Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng; phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh Bắc Giang đã có những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời phát huy tốt vai trò lãnh đạo của các cấp ủy trong việc thực hiện công tác dân vận.
|
Cán bộ thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn tuyên truyền, vận động người dân
góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
|
Vận dụng nhiều phương pháp
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 1,8 triệu người, trong đó đồng bào DTTS có gần 260 nghìn người, chiếm hơn 14% số dân toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí, Dao. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được gần 6.400 mô hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó, các huyện miền núi gần 2.500 mô hình, riêng vùng đồng bào DTTS hơn 550 mô hình. Trao đổi về công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS của huyện Yên Thế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nông Văn Tâm chia sẻ: “Không ai nghĩ rằng nhiều xã khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống như ở Yên Thế lại huy động được sức dân lớn để làm đường giao thông nông thôn (GTNT) nhanh và nhiều như thế. Nếu như dân vận không khéo khó có được thành công như hôm nay”.
Huyện ủy Yên Thế thành lập tổ dân vận do Trưởng ban Dân vận làm Tổ trưởng, các thành viên gồm một số ban, ngành liên quan. Tổ có nhiệm vụ phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, giám sát tiến độ. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, chi ủy, đảng viên các chi bộ đến từng hộ vận động hiến đất, giúp đỡ ngày công; gia đình có đảng viên gương mẫu làm trước để các hộ khác làm theo. Xã Xuân Lương có chín trong số 14 thôn diện đặc biệt khó khăn. Cuối năm 2018, UBND xã chỉ dám đăng ký thực hiện 10 km nhưng đến nay đã làm được 33 km, hàng chục gia đình hiến hàng nghìn mét đất ở, đất canh tác để làm đường. Bí thư Chi bộ bản Tam Kha Nông Minh Hiên là người tích cực, đi đầu trong phong trào. Gia đình ông tình nguyện hiến gần 500 m2 để làm đường, nhà văn hóa. Bản Tam Kha có gần 10 hộ hiến từ 120 đến 500 m2 để phục vụ công trình giao thông. “Trước hết gia đình đảng viên gương mẫu làm trước, sau đó mới vận động được người khác làm theo”, ông Hiên chia sẻ.
Chuyện hiến đất làm đường GTNT ở huyện Yên Thế chỉ là một trong nhiều minh chứng về dân vận khéo ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bắc Giang thời gian qua. 5 năm qua, không ít các công trình, dự án lớn được triển khai xây dựng ở miền núi, vùng cao bước đầu gặp vô vàn khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, song nhờ làm tốt công tác dân vận, các dự án thực hiện đúng tiến độ, tạo đột phá trong phát triển kinh tế vùng. Điển hình như năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang quy hoạch xây dựng Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, diện tích 14 ha tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Đây được coi là dự án phát triển du lịch lớn nhất tỉnh bên sườn Tây Yên Tử với tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chia ba giai đoạn (từ năm 2016 đến 2021). Dự án hoàn thành sẽ làm điểm nhấn đặc biệt, tạo đòn bẩy phát triển du lịch của tỉnh. Trên địa bàn xã sẽ có 12 km đường tỉnh 293 chạy qua với 76 hộ trong diện phải di dời, diện tích khoảng 136 ha thuộc sáu thôn. Khó khăn nhất của dự án là việc giải phóng mặt bằng, nhiều hộ không chấp nhận phương án bồi thường, không chịu di dời. Đảng ủy, UBND xã Tuấn Mậu tổ chức nhiều cuộc họp dân, kết hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn để bà con hiểu. Nhiều đảng viên, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có uy tín của xã đến tận gia đình tuyên truyền, vận động. Đến nay, các công trình, dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ, bà con vô cùng phấn khởi vì được hưởng lợi. Nhiều hộ dân trong xã tự nguyện di dời và hiến hàng trăm mét đất canh tác để làm đường.
Ở nhiều nơi, cũng từ công tác dân vận khéo đã thúc đẩy các phong trào thi đua lao động, sản xuất đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM). Đơn cử ở thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn - nơi có gần 100% số dân là dân tộc Sán Dìu. Bí thư Chi bộ thôn Dương Văn Trình cho biết: “Để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, tổ dân vận phân công từng thành viên phụ trách theo nhóm hộ, những hộ đóng góp nhiều ngày công, tiền của được biểu dương trên hệ thống loa truyền thanh”. Tháng 8 vừa qua, thôn đã hoàn thành toàn bộ bảy tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
Việc thực hiện “dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bắc Giang thời gian qua để lại những bài học sâu sắc, có giá trị cho mỗi cấp ủy. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy một số giải pháp trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo như: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 49 ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; Nghị quyết số 110, ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay... Đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với xây dựng NTM và các phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận trong việc tham mưu với cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo”. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở kiến thức công tác dân vận, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Để làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, nhất là phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, bởi đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công. “Dân vận khéo” phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; xuất phát từ lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín để thu hút lực lượng tham gia... Theo Bí thư Huyện ủy Sơn Động Nghiêm Xuân Hưởng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Mặt khác, quan tâm củng cố hoạt động bộ máy chính quyền các cấp, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo...
Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn Lê Xuân Thắng khẳng định, “dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS phải chọn đúng người, lựa chọn cán bộ am hiểu về pháp luật, phong tục, tập quán, có uy tín. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền nơi đó phải thật sự sát sao, mọi việc làm phải xuất phát vì lợi ích của nhân dân mới mang lại hiệu quả.
(nhandan.com.vn)