Thứ Năm, 23/1/2025
Công tác dân vận tham gia xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông

 Đồng bào DTTS tỉnh Đắk Nông tích cực tham gia hoạt động
giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc 

Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Nông luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, luôn song hành với việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các DTTS tại chỗ giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu và đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022 là xây dựng Đề án “Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông”.

Để giữ vững, duy trì và phát triển thành quả trên, Tỉnh ủy Đắk Nông đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận trong việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bon, người có uy tín, các nghệ nhân trong đồng bào DTTS, bởi chính họ là người giữ lại những cốt lõi trong giá trị truyền thống của dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội...

Loại hình nghệ thuật nổi bật và độc đáo nhất của Đắk Nông chính là nghệ thuật cồng chiêng, thường được diễn ra vào các dịp lễ hội. Nghệ thuật cồng chiêng hiện đã được tỉnh Đắk Nông đưa vào một số trường học để bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, Sử thi (Ót Ndrong) và Dân ca của dân tộc Mnông đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt là 44 điểm di sản gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông chính là cơ sở để Đắk Nông có những kế hoạch dài hơi cho mục tiêu Chiến lược phát triển ngành du lịch Đắk Nông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các di tích văn hóa, lịch sử đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần vào việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên, sinh viên, học sinh và nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép tại các điểm di tích như: Phát động các phong trào thi đua, tổ chức lễ tưởng niệm, họp mặt truyền thống… Ngoài ra, hàng năm Bảo tàng Đắk Nông tổ chức nhiều đợt trưng bày, giới thiệu nhiều bộ sưu tập tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý hiếm… vừa phục vụ nhu cầu giáo dục về lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng, về đất nước con người Việt Nam, về tiềm năng triển vọng Đắk Nông, vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách tham quan du lịch.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện nhiều dự án về văn hóa phi vật thể, bảo tồn và đã khôi phục được gần 50 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ. Các lễ hội được tổ chức như: Lễ mừng lúa mới, lễ kết nghĩa, lễ cưới của người Mnông, lễ cúng mừng sức khỏe, lễ Phát Rẫy (Wer mprang Bri), lễ Sum họp cộng đồng (Rnglăp bon), lễ mừng công, lễ Tách Năng Yoh, lễ rước Kpan, lễ vào nhà mới… của 03 dân tộc Mnông, Mạ, Êđê.

Giá trị văn hóa truyền thống tỉnh Đăk Nông là của đồng bào các DTTS và được phân bố rải rác khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó có khoảng 823 nghệ nhân còn sử dụng được cồng chiêng, 261 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca, 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ, 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống, 652 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 39 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống… Đây sẽ là cơ sở để tỉnh xây dựng hồ sơ xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, từ đó có thể xây dựng một số chính sách hoặc chế độ đãi ngộ nhằm động viên, khuyến khích và tôn vinh các nghệ nhân.

Tỉnh đã sưu tầm xuất bản sách tục ngữ Việt - Mnông; kinh nghiệm dân gian trong sử thi Mnông; xây dựng được 01 DVD giới thiệu về âm nhạc dân gian của 03 dân tộc Mnông, Mạ, Ê đê và giới thiệu được các bước truyền dạy chi tiết 06 bài chiêng có nguy cơ bị thất truyền. Các tài liệu trên rất bổ ích cho việc phục vụ nghiên cứu khoa học và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, quảng bá các giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa đến với các nhà nghiên cứu, với bạn bè, du khách trong và ngoài nước; tạo ra trong quần chúng có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, từ đó tự giác tham gia, làm cho những giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình không mất đi mà ngày càng phát triển trong xã hội đương đại.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự tham gia của các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự cố gắng và nhiệt huyết của nhân dân, nhất là các nghệ nhân, công tác tổ chức các lớp tập huấn cũng được chú trọng triển khai có hiệu quả. Cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân tấu chiêng, lớp dệt thổ cẩm, lớp dân ca, lớp đan lát làm cây nêu, lớp tập huấn - giới thiệu di sản văn hóa, lớp tập huấn về công tác bảo tồn nghi lễ, lễ hội truyền thống cho đối tượng già làng, trưởng bon và các nghệ nhân tiêu biểu; thành lập các đội văn nghệ dân gian; tổ chức các “Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc”…

Tỉnh Đắk Nông có hơn 212.650 người DTTS, chiếm tỷ lệ 31% dân số toàn tỉnh; trong đó có 03 DTTS tại chỗ (Mnông, Mạ, Ê Đê) với hơn 69.750 người, chiếm tỷ lệ 32,8% đồng bào DTTS của tỉnh. Đồng bào các DTTS chủ yếu sinh sống ở nông thôn, vùng sâu; sống tập trung theo buôn, bon, bản.

Cũng nhờ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực mà công tác tuyên truyền, vận động đã thẩm thấu được đến mọi người dân. Nhờ  đó, công tác xã hội hóa trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhất là công tác xây dựng cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại Đắk Nông những năm gần đây có bước phát triển mạnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và và phát triển sự nghiệp văn hóa - văn nghệ, hiến đất làm nhà văn hóa, đóng góp ngày công lao động, đóng góp của cải vật chất làm nhà văn hóa ở thôn, bon; dịch vụ kinh doanh văn hóa như karaoke, điểm vui chơi giải trí và thành lập các tổ hợp tác xã dệt thổ cẩm, làm rượu cần… được xã hội hóa đến mọi địa phương. 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh nhằm khơi gợi, tập hợp, đoàn kết nhân dân tham gia xây dựng quê hương… Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nề nếp, ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền, gia đình ấm no hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch cũng được thường xuyên đẩy mạnh, trong đó ưu tiên công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Các hoạt động đó đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào các DTTS trong toàn tỉnh, góp phần giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh bạn và quốc tế.

Hiện tại, các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS tỉnh Đắk Nông đã được bảo vệ và phát huy, phát triển, nhưng vị trí trong đời sống sinh hoạt của nó đã có sự thay đổi. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS trên địa bàn, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, cần có sự quan tâm đầu tư của Trung ương; sự giúp đỡ, hợp tác của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong tỉnh cũng như quảng bá ra bên ngoài để thu hút đầu tư cũng như thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Đắk Nông, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

Hà Thị Hạnh - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông

 

Gửi cho bạn bè