Thứ Hai, 20/5/2024
Phát huy vai trò của người có uy tín trong việc giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới tỉnh Điện Biên

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Bủng, BĐBP Điện Biên phối hợp
với lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống đoàn kết và tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành Trung ương về công tác dân tộc.

Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm, chưa đồng bộ. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,90% (trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 44,95% tổng số hộ DTTS). Trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, còn nhiều hủ tục, nhất là vùng cao, biên giới; tình hình thời tiết diễn biến khó lường. Tình hình di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp… Vì vậy, công tác dân tộc được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với việc giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới. Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 về việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương với quy trình đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, công tác tổ chức bình xét và ra quyết định công nhận người có uy tín trong đồng bào DTTS qua các năm trên địa bàn tỉnh được chính quyền quan tâm sâu sát. Số lượng người uy tín được bình bầu tăng theo hàng năm. Cùng với việc bình xét, công nhận người có uy tín, việc triển khai thực hiện các chính sách đối với người có uy tín cũng được quan tâm kịp thời.

Trong 03 năm 2020 - 2022, tuy số người có uy tín giảm do sát nhập các thôn, bản nhưng bằng uy tín của mình, người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ và quần chúng nhân dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương; tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế - xã hội; vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục, gắn với thực hiện các phong trào ở địa phương như: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn, bản; tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội… góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở.

Đồng thời, người có uy tín vận động nhân dân cùng tham gia với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn, bản theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải như: “Xây dụng thôn, bản, trường học an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm, không có ma túy”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ hòa giải”, Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ tuần tra nhân dân”... Điển hình như ông Lò Văn Thi, dân tộc Lào, bản Lói, xã Mường Lói, huyện Điện Biên; ông Ly Cháy Mua, dân tộc Mông, bản Hua Thanh, xã Na 2, huyện Điện Biên; ông Hù Chà Thái, dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé...

Người có uy tín tích cực tham gia góp ý với cán bộ, đảng viên, với chi bộ, chi đoàn, chi hội các đoàn thể trong cuộc họp thôn, bản và sinh hoạt đoàn thể; giám sát chính quyền xã trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vận động nhân dân tích cực đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các phần tử lợi dụng dân chủ, có hành vi gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Hướng dẫn cho nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới về biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ở khu vực biên giới, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.

Người có uy tín luôn đi đầu, gương mẫu chấp hành pháp luật, áp dụng các mô hình kinh tế có hiệu quả; biết hướng dẫn và giúp đỡ các hộ gia đình khác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, loại bỏ các hủ tục, tích cực cùng người dân tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động vượt biên trái phép, bảo đảm an ninh trật tự đường biên, cột mốc tại khu vực biên giới.

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2021, tỉnh Điện Biên đã bình chọn, xét công nhận tổng số 14.373 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Riêng năm 2022, UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt công nhận 1.246 người có uy tín thuộc 16/19 dân tộc, gồm nhiều thành phần khác như: già làng; trưởng dòng họ; trưởng thôn, bản; cán bộ nghỉ hưu; chức sắc tôn giáo; thầy mo, thầy cúng, thầy lang; nhà giáo, thầy thuốc; người sản xuất kinh doanh giỏi...

Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - kế hoạch hóa gia đình, người uy tín thực hiện việc tuyên truyền, vận động, khuyên bảo các gia đình khi có người ốm đau, bệnh tật thì đưa đến Trạm y tế, bệnh viện để khám chữa bệnh, không thực hiện cúng bái, mê tín, dị đoan; vận động con cháu không sinh con thứ ba. Người có uy tín tiếp tục là người đi đầu và khuyến khích người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau bằng các hoạt động như: Gây quỹ, quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, người nghèo, hướng tới xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh.

Thiết nghĩ, để người có uy tín tại các thôn, bản phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại khu vực biên giới trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Công an, Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc, các Ban Dân vận, Dân tộc, Tôn giáo, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ làm nòng cốt. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị tại địa phương.

Hai là, cần nhận thức rõ ràng hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo; đánh tan mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng “vấn đề dân tộc” để chống Đảng, Nhà nước ta, nhất là địa bàn khu vực biên giới trọng điểm.

Ba là, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết những vấn đề nổi lên ở cơ sở. Quá trình vận động người có uy tín phải biết gắn với việc bảo vệ và nâng cao uy tín cho họ; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ cả về vật chất và tinh thần thông qua các chính sách mà Nhà nước đã ban hành; đáp ứng nhu cầu chính đáng của đồng bào các DTTS nói chung và người có uy tín nói riêng, để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng và gắn bó người có uy tín với Đảng và chính quyền các cấp. Tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia nhiều hơn vào việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn khu vực biên giới.

Bốn là, phát huy vai trò những người có uy tín trong đồng bào các DTTS phải gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở. Qua đó, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng cán bộ cơ sở. Ngoài ra, cần có cơ chế, các chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút cán bộ công tác ổn định, lâu dài, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Năm là, hằng năm tổ chức tốt công tác thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về biên phòng, đặc biệt là quán triệt, đẩy mạnh triển khai việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức tổ chức. Cần chú ý có chế độ phân bố hợp lý để người có uy tín nằm trong tổ hòa giải tại mỗi xã, thôn, bản. Ngoài ra, tiến hành việc bình xét khen thưởng ở các cấp trong tổng kết cuối năm để vinh danh những người có uy tín có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ...

Có thể khẳng định người có uy tín có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của đời sống xã hội, nhất là vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Việc phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào DTTS của tỉnh Điện Biên ở khu vực các xã biên giới là một trong những ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ổn định, vững mạnh, hướng tới xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc./.

Lò Xuân Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất