Thứ Năm, 23/1/2025
Đảm bảo an ninh dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay

 Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai
trao đổi với đồng bào dân tộc về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn

Hiện nay, Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 46,23%. Bahnar và Jrai có số dân đông nhất trong các đồng bào DTTS của tỉnh (Jrai chiếm 30,37% dân số; Bahar chiếm 12,51% dân số); các dân tộc khác như Thái, Nùng, Tày, Êđê, Xơ Đăng, Mông, Dao… chiếm 3,35% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, ngoài các chủ trương, chính sách của Trung ương đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành và triển khai nhiều chính sách đặc thù của tỉnh nhằm đảm bảo và giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng bào DTTS, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh quốc gia.

Thực hiện chiến lược công tác dân tộc từ năm 2015 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và quản lý của chính quyền các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường, đổi mới và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư thực hiện đồng bộ, có trọng điểm; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện và các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách khác tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện khá quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trong những năm qua luôn được duy trì ổn định, đồng bào DTTS chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Các ngành chức năng đã tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm an ninh chính trị, bảo vệ an toàn cho các sự kiện chính trị tại địa phương; kịp thời nắm bắt các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, vận động nhân dân đoàn kết đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, không để tình trạng mất an ninh trật tự.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách để đảm bảo an ninh dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo kết quả rà soát phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 203 thôn đặc biệt khó khăn và 43 xã khu vực III thuộc địa bàn xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Gia Lai có 04 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao ý thức tự lực, tự vươn lên trong đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận đồng bào vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động vươn lên, chưa hiểu rõ mục đích và nội dung chính sách, nên một số nơi gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc còn chậm; tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Trong 3 năm qua, tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS trong vùng. Tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể dẫn đến bất ổn, các tổ chức phản động nổi lên là Fulro lưu vong tiếp tục tuyên truyền các hoạt động chống phá, tổ chức đưa người vượt biên giới, lợi dụng sơ hở của chính quyền kích động bà con khiếu kiện…

Trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh dân tộc trên địa bàn có đông đồng bào DTTS và còn nhiều khó khăn như tỉnh Gia Lai, theo chúng tôi, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát huy nội lực, vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại chỗ. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS. Triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tạo mọi điều kiện giúp đỡ đồng bào biết tự lực cánh sinh tạo sinh kế. Từ đó thu hẹp khoảng cách về mức sống cũng như thu nhập của đồng bào DTTS.

Thứ ba, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS. Xây dựng, thực hiện có hiệu quả chính sách giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng DTTS; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng DTTS gắn với di tích lịch sử ở từng địa phương tương xứng với các giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc. Khôi phục các nghề truyền thống kết hợp với du lịch cộng đồng, góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS. Bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị. Tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn vùng DTTS, nhất là nơi xung yếu về quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, người có uy tín trong các cộng đồng vùng đồng bào DTTS tham gia công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, chương trình, dự án theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm ngăn chặn âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thông qua diễn biến hòa bình, lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để lôi kéo, kích động đồng bào DTTS tham gia hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia./.

ThS. Lê Thị Thùy Dương, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

Gửi cho bạn bè

Các tin khác