Thứ Hai, 20/5/2024
Tình huống và xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số

Tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS là sự việc thuộc phạm vi công tác vận động đồng bào DTTS nhưng có tính bất thường, chứa đựng xung đột, mâu thuẫn phức tạp, khó giải quyết, đòi hỏi cấp thiết phải được đặc biệt quan tâm xem xét giải quyết.

Tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS liên quan đến nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS có nhiều mức độ, nhiều loại, như: tình huống mới phát sinh, tình huống phức tạp; tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS làm kinh tế; tình huống công tác vận động đồng bào DTTS phát triển văn hóa; tình huống công tác vận động đồng bào DTTS tham gia phát triển lĩnh vực xã hội; tình huống công tác vận động đồng bào DTTS giữ an ninh, trật tự...


 Bộ đội Biên phòng Lai Châu hướng dẫn đồng bào dân tộc Mảng
ở xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước.

1. Đặc điểm của tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS

- Tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS thường xuất hiện do các hoạt động lôi kéo, giành giật quần chúng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các phần tử xấu, các thế lực thù địch.

Trong giai đoạn hiện nay, thế lực thù địch đang tăng cường phá hoại Đảng, hệ thống chính trị, phá hoại công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Một trong những trọng tâm được chúng rất chú ý là lôi kéo giành giật quần chúng đối với Đảng, hòng tập hợp quần chúng để chống lại các chủ truơng, chính sách của Đảng và Nhà nước, cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó. Chúng thường vu khống, xuyên tạc, tung tin thất thiêt, lợi dụng các thiếu sót trong thực hiện chính sách của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên để tập hợp những quần chúng quá khích và lôi kéo những đó người gây áp lực đối với cấp ủy, chính quyền. Ở nhiều nơi vùng DTTS và miền núi tình huống công tác dân vận của Đảng thường xảy ra khi bọn xấu lợi dụng những người có uy tín ở địa phương để tập hợp quần chúng phản đối, chống lại sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền. Bọn chúng lợi dụng tự do tín ngưỡng và những sai sót trong quản lý hoạt động này để chống lại sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền dẫn tới các tình huống công tác dân vận của Đảng.

- Đối tượng vận động trong xử lý tình huống công tác vận động đồng bào DTTS chủ yếu là đồng bào DTTS, có phong tục tập quán đặc thù, một bộ phận khá đông hạn chế về trình độ nhận thức.

Mỗi DTTS đều có những phong tục tập quán đặc thù, nhiều khi rất chặt chẽ, nghiêm cẩn, nếu người ngoài không tôn trọng, tuân thủ sẽ không được chấp nhận. Do đó, khi xử lý tình huống công tác vận động đồng bào DTTS phải đặc biệt chú trọng tìm hiểu, nắm chắc các phong tục tập quán của đồng bào. Tuy nhiều DTTS hiện nay có trình độ phát triển khá cao, nhưng nhìn chung trình độ nhiều mặt của đồng bào DTTS còn hạn chế, nhất là trình độ nhận thức, do đó, một mặt, đồng bào có cách suy nghĩ đơn giản, trong sáng nhưng mặt khác lại khó tiếp thu lý luận, khoa học kỹ thuật, dễ bị lừa phỉnh, lợi dụng. Khi xử lý tình huống công tác vận động đồng bào DTTS phải chú ý tìm hiểu, đồng cảm với đồng bào, có cách nói viết giản tiện, dễ hiểu với đồng bào; đồng thời phải giáo dục nâng cao cảnh giác để đồng bào không bị các phần tử xấu lừa phỉnh.

- Địa bàn tiến hành xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS phần nhiều là vùng sâu, vùng xa, vùng núi, rừng; kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng có nhiều khó khăn. 

Đây là điểm khó khăn đối với việc xử lý tình huống công tác vận động đồng bào DTTS. Để tiến hành tốt công tác này cần tính toán kỹ các khó khăn, trở ngại, từ đó chuẩn bị lựa chọn con người thích hợp, chuẩn bị bố trí lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật đầy đủ, tránh chủ quan dẫn đến bị động.

- Tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS thường gắn với yếu tố tôn giáo, nhạy cảm, được các thế lực thù địch đặc biệt chú ý lợi dụng.

Một mặt, do trình độ phát triển chưa cao, đồng bào DTTS chịu tác động, chi phối rất mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng, dễ bị mê tín, dị doan. Mặt khác, các thế lực thù địch bên ngoài đang ráo riết thực hiện ý đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, truyền đạo vào đồng bào DTTS để nắm dân tộc, tạo lực lượng đối lập với chính quyền, gây mất ổn định tình hình bên trong của ta. Chúng tìm cách kích động đồng bào DTTS gây rối hoặc khi có sự việc phức tạp thì ngay lập tức tìm cách tiếp cận, bóp méo, lợi dụng. Do đó, vừa qua cho thấy, các tình huống công tác vận động đồng bào DTTS diễn biến phức tạp đều có yếu tố tôn giáo, yếu tố bên ngoài. Khi xử lý tình huống công tác vận động đồng bào DTTS phải luôn chú ý xử lý vấn đề tôn giáo, ngăn chặn sự lợi dụng của các thế lực thù địch bên ngoài.

2. Căn cứ, yêu cầu và những chú ý khi xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS

* Căn cứ xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS

Khi xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS cần chú ý các căn cứ sau:

- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

- Các luật và các quy định của Nhà nước về vấn đề dân tộc và có liên quan.

- Tình hình, đặc điểm của tình huống.

-  Kinh nghiệm thực tiễn và tiền lệ.

* Yêu cầu cơ bản khi xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS

- Một là, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS, đó là: (1) Xử lý tình huống trong trong công tác vận động đồng bào DTTS phải trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc và có liên quan. (2) Xử lý tình huống trong trong công tác vận động đồng bào DTTS phải trên cơ sở xem xét toàn diện, cụ thể từng tình huống, vận dụng linh hoạt các quy định, sáng tạo về giải pháp. (3) Xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị các cấp là lực lượng quyết định, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nòng cốt là ban dân vận của cấp ủy và các đoàn thể nhân dân. (4) Xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS phải khẩn trương, kịp thời nhưng cần thận trọng.

- Hai là, nắm chắc và thực hiện tốt quy trình xử lý tình huống. Quy trình xử lý tình huống thường trải qua 4 bước: nắm tình hình, nhận diện và phân loại tình huống; phân tích tình huống và xác định nguyên nhân; xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phân công cán bộ xử lý tình huống và kết thúc xử lý tình huống. Mỗi bước trong quy trình đều có những nội dung cần tuân thủ, tuy nhiên, việc xử lý mỗi tình huống đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc để phù hợp với tình hình, điều kiện và diễn biến của tình huống trong thực tế.

- Ba là, vận dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng xử lý tình huống. Kỹ năng xử lý tình huống là một hệ thống, bao gồm rất nhiều các kỹ năng bộ phận: (1) Kỹ năng nhận thức vấn đề đặt ra yêu cầu nhận dạng vấn đề cần phải giải quyết và xác định được các mục tiêu cần đạt khi giải quyết tình huống. (2) Kỹ năng xác định rõ vấn đề và biểu đạt vấn đề cần giải quyết yêu cầu cán bộ phải xác định các nguồn thông tin cần thu thập; phân tích mâu thuẫn chứa đựng trong tình huống; phân tích nguyên nhân dẫn đến tình huống; biểu đạt vấn đề cần giải quyết. (3) Kỹ năng đề ra các phương án xử lý tình huống là khả năng tìm ra được các ý tưởng khác nhau có thể đưa đến giải quyết tình huống. (4) Kỹ năng lựa chọn phương án tối ưu để xử lý tình huống là khả năng phân tích các ưu điểm và nhược điểm của từng phương án trên cơ sở đã xác định rõ vấn đề, so sánh các phương án với mục tiêu đặt ra để suy xét lựa chọn phương án tối ưu, có hiệu lực, hiệu quả, khả thi nhất, đáp ứng nhất với mục tiêu của việc giải quyết tình huống. (5) Kỹ năng tổ chức thực hiện phương án đã lựa chọn yêu cầu người cán bộ xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với các điều kiện khách quan và chủ quan của tình huống, nhằm thực hiện từng mục tiêu cụ thể đã vạch ra. (6) Kỹ năng kiểm tra đánh giá: căn cứ vào mục tiêu đã vạch ra, người cán bộ xác định các tiêu chí nhằm kiểm tra, đánh giá việc xử lý tình huống.

* Những chú ý khi xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS

Từ đặc điểm tình huống công tác vận động đồng bào DTTS và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khi xử lý tình huống trong công tác vận động đồng bào DTTS phải chú ý:

- Nắm vững và thực hiện đúng chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

- Nắm vững và tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, đồng thời chú ý khai thác mặt tích cực để nâng cao hiệu quả vận động. 

-  Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phải dễ hiểu, phù hợp trình độ, tâm lý của đồng bào. Coi trọng nói đi đôi với làm, giữ đúng lời hứa, nêu gương, làm mẫu, người thực, việc thực.

-  Phân biệt quần chúng không hiểu biết, bị lợi dụng với phần tử xấu.

-  Coi trọng biện pháp kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao nhận thức, đời sống cho đồng bào trong quá trình xử lý tình huống công tác vận động đồng bào DTTS.

- Tranh thủ phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động đồng bào.

- Coi trọng công tác nghiệp vụ của lực lượng chức năng, ngăn chặn sự lợi dụng của các thế lực thù địch./.

H.V

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất