Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.
|
Mô hình "Vườn an sinh" của Hội LHPN xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên
nhằm gây quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn |
Một trong những mô hình “Dân vận khéo” không thể không nhắc đến đó là gắn “Dân vận khéo” với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với những cách làm riêng, sáng tạo, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện tình hình của mỗi địa phương, nổi bật nhất là mô hình trồng hoa ven đường, bồn hoa ven nhà.
Trên thực tế, lúc đầu, các đơn vị cơ sở gặp không ít khó khăn nhưng để lan tỏa phong trào đến đông đảo hội viên, Hội đã trích quỹ mua giống hoa, phân bón, phát động Ban Chấp hành Hội LHPN xã/phường làm đường hoa mẫu trước, sau đó hướng dẫn, hỗ trợ các Chi hội làm theo. Phát động các gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ tự nhân giống hoa tại gia đình, vận động các hộ gia đình tự nguyện trồng và chăm sóc đường hoa trước cửa gia đình mình. Đến nay, đã có khoảng 50 cơ sở Hội trồng được hàng trăm km đường hoa, nhiều đường hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho đường làng, ngõ xóm.
Nếu có dịp đến xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa (Phú Yên), du khách sẽ vô cùng thích thú khi thấy hai bên đường tràn ngập sắc màu của những cánh hoa mười giờ đua nở. Ít ai ngờ rằng, chỉ 2-3 năm trước, ven những con đường ấy là những thảm cỏ hoang vương nhiều rác bẩn.
Hay như các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Hòa Phú, Hòa Quang Nam... ở huyện Tây Hòa - huyện đầu tiên của Phú Yên đạt chuẩn nông thôn mới, phong trào trồng hoa hai bên đường cũng được đông đảo các chi/tổ Hội phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình. Chị Lương Thị Bạch Huệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Hòa cho biết, mô hình trồng hoa ven đường, bồn hoa ven nhà là một trong những mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ban đầu chỉ có một vài cơ sở Hội tham gia nhưng đến nay, đã có 11/11 cơ sở Hội trong huyện triển khai và đã trồng được 34 km đường hoa, nhiều tuyến đường của các xã trở nên thoáng mát, tạo cảnh quan môi trường” xanh, sạch, đẹp.
Được biết, ở Tây Hòa, 100% Hội LHPN xã, thị trấn đều đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với các hoạt động như: Ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường của các xã, thị trấn; thành lập nhóm dọn vệ sinh các tuyến đường liên thôn; xây dựng các đoạn đường xanh sạch đẹp, các tổ phụ nữ thu gom rác thải; dựng các bảng chỉ dẫn tập kết rác để vận động cán bộ, hội viên phụ nữ giữ gìn vệ sinh môi trường không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch trên địa bàn, góp phần nâng chuẩn và giữ vững các tiêu chí của huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Bên cạnh đó, mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là thực hành tiết kiệm theo gương Bác cũng có sức lan tỏa lớn trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được triển khai rộng khắp như: “Hũ gạo tình thương”, “Cho đi là còn mãi”, “Quỹ tấm lòng vàng”, “Ba tiết kiệm”, “Quả dừa tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp em đến trường”, “Trái tim đồng cảm”, “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân nghèo”, chuyển giao vật dụng cũ, tiết kiệm giấy loại hay treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất tại gia đình... Đến nay, 100% cơ sở Hội đã xây dựng 763 mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Tiêu biểu là mô hình “Hũ gạo yêu thương” Khu phố Bắc Lý (thị trấn Củng Sơn) ,huyện Sơn Hòa; “Vườn an sinh xã hội giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” xã An Thạch, huyện Tuy An; Quả dừa tiết kiệm (thị xã Sông Cầu); Bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân nghèo (huyện Tây Hòa)...
Ngoài ra, các cấp Hội còn khéo léo vận dụng mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tập hợp thu hút hội viên đến với tổ chức Hội, với phương châm “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu cho hoạt động Hội” và “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”. Cụ thể, tỉnh Hội đã chỉ đạo mỗi cơ sở Hội phấn đấu có ít nhất 01 mô hình tập hợp thu hút hội viên phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương. Đến nay, đã có 100% cơ sở Hội triển khai thực hiện, nhiều mô hình tập hợp hội viên mang lại hiệu quả cao như: mô hình “3 được” (được thể hiện, được kiến thức, được biểu dương) xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân); mô hình thể dục nhịp điệu tạo sân chơi bổ ích cho hội viên xã An Nghiệp (huyện Tuy An); mô hình Kỷ niệm ngày chị sinh (huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Đông Hòa), mô hình kết nghĩa giữa chi hội người có đạo với chi Hội người không có đạo; kết nghĩa giữa chi Hội phụ nữ kinh với chi Hội phụ nữ dân tộc thiểu số (huyện Sơn Hòa)…
Chính nhờ “Dân vận khéo” trong công tác tập hợp thu hút hội viên mà chất lượng hoạt động Hội ở Phú Yên ngày càng được nâng lên; tỷ lệ cơ sở Hội xếp loại xuất sắc, vững mạnh, khá chiếm 95% - 99%; tổng số hội viên toàn tỉnh hàng năm đều nâng lên, hiện nay số hội viên lên đến 155.563 người, chiếm 67,74% số phụ nữ từ 18 tuổi đến già.
(phunuvietnam.vn)