Thứ Hai, 20/5/2024
Chuyện ghi trên những con đường

Sức dân

Còn nhớ những năm cuối của thế kỷ 20, đi từ thành phố Hà Giang lên huyện Mèo Vạc bằng xe ca, chỉ gần 170 km, phải mất một ngày đẫy, nay chỉ nửa ngày là tới nơi. Lý do duy nhất ai cũng có thể nhận biết được, đó là quốc lộ 4C đã được nhựa hoá.

Nếu nói trong những năm qua, việc làm giao thông ở tỉnh Hà Giang là một kỳ tích, thì huyện Mèo Vạc phải được kể đến. Các tuyến giao thông ở huyện Mèo Vạc phần lớn được mở trên núi đá, nghĩa là công sức phải bỏ ra rất lớn. Chỉ tính riêng 5 năm cuối của thế kỷ 20, toàn huyện đã huy động được gần 1,6 triệu ngày công lao động, để đào, đắp với khối lượng đất đá hơn 1,5 triệu mét khối, góp phần mở thêm được 5 tuyến đường ô tô tới trung tâm xã, với tổng chiều dài gần 60 km, đường dân sinh thôn bản 53 km, đồng thời duy tu, bảo dưỡng được 80 km đường các loại. Điển hình hơn, trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện Mèo Vạc đã huy động được trên 3.370 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 1.600 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 1.770 tỷ đồng, nhờ đó đã có 126 công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Riêng lĩnh vực giao thông, 100% tuyến đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã đã được cứng hoá, xe cơ giới đã đến được 76% số thôn bản.


 Trung tâm huyện Mèo Vạc - Hà Giang

Nét đẹp ở huyện Mèo Vạc là trên mỗi công trường làm đường, nhân dân đều nô nức phấn khởi đấy nhanh tiến độ thi công, lao động không biết mệt mỏi, những đêm sáng trăng nhân dân cũng rủ nhau đi làm. Tôi đã có dịp hỏi chuyện một số bà con nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây, và được biết họ rất phấn khởi, vì những công trình đó đã phục vụ lợi ích cho chính bà con. Có những công việc, bà con không phải để cho cán bộ vận động, nhắc nhở nhiều, mà đề nghị đi ngay vào bàn bạc các biện pháp làm thế nào cho nhanh, cho đẹp và đạt chất lượng cao. Các đồng chí lãnh đạo của huyện Mèo Vạc cũng cho hay: Các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh đến cho huyện với số vốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm, kết hợp với sự phát huy nội lực của huyện, sự đóng góp nhiệt tình của bà con các dân tộc trong huyện, đó là một trong những cơ hội tốt để huyện Mèo Vạc thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu.

Chuyện gặp trong ngày lễ thông xe

Câu chuyện dưới đây xảy ra tại buổi lễ thông xe tuyến đường Luông - Bạch Ngọc thuộc huyện Vị Xuyên. Ngày hôm ấy, chúng tôi tới trụ sở Ủy ban nhân dân xã Bạch Ngọc đã thấy đông nghịt người già, trẻ, gái, trai. Họ đến từ sáng sớm, có người đã đi bộ cả vài tiếng đồng hồ, mang theo cả cơm nắm và nước uống để được tận mắt chứng kiến buổi lễ thông xe.

Trong sự náo nức phấn khởi đó, tình cờ tôi gặp một cô gái đứng ở phía cuối đoàn xe, đang sụt sịt khóc. Cô tên là Giàng Thị Máy, người dân tộc Mông ở bản Phai.

Tôi hỏi: - Ơ kìa, sao Máy lại khóc ?

Máy không trả lời. Nhưng tôi đoán là cô khóc vì thực sự xúc động. Một lúc sau, Máy kể: Cô năm ấy 22 tuổi. Cách đó gần hai năm, cô có yêu một người cùng bản, tên là Tường. Tình yêu chân thật, nhưng gia đình không cho lấy. Ý của bố mẹ Máy là muốn chuyển đến một địa phương khác để sinh sống. Đến đó rồi lấy chồng ở đó. Chứ lấy chồng ở bản làng, bám mãi với mảnh đất heo hút này, đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh đói nghèo, thiếu thốn. Trồng được ít lạc, có khi công gồng gánh đi bán còn vất vả hơn gấp nhiều lần so với công trồng và chăm sóc. Nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng vậy, giá thành sẽ cao hơn nhiều nếu tính cả công đi mua từ dưới xuôi lên. Cũng đã có lúc Máy suy nghĩ như bố mẹ, nhưng người yêu của cô không bằng lòng và bảo: Nếu ai cũng bỏ làng bỏ bản ra đi, không góp công góp sức xây dựng quê hương, thì đến khi nào mảnh đất này mới hết khó khăn, vất vả.

Thế rồi, tuyển đường Luông - Bạch Ngọc chính thức được khởi công. Bà con trong xã ai cũng vui như ngày hội. Cũng may gia đình Máy kịp nhận ra ý nghĩ không đúng của mình, đã ở lại cùng với mọi người tham gia cắt núi, mở đường để có được ngày vui như thế này.../.

Đăng Bút

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất