Thứ Năm, 9/1/2025
Phú Thọ: Tạo hiệu ứng tích cực từ những mô hình "Dân vận khéo"
 
Nhiều mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ở Hạ Hòa
đem lại hiệu quả cao, được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng


Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu; các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch về công tác dân vận theo từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó phong trào thi đua “Dân vận khéo” được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, với vai trò chủ đạo, Ban Dân vận các cấp xây dựng kế hoạch, định hướng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị lựa chọn, xác định nội dung phù hợp để triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Tư tưởng chỉ đạo của xây dựng các mô hình là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận của toàn dân để tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản, thiết thực, hướng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Với phương châm “Thực tiễn sinh động - chủ trương sát hợp - biện pháp linh hoạt - nhân dân đồng thuận - biểu dương kịp thời - tổng kết nhân rộng”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có gần 3.800 mô hình “Dân vận khéo” ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình đã khơi dậy nội lực trong dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, ở từng ngành và từng lĩnh vực, củng cố  và nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng.

Trong phong trào xây dựng NTM, nhờ “khéo” huy động sức dân mà nhiều chương trình, dự án phục vụ dân sinh ở khắp các địa phương được triển khai xây dựng, qua đó xuất hiện nhiều mô hình với những cách làm hay, sáng tạo. Chúng tôi về Tam Nông - huyện có 9/19 xã đạt chuẩn NTM để tìm hiểu về công tác dân vận trong xây dựng NTM và được đồng chí Nguyễn Hồng Khanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trao đổi: Trong công tác dân vận hiện nay, việc gần dân, sát dân, trực tiếp lắng nghe ý kiến và bàn bạc với dân thì hiệu quả sẽ cao, bởi khi gặp gỡ, trao đổi có sự giao thoa tình cảm, thấu hiểu, sẻ chia thì sức thuyết phục sẽ lớn hơn rất nhiều. Muốn phát huy sức dân phải có chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, điều đó sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong dân. 

Thực tế cho thấy, tại xã Xuân Quang - một xã nghèo, kinh tế thuần nông, địa hình đường sá đi lại khó khăn nên bài toán thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới luôn là câu hỏi lớn đặt ra cho các cấp ủy, chính quyền nơi đây. Xác định hướng đi cho mình, xã quyết định việc phải làm ngay đó là giải quyết “bài toán” về giao thông. Mỗi con đường dù lớn hay nhỏ đều rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu. Xã quyết định chọn khu 1 làm điểm để nhân rộng. Nhằm thu hút, tạo sự đồng thuận, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư Nguyễn Văn Chang là người tiên phong hiến 80m2 đất nhà ở, phá dỡ hàng chục mét tường rào, cây cối, hoa màu để làm tuyến đường bê tông của khu với chiều dài gần 1km. Đồng chí Chang chia sẻ: Ngay khi có chủ trương, khu đã thành lập tổ vận động đến từng hộ để thuyết phục. Hộ nào dễ thì vận động trước, hộ khó vận động sau. Để nhận được sự đồng thuận trong dân thì những người “cầm cương, nảy mực” phải là tấm gương đi đầu. Khi đó, ông đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của những con đường mang lại. Chỉ trong vòng 15 ngày, toàn khu 1 đã hiến 2.900m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Một tín hiệu tích cực lan tỏa ra các khu, nhân dân đồng loạt hưởng ứng làm đường giao thông. Chỉ tính riêng trong năm 2019, xã đã có gần 100 hộ tham gia hiến gần 10.000m2 đất để làm 3 tuyến đường bê tông. 

Từ việc làm cụ thể, thiết thực của những người như đồng chí Chang mà những con đường “ý Đảng, lòng dân” ở Xuân Quang và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh được hình thành, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.

Cùng với đó, ở lĩnh vực kinh tế cũng xuất hiện ngày càng đa dạng các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình điển hình trong dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã,... đã thu hút ngày càng đông lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Chia sẻ về việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, đồng chí Trịnh Kiến Đoan - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hạ Hòa cho biết: Hạ Hòa luôn kết hợp đồng bộ giữa công tác vận động nhân dân với hoạt động quản lý, điều hành chính quyền để nhất thể hóa chủ trương của cấp ủy thành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; đồng thời, xây dựng, lựa chọn mô hình phù hợp  nhằm giải quyết hiệu quả nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Muốn mô hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, phải kết hợp hài hoà cả 3 lợi ích cá nhân, tập thể và Nhà nước.

Anh Nguyễn Văn Linh ở khu 6, xã Minh Hạc là một trong những điển hình dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc đưa vào trồng các loại cây như nguyệt quế Thái, cau vàng, cọ Pháp, trầu xẻ, bách hợp, ngâu, trúc đốm... cho hiệu quả kinh tế và tuyên truyền, vận động bà con trong vùng cùng đưa các loại cây này vào trồng. Từ sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Linh, đến nay, mô hình đã có 22 hộ tham gia trồng với 10 loại cây, trung bình mỗi hộ trồng từ 1-1,5 sào. Anh Linh cho biết: “Người dân trong xã quen canh tác cây truyền thống nên ngại thay đổi, ngại tiếp cận cái mới. Vậy nên, nếu chỉ dựa vào việc tuyên truyền, vận động thì không đủ, mà cần phải tạo sự thuyết phục bằng thực tế, nói đi đôi với làm để người dân tận mắt thấy hiệu quả kinh tế. Có như vậy mới thúc đẩy nhân rộng mô hình”. 

Không chỉ chú trọng xây dựng mô hình đầy tính thuyết phục trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, phong trào “Dân vận khéo” còn được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung xây dựng mô hình trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong xây dựng hệ thống chính trị, mô hình “Dân vận khéo” được gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, mô hình “Dân vận khéo” được gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ…Trong lực lượng vũ trang, mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng nhằm mục đích khơi dậy truyền thống yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn…

Nhìn chung, các mô hình đều được vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Những chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

(baophutho.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất