Thứ Hai, 23/12/2024
Đồng bào Công giáo thị xã Kỳ Anh “kính Chúa yêu Nước”, “sống tốt đời đẹp đạo”

Đồng bào Công giáo chung tay nhân dân cùng xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu 
ở thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà

Thực hiện lời dạy của Giáo hoàng Benedict XVI, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, đồng bào Công giáo ở các giáo xứ, giáo họ đạo ở thị xã Kỳ Anh luôn đồng hành cùng chính quyền thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trên địa bàn.

Chung tay cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Những năm qua, đồng bào Công giáo thị xã Kỳ Anh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Trong các giáo xứ, giáo họ đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả đã có hơn 250 hộ gia đình hiến trên 3.750 m2 đất, 4,7km tường rào, huy động đóng góp hàng ngàn ngày công, xây dựng 40km đường bê tông, 18 km rãnh thoát nước, 2 nhà văn hóa thôn, 15km đường điện chiếu sáng, 13km bồn hoa. Từ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo thị xã Kỳ Anh không ngừng được cải thiện, cơ sở vật chất các xứ họ đạo ngày càng khang trang, đổi mới, hoạt động tín ngưỡng được quan tâm kịp thời, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thôn Hoa Sơn (xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) vốn là vùng núi không có điện thắp sáng, đường giao thông đi lại trắc trở. Kể từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là những năm gần đây, bộ mặt nông thôn ở thôn Hoa Sơn đã thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Nhờ sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sự quan tâm phối hợp của linh mục và sự đồng thuận của người dân, thôn Hoa Sơn đạt khu dân cư kiểu mẫu vào năm 2020. Có được kết quả đó, nhờ đóng góp không nhỏ của bà con giáo dân. Nhiều giáo dân đã nêu gương hiến đất, hiến cây để mở đường giao thông, đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trang trại kết hợp với trồng rừng nguyên liệu. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đồng mục vụ, các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân ở thôn Hoa Sơn đều chung một quan điểm, một mục tiêu, đó là chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống, “sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước” không có tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự nhờ mô hình “xứ đạo an toàn, gia đình hòa thuận”.

Là địa phương có khu kinh tế trọng điểm của cả nước, những năm qua, thị xã Kỳ Anh thu hút hàng trăm dự án lớn, nhỏ vào đầu tư trên địa bàn. Hàng ngàn hộ dân đã nhường đất, di dời nhà cửa lên các vùng tái định cư ổn định cuộc sống. Trong đó có bà con giáo dân, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hăng say lao động xóa đói giảm nghèo

Cùng với những cơ chế, chính sách phù hợp của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, đồng bào Công giáo ở thị xã Kỳ Anh đã vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Tiêu biểu như: Hợp tác xã nghề cá Mạnh Cường ở thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển nghề chế biến nước mắm. Năm 2019, sản phẩm nước mắm của Hợp tác xã Mạnh Cường đã được xếp hạng OCOP 3 sao. Đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, không chỉ khẳng định được thương hiệu trên thị trường mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là đối với phụ nữ.

Bà con giáo dân vùng biển tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mạnh dạn vay vốn đầu tư hoán cải tàu thuyền, từ công suất từ 45CV lên trên 300CV, đóng mới tàu cá có công suất lớn và trang bị các ngư cụ hiện đại đủ điều kiện đánh bắt dài ngày trên các ngư trường xa như đảo Bạch Long Vĩ, đảo Trường Sa... vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tiêu biểu như anh Trần Thành, anh Trần Xuân Cương… và nhiều gia đình giáo dân khác ở giáo họ Yên Hòa và Quý Hòa (xã Kỳ Hà) thu nhập hàng năm từ 400 - 600 triệu đồng/chủ tàu và 80 - 100 triệu đồng/lao động/ năm.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bà con giáo dân đã mạnh dạn đầu tư áp dụng các mô hình nuôi thả mới như: nuôi tôm vỗ bờ thâm canh, nuôi hàu đại dương, cá lồng bè… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: ông Mai Xuân Toản, ông Hà Văn Định, ông Hà Xuân Tuyên ở giáo xứ Quý Hòa, anh Nguyễn Tiến Sâm giáo họ Đồng Nại (xã Kỳ Hà); ông Ngợi ở giáo xứ Dũ Lộc (phường Kỳ Trinh) ông Mai Ngợi, ông Mai Thuấn, ông Mai Hiệp ở giáo xứ Đông Yên (xã Kỳ Lợi); hàng năm có thu nhập từ 400 -  500 triệu đồng. Để vinh danh những điển hình người Công giáo tiêu biểu, tại Đại hội Ủy ban đoàn kết Công giáo thị xã Kỳ Anh lần thứ II, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Chủ tịch UBND thị xã đã trao Bằng khen cho 10 giáo dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2017 - 2022.

Kết quả các phong trào thi đua yêu nước và những việc làm cụ thể là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó của bà con giáo dân ở thị xã Kỳ Anh. Từ các phong trào này đã góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đồng bào phấn khởi, yên tâm và chu toàn trách nhiệm công dân, khối đại kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường. Nông thôn mới, đô thị văn minh đã và đang bừng lên sức sống mới ở thị xã Kỳ Anh. Bà con lương - giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới đủ đầy hơn, góp phần xây dựng thị xã Kỳ Anh sớm trở thành thành phố trong tương lai không xa./.

Chu Thanh Hoài, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác