Mười năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực được nhân rộng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở địa phương.
|
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
động viên đồng bào xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) vươn lên thoát nghèo |
Cùng chung sức làm tốt dân vận
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung vận động người dân phát huy nội lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa cây, đa con, phát triển chuỗi giá trị, vươn lên làm giàu chính đáng và giúp nhau thoát nghèo bền vững.
Đơn cử, thực hiện chủ trương mới về công tác dân vận, tham gia “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo” và “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức đã chủ động, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.
Trong đó, công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như phối hợp khảo sát từng hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ, giúp đỡ là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Nhiều năm qua, ngoài việc trợ giúp về kỹ thuật sản xuất, phân bón, ngày công, cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã giúp 12 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn 10 con bò, 4 con heo giống và vật liệu làm chuồng trị giá trên 220 triệu đồng, góp phần giảm được 6 hộ nghèo.
Về phía các cấp hội phụ nữ, ngoài việc tuyên truyền, vận động hội viên tự lực trong sản xuất cũng đã xây dựng nhiều mô hình tiết kiệm để giúp hội viên, phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Điển hình, Hội LHPN huyện Đắk Mil phát triển các mô hình ống tiền tiết kiệm, mua sắm dụng cụ gia đình, tổ đổi công, tiết kiệm nuôi bò vì phụ nữ nghèo… Hội LHPN huyện Tuy Đức duy trì 77 câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, thu hút 1.572 thành viên tham gia, với số vốn 2,12 tỷ đồng giúp 527 lượt chị vay; thành lập 47 nhóm tiết kiệm với số vốn trên 6 tỷ đồng giúp 271 chị vay…
Trong xây dựng nông thôn mới, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, các tầng lớp Nhân dân đã tích cực hưởng ứng, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình công cộng, cũng như thực hiện các bộ tiêu chí đề ra. Điển hình, ở huyện Đắk Glong, ông Vàng A Dung ở xã Đắk R’măng hiến hơn 1.000m2 đất để xây dựng nhà văn hóa. Các ông: K’Phim, Vàng A Sầu ở xã Đắk Som huy động người dân đóng góp ngày công lao động xây dựng đường giao thông, đóng góp tiền mua 1.000m2 đất làm trường mẫu giáo thôn và mua đất làm nghĩa địa cho thôn…
Bộ đội Biên phòng tỉnh thông qua nhiều kênh khác nhau đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa 90,46 km đường giao thông nông thôn, 38,52 km kênh mương thủy lợi; khai hoang 62 ha đất; tu sửa 27 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, 17 phòng học, 25 trường học, 7 trạm y tế, 9 công trình nước sạch, 11 cầu, 104 nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn ở khu vực biên giới; giúp được 227 thoát nghèo…
Tạo động lực mạnh mẽ
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và toàn dân, sau 10 năm, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 91.918 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân đóng góp trên 2.113 tỷ đồng. Đến nay, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc, 16/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 13,44 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Thông qua phong trào “Dân vận khéo”, với những mô hình hay, cách làm mới, các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật, giữ gìn bình yên cuộc sống cho người dân. Có thể kể đến như các mô hình: “Tổ dân phố không có tệ nạn xã hội”, “Xứ đạo không có ma túy”, “Gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc”; “Câu lạc bộ phụ nữ quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “2+1” (hai người tốt giúp đỡ một người chưa tốt); “Ba giảm, bốn giữ, hai không” (giảm tội phạm, giảm tai nạn giao thông, giảm tệ nạn xã hội; giữ người, giữ của, giữ làng xóm thôn, bon, giữ tình thương và không có tệ nạn ma túy, không có tệ nạn mại dâm); “Ba không” (gia đình không có người hoạt động tệ nạn xã hội; không có người vi phạm pháp luật; không có bạo lực gia đình).
Lực lượng quân sự tỉnh thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân vận, công tác tôn giáo. Các đơn vị đã phối hợp vận động người dân tố giác, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu hồi 63 khẩu súng tự chế các loại, tiêu hủy 75 quả đạn cối, 18 quả bom…
Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy được quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự đồng thuận, cùng chung tay thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
(baodaknong.org.vn)