Thứ Năm, 23/1/2025
Công tác dân vận tham gia thúc đẩy bình đẳng giới ở các tỉnh miền núi Tây Bắc

 Phụ nữ DTTS ngày càng tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động xã hội

Cụ thể là: Hiến pháp năm 1946, tại Điều 9 đã quy định “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; Hiến pháp năm 1959, tại Chương 3, Điều 24 đã quy định “Phụ nữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”; Hiến pháp năm 1980, tại Điều 63 quy định “Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”; Hiến pháp năm 1992, tại Điều 63 quy định “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; Hiến pháp năm 2013, tại Điều 26 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.  Luật Bình đẳng giới 2006 quy định 44 điều được chia thành 6 chương với mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Như vậy, việc bình đẳng giới đã được quy định đầy đủ trong hiến pháp và luật để đảm bảo quyền lợi cơ bản của người dân khi sinh ra và lớn lên đều được hưởng quyền lợi như nhau trên những thành tựu phát triển chung của đất nước.

Mặc dù các chủ trương, chính sách, pháp luật đã được triển khai và đem lại những kết quả nhất định khi phụ nữ ngày càng có tiếng nói, có vị thế trong xã hội. Tuy nhiên, ở đâu đó bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và kìm hãm sự phát triển tốt nhất của xã hội. Trên thực tế, phụ nữ và các bé gái ở Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới trên một số lĩnh vực nhất định. Tình trạng này diễn ra nhiều ở những vùng kém phát triển hay đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhất là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại nhiều ở vùng DTTS và miền núi - nơi mà phụ nữ bị hạn chế về tiếng nói, về quyền hành, về cơ hội học tập và phát triển. Chính sách giáo dục Việt Nam đã góp phần mang lại cơ hội đến trường cho người dân, song khoảng cách giới trong giáo dục của nhóm DTTS vẫn còn tồn tại. Các em gái DTTS là nhóm có khả năng tiếp cận giáo dục thấp nhất. Các em gái DTTS có tỷ lệ nhập học thấp hơn nhiều và ít có khả năng học lên trung học phổ thông, cao đẳng và đại học hơn so với các em trai. 

Còn về cơ hội việc làm, kết quả điều tra 53 DTTS cho thấy, lao động nam có việc làm chiếm 52% so với 48% của nữ. Mặc dù các giá trị xã hội đã có thay đổi ít nhiều theo hướng tích cực hơn nhưng thực trạng bất bình đẳng giới trong cộng đồng DTTS vẫn còn hiện hữu trong bối cảnh hiện nay. Chính điều này đã chi phối khuôn mẫu hành vi của cả phụ nữ và nam giới. Phụ nữ DTTS vẫn còn thái độ cam chịu, chấp nhận, thậm chí tự ti; trong khi đó, nam giới DTTS vẫn cho rằng, họ có được cái quyền sở hữu “vợ”, kiểm soát “vợ”. Vì thế, phụ nữ DTTS càng có nguy cơ bị bạo lực gia đình và đe dọa đến vấn đề an ninh con người trong cộng đồng DTTS. Bất bình đẳng giới tại vùng đồng bào DTTS đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và dai dẳng đến các vấn đề kinh tế - xã hội. Phụ nữ DTTS là đối tượng dễ bị tổn thương và vùng DTTS là vùng có những đặc thù riêng với mức độ, tính chất, nguyên nhân của bất bình đẳng giới khác biệt so với các vùng khác xuất phát từ những đặc thù về kinh tế - văn hóa - xã hội, tập quán, bao gồm cả rào cản về ngôn ngữ.

Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Đây là nơi tập trung đông đồng bào các DTTS sinh sống như dân tộc Thái, Giáy, Lào, Lự, Mảng, Tày, Nùng, Kháng, Khơ Mú, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La, Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao, Phù Lá, Xinh Mun, La Ha... Mỗi dân tộc đều có truyền thống, bản sắc văn hóa riêng và cùng góp phần làm phong phú cho văn hóa các dân tộc. Đây là các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và dịch vụ.

Vùng Tây Bắc trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện với nhiều chính sách, đề án đầu tư, phát triển; dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương đã đoàn kết nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương ngày càng phát triển ổn định. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập, tồn tại. Một số DTTS có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã kết hôn như: Lự (84,2%), Xinh Mun (83,9%), La Chí (83,6%), Mông (83,1%). Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 51,5% dân số kết hôn trước tuổi quy định, tiếp đến là dân tộc Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%). Chỉ có 1,1% người DTTS tảo hôn có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở những người không tảo hôn cao gấp gần 18 lần (18,8%); 31/53 DTTS có tình trạng 100% số người tảo hôn không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%, năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như: La Chí, Lô Lô, La Ha. Tỷ lệ biết đọc viết chữ phổ thông còn khá thấp ở nhiều DTTS, trong đó thấp nhất là các dân tộc Mảng (46,2%), La Hủ (46,9%), Lự (49,7%), Mông (54,3%). Các dân tộc La Hủ, Xinh Mun, Xtiêng, Brâu, Ba Na có tỷ lệ lao động có việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao nhất với khoảng 98% và vấn đề bạo lực gia đình ở vùng DTTS vẫn thường xuyên xảy ra.

Với thực trạng vùng DTTS như vậy, để tạo sự chuyển biến thực chất về bình đẳng giới, thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của hiến pháp, luật, chiến lược quốc gia bình đẳng giới ở vùng DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan trong hệ thống chính trị phải phối hợp làm tốt công tác dân vận để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các chính sách nhằm nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật cho đồng bào DTTS từ đó góp phần giảm thiểu các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS trong đó có tình trạng tảo hôn.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực tham gia, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động vào cuộc của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tập trung cao độ vào công tác chỉ đạo điều hành, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đưa các chính sách bình đẳng giới vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ phụ nữ khi bị bạo lực gia đình.

Hệ thống Dân vận đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận nói chung, công tác dân tộc và thực hiện chính sách bình đẳng giới nói riêng. Qua đó đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của cả hệ thống chính trị, cùng các tổ chức, các lực lượng trong xã hội, tạo sự lan tỏa, đồng thuận của xã hội, của nhân dân và phụ nữ DTTS trong việc thực hiện nâng cao nhận thức và đẩy mạnh vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình.

Hệ thống Dân vận các cấp đã tích cực phối hợp, tham mưu, quán triệt, cụ thể hóa triển khai, thực hiện tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng và thực hiện chính sách bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ để các chính sách được thực tiễn hóa trong cuộc sống nhằm bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Ban Dân vận cấp ủy các tỉnh có đông đồng bào DTTS, miền núi đã thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát, phản biện việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tới các tất cả các đối tượng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; phối hợp cùng với truyền thông, vận động xã hội góp phần nâng cao nhận thức của mọi người dân ở cộng đồng về giới và bình đẳng giới. Tập trung thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho gia đình người DTTS về xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác dân vận, công tác dân tộc gắn với đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS, nhất là các tỉnh miền núi Tây Bắc, theo chúng tôi, cơ quan làm công tác dân vận và các ban, ngành cần phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tích cực quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Chú trọng nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới thông qua thực hiện các chương trình truyền thông và chương trình giảng dạy giáo dục có liên quan đến định kiến giới.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và sự đại diện của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý được thực hiện ở các cấp, các ngành.

Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới, đặc biệt các chính sách liên quan đến cơ hội tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của phụ nữ, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn của phụ nữ, góp phần nâng cao địa vị của họ trong gia đình và ngoài xã hội.

Thứ tư, ưu tiên đào tạo, nâng cao năng lực cho lao động nữ để phụ nữ được bình đẳng về cơ hội việc làm. Nghiên cứu thực hiện quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng để biện pháp nhanh chóng bảo đảm cơ hội việc làm bình đẳng cho nam hoặc nữ, góp phần rút ngắn khoảng cách giới. Tạo cơ hội cho phụ nữ DTTS tiếp cận các dịch vụ lao động, việc làm và các nguồn vốn sản xuất để họ có cơ hội có thu nhập để nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro.

Thứ năm, định kỳ sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm, chú trọng giám sát, kiểm tra việc thực hiện và tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong thực hiện bình đẳng giới./.

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc

Gửi cho bạn bè

Các tin khác