá chân đứa trẻ rồi buộc nút lại, từ đó lại kéo dài tiếp một đoạn như thế nữa rồi mới cắt. Nhau đẻ đựng trong ống tre, treo lên cây cao nơi có ít người qua lại. Trẻ gần một tuổi mới mời thầy cúng về, làm lễ đặt tên.
Nhà mới: Người Xinh Mun có tập quán ai dựng nhà thì cả bản đến giúp nên nhà chỉ làm vài ngày là xong. Họ thường làm nhà vào dịp sau vụ gặt và chọn đất dựng nhà bằng cách bói xem đất dựng nhà bằng bói xem đất có hợp với các thành viên trong nhà không. Ngày nước (các ngày 2, 6, 8, 9 trong tháng) thích hợp với việc làm nhà. Kiêng ngày hoả tức các ngày 1 và 7. Ông cậu là người dựng cột chính, trên treo nhiều vật tượng trưng cho sự phồng thực, đầy đủ của gia đình như bông lúa, con dao, cái thớt, các vật biểu tượng âm, dương vật. Ông cậu cũng là người đốt ngọn lửa đầu tiên trên bếp nấu cơm của căn nhà mới. Ngọn lửa ấy được giữ không tắt trong suốt đêm đầu tiên.
Ma chay: Tiếng súng trong nhà báo hiệu có người chết, cùng lúc đó người con trai ném ông đầu rau vào nơi thờ cúng tổ tiên bày tỏ một sự giận giữ truyền thống. Mọi điều kiêng kỵ hàng ngày của gia đình cũng như của người con rể nay được huỷ bỏ, người ta nấu cơm trên bếp sưởi, đặt tai ninh theo chiều ngang nhà, con rể lo mọi việc cơm nước. Không dùng quan tài gỗ mà chỉ bó cót. Chọn đất đào huyệt bằng cách ném trứng trên khu vực định sẵn, trứng vỡ ở đâu thì huyệt được đặt ở đó. Nhà mồ được làm cẩn thận, có đủ thứ cần thiết tượng trưng cho người chết. Người Xinh Mun không có tục cải táng và tảo mộ.
Thờ cúng: Thờ cúng tổ tiên hai đời, bố mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tuỳ nơi, có thể chỉ do anh cả, cũng có thể do các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ, bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà. Lễ cúng bản hàng năm rất được coi trọng.
Học: Trước đây, một số người biết sử dụng chữ Thái, nay dùng chữ phổ thông.
Văn nghệ: Người Xinh Mun thích hát và múa vào các dịp tết lễ, ngay trên nhà. Trai gái, nam nữ hát đối với nhau rất tự nhiên./.
Hồng Hà