Thứ Ba, 26/11/2024
Hậu Giang: Lan tỏa thi đua “Dân vận khéo”
 
 Mô hình dân vận khéo xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp đã được cấp ủy,
chính quyền các cấp triển khai thực hiện ở nhiều nơi.

 

Hiệu quả

Tiêu biểu như mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo” do Mặt trận các cấp phát động thực hiện đã đóng góp thiết thực cho công tác an sinh xã hội.

Nhắc đến hoạt động của Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn thời gian qua, ông Trần Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối vận Đảng ủy xã Tân Hòa, đánh giá: “Câu lạc bộ có nhiều đóng tích cực cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Qua đó, giúp cải thiện đời sống cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo”.

Nhà anh Hồ Văn Hoài, ở ấp 6B, xã Tân Hòa, là một trong hàng chục căn nhà do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo hỗ trợ xây dựng. Do không ruộng đất, làm mướn để sống qua ngày nên được ngôi nhà kín đáo đối với anh là một ước mơ.

Anh Hoài tâm sự: “Không có tiền nên mình đâu có nghĩ tới việc cất nhà. Hồi đó nước ngập lút hết trơn, được như vầy rất vui! Có nhà che nắng che mưa, mình cũng an tâm đi làm”.

Ông Đoàn Huỳnh Lương, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hòa, cho rằng: “Có những căn nhà, khi bàn giao người ta mừng phát khóc nên thấy việc làm của chúng tôi ý nghĩa hơn”.

Ngoài xây dựng nhà tình thương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hòa còn vận động hỗ trợ 1.500 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; vận động xây dựng 2 cây cầu bê tông ở ấp 1B và ấp 2B với tổng số tiền 197 triệu đồng…

Ngoài mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo”, trên lĩnh vực văn hóa, xã hội còn xuất hiện nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo hết sức thiết thực, như: khu dân cư vượt lũ kiểu mẫu theo tiêu chí nông thôn mới; nuôi heo đất gây quỹ hỗ trợ thiên tai; câu lạc bộ “Thứ bảy chung tay vì cộng đồng”; tổ vận động giải phóng mặt bằng công trình giao thông nông thôn…

Còn trên lĩnh vực kinh tế có các mô hình tiêu biểu, như: vượt nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer; chi bộ phát động đảng viên có mô hình phát triển kinh tế gia đình; tổ đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa cùng nhau phát triển kinh tế gia đình…

Qua đó, đã tập trung vận động người dân tham gia các mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương gắn với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phát huy sức sáng tạo của người dân, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác…

Hay trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã phát động xây dựng các mô hình tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì bình yên cuộc sống; tổ chức tuyên truyền về Luật An toàn giao thông, Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng, các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của địa phương liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nổi bật là mô hình: Tự phòng - tự quản; giúp cho người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng; phòng ngừa trẻ em làm trái pháp luật trong học đường; tổ tự quản đảm bảo an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc Khmer; camera an ninh; tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng hàng rào an ninh trong lòng Nhân dân...

Từng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả như những “viên gạch hồng” để xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Nhất là đã tuyên truyền, vận động người dân góp sức vào công việc chung, để Đảng, chính quyền với Nhân dân chung một ý chí, một hành động.

Nhân rộng cách làm hay, sáng tạo

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, có được kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của công tác dân vận, khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Từ đó, có những chính sách, chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.

Ban dân vận các cấp còn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể phát động phong trào dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt là phong trào thi đua dân vận khéo được gắn với việc học tập và làm theo Bác đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức và hành động từ trong nội bộ cán bộ, đảng viên đến Nhân dân.

Đồng chí Trần Hoàng Nam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết những năm qua, việc thực hiện các mô hình dân vận khéo đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn huyện. Đó là nhờ mỗi cơ quan, ban, ngành, xã, thị trấn đều nỗ lực tìm tòi xây dựng những mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị.

Mặt khác, các tập thể hay cá nhân khi đăng ký mô hình đều cố gắng thực hiện tốt theo các nội dung đã đăng ký chứ không làm qua loa, sơ sài cho có. Chưa kể, Ban Dân vận Huyện ủy và Khối dân vận các xã, thị trấn cũng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các mô hình do tập thể và cá nhân đăng ký, còn yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu.

“Trước đây, các tập thể hay cá nhân tập trung đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực sản xuất là chủ yếu, dẫn tới số lượng đăng ký còn hạn chế. Vì vậy, ngành chức năng của huyện ra sức tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu là công tác dân vận không đóng khung ở một lĩnh vực nhất định, mà nó xuất hiện rộng khắp trong đời sống - xã hội. Nhờ vậy việc đăng ký thực hiện các mô hình có sức lan tỏa rộng khắp trên nhiều lĩnh vực như hiện nay”, đồng chí Trần Hoàng Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá, một số cấp ủy chưa quan tâm đầy đủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo. Hiệu quả mô hình dân vận khéo ở một số nơi chưa cao, không thể duy trì lâu dài, do chọn những nội dung chưa phù hợp điều kiện thực tiễn hoặc những mô hình cũ đã có từ nhiều năm trước, thiếu tính sáng tạo. Kinh phí dành cho việc xây dựng các mô hình không có, phần nào đã tác động đến kết quả thực hiện mô hình, điển hình dân vận khéo trên địa bàn.

Vì vậy, để phong trào thi đua dân vận khéo phát huy hiệu quả hơn, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục học tập, quán triệt bài báo “Dân vận” của Bác Hồ, qua đó giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua dân vận khéo nói riêng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, định kỳ có đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ, tổng kết để nắm tình hình, rút kinh nghiệm và có hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng như biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân nhằm cổ vũ phong trào.

Ngoài ra, định kỳ tổ chức hội thi dân vận khéo các cấp để phát hiện cá nhân, tập thể có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả thiết thực trong công tác dân vận nhằm góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân vận các cấp…

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đang ra sức phát huy vai trò, hiệu quả của công tác dân vận thông qua những mô hình dân vận khéo.

Đáng mừng là các mô hình dân vận khéo đăng ký thực hiện trên mọi lĩnh vực, với những cách làm khác nhau, nhưng đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên “làn gió mới” cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đây là nền tảng tích cực để các mô hình dân vận khéo tiếp tục “sinh sôi nảy nở” và phát huy hơn nữa hiệu quả thời gian tới…

Mười năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng 168 tập thể, 272 cá nhân có mô hình, điển hình dân vận khéo tiêu biểu, nổi bật.


(baohaugiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất