Thứ Bảy, 4/1/2025
Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Sơn La
 
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập tuyên truyền thực hiện
Quy chế biên giới
tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập.

 

Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của bà Nguyễn Thị Luyến, xã Đông Sang, một điển hình “dân vận khéo” mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Mộc Châu. Bà Luyến chân tình: Tôi nghĩ mô hình gì cũng phải gắn với nâng cao thu nhập cho gia đình và cộng đồng. Năm 2013, tôi vận động 38 chị em trong tổ hợp tác trồng rau của bản đăng ký thành lập HTX rau an toàn Tự Nhiên, thâm canh 20 ha theo quy trình VietGAP. HTX hiện đang cung cấp trên 30 sản phẩm rau sạch, an toàn, mỗi năm xuất bán gần 1.000 tấn rau các loại cho các siêu thị lớn tại Hà Nội, cung cấp cho các trường học, nhà hàng trên địa bàn huyện Mộc Châu, chưa kể du khách tham quan mua trực tiếp tại vườn... Nghề trồng rau đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX, tổng thu bình quân 500-600 triệu đồng/ha/năm...

Đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình “dân vận khéo” đã và đang phát huy hiệu quả, bởi qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2019, toàn tỉnh có tới 2.665 mô hình (1.921 tập thể, 744 cá nhân). Trong phát triển kinh tế, các mô hình “dân vận khéo” tập trung vào các nội dung: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây lương thực, rau, hoa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chuyển đổi diện tích canh tác cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn; thực hiện các dự án trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng; phát triển chăn nuôi đại gia súc... thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo việc làm ổn định cho lao động sở tại, góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như: Trang trại cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, nuôi cá của các hộ gia đình ở xã Chiềng Xuân (Vân Hồ), thu nhập bình quân 400-700 triệu đồng/hộ/năm; trồng 40 ha cây sa nhân của 41 hộ dân tộc Mông bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha; trồng thanh long ruột đỏ, cam, bưởi trên đất dốc, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel của gia đình bà Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm...

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, mô hình “dân vận khéo” được gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng trường lớp, xoá mù chữ, vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường, hoàn thành phổ cập giáo dục; xây dựng xã hội học tập; tuyên truyền, vận động xã hội hóa các hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, người nghèo, neo đơn, cao tuổi, tàn tật, nạn nhân chất độc da cam; chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân, tiêm chủng mở rộng, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường. Thực hiện hiệu quả các nội quy, quy chế, quy định, hương ước, quy ước, nội dung cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào Mông; tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Nhiều mô hình ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng rãi, như:  “Mái ấm công đoàn” Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳnh Nhai; “Ánh sáng bản làng” của Thành Đoàn; “Xây dựng dòng họ học tập” của dòng họ Lường bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu); “Dạy xóa mù chữ” tại các bản vùng cao của Đồn Biên phòng Mường Lạn (Sốp Cộp); xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” của Hội LHPN xã Mường Sang (Mộc Châu)... 

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh và củng cố hệ thống chính trị, các mô hình “dân vận khéo” tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ động phòng ngừa tệ nạn xã hội ngay tại cơ sở, không để xảy ra các điểm nóng, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất... với các mô hình tiêu biểu như: “Vì đàn em thân yêu”, “Ấm lòng quân dân, thắm tình dân bản”, “Bữa sáng cho em” của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu); “Đọc báo cho dân nghe” của Công an tỉnh...

Những kết quả thiết thực của phong trào thi đua “dân vận khéo” đã và đang khẳng định đây là chủ trương đúng, trúng ý Đảng, hợp lòng dân, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

(baosonla.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất