Thứ Bảy, 23/11/2024
Gia Lai: Xây dựng, phát huy mô hình tự quản cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 giúp nhân dân làng Plei Trớ,
xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai di chuyển, sắp xếp lại nhà cửa,
thực hiện xây dựng nông thôn mới 

Việc triển khai xây dựng các mô hình tự quản luôn gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp; thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa...

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.453 mô hình tự quản trong đồng bào DTTS, trong đó có 1.034 mô hình tự quản về an ninh chính trị, an ninh nông thôn; 59 mô hình tự quản về kinh tế; 261 mô hình tự quản về văn hóa xã hội; 61 mô hình tự quản về an toàn giao thông; 02 mô hình tự quản về bảo vệ môi trường; 36 mô hình tự quản bảo vệ cột mốc biên giới, tàu thuyền.

Các mô hình tự quản đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả như: “Tự quản về an ninh trật tự”, “khu dân cư tự quản về an toàn giao thông”, “tuyến đường văn minh đô thị”, “tuyến đường thanh niên tự quản”, tự quản bảo vệ cột mốc biên giới, tàu thuyền... Các mô hình tự quản được các địa phương tích cực nhân rộng, tạo được sự đồng tình ủng hộ của đồng bào các DTTS; được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao, phát huy hiệu quả trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Hoạt động của các tổ chức ở cộng đồng dân cư được củng cố và tăng cường sự gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm; tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông giảm mạnh, đồng thời phát huy tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, là động lực để người dân tích cực tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các DTTS đổi mới tập quán sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng; xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhìn chung, đời sống vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo 2022 - 2025 của Gia Lai là 12%; số hộ nghèo người DTTS là 40.479 hộ, chiếm tỷ lệ 88,5% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. 

Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc các tôn giáo tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia học tập, hưởng ứng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động; tham gia đóng góp nhiều ý kiến với chính quyền trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, vận động đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình; thực hiện tốt công tác lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, tham gia thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế một số hủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang... Đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào DTTS với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và phản động. Vận động đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết trong phòng chống đại dịch Covid-19, khắc phục khó khăn, tập trung lao động, sản xuất ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Các chương trình, dự án cho vùng đồng bào DTTS được quan tâm đẩy mạnh, tạo điều kiện phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đời sống và trình độ dân trí của người dân được nâng lên, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Gia Lai đã huy động các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn trên 64.520 ngày công lao động; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hơn 356 km đường giao thông nông thôn; nạo vét 86 km kênh mương; xây dựng, trao tặng 238 căn nhà. Ngoài ra, còn tham gia sửa chữa trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, các công trình nước sạch; dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Đến nay, toàn tỉnh có 123 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc sang nhượng đất, nhất là trong vùng đồng bào DTTS; rà soát, xử lý số đối tượng môi giới cho người dân vay lãi suất cao trong đồng bào DTTS bằng hình thức ép giá nông sản, lừa đảo mua bán, sang nhượng đất đai, cưỡng đoạt tài sản...; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Vận động người có uy tín trong cộng đồng dân cư và chức sắc tôn giáo có tư tưởng tiến bộ tuyên truyền, vận động ở các thôn, làng vùng trọng điểm.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, phát hành các bản tin nội bộ, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, sóng phát thanh - truyền hình. Nổi bật là năm 2021, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức tuyên truyền hơn 24.960 tin, bài, phóng sự, tờ rơi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát hành Sổ tay cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Những kết quả nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong đồng bào DTTS về truyền thống cách mạng, về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao trách nhiệm của người dân hướng vào củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội. Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc; đề cao cảnh giác, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của bọn phản động; thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo chúng tôi, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS.

Hai là, để các mô hình tự quản hoạt động có hiệu quả thì yếu tố quan trọng và quyết định đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban ngành, đoàn thể từ xã, phường đến thôn, tổ dân phố, sự đồng thuận của nhân dân; mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở từng khu dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, xã hội. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương, phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn.

Ba là, phát huy thật sự quyền làm chủ của nhân dân, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư cần đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, vận động nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước, đảng viên nơi cư trú...

Bốn là, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp để phát huy có hiệu quả các mô hình tự quản trong vùng đồng bào DTTS để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS.

Năm là, hệ thống dân vận các cấp thường xuyên tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện xây dựng tổ tự quản trong đồng bào DTTS; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở tổ chức thực hiện nhằm giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, có biện pháp cụ thể, phù hợp để tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng và tham gia. Phối hợp giải quyết kịp thời những vấn để phát sinh ở cơ sở./.

Danh Xuân, Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai

 

 

Gửi cho bạn bè