Chủ Nhật, 29/12/2024
Những người "truyền lửa" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk
Ông Hoàng Văn Pú chăm sóc vườn mía của gia đình.

Huyện Ea Kar hiện có 92 người có uy tín thuộc các dân tộc Êđê, Xê Đăng, Tày, Nùng, Dao, Thái, Hmông... Họ là những tấm gương tiêu biểu, gương mẫu, tiên phong trong các phong trào, đồng thời thực hiện tốt việc vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Tiêu biểu như ông Hoàng Văn Pú (dân tộc Nùng, thôn 5, xã Ea Sar), người có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Gần 10 năm được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Pú đã tham gia hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương; đặc biệt ông còn là tấm gương tiêu biểu trong  phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới…

Thôn 5 (xã Ea Sar) có 9 dân tộc anh em cùng chung sống, do đó, với vai trò, trách nhiệm là người có uy tín, để người dân nghe và làm theo, ông Pú luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Đơn cử như thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đã tự nguyện hiến 2,4 sào đất đang trồng mía để làm đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông đã giải thích cặn kẽ để người dân hiểu về lợi ích, ý nghĩa của chương trình này.

Từ đó, không chỉ người dân trong thôn và các thôn, buôn khác cũng đồng tình, hưởng ứng hiến đất, đóng góp ngày công và tiền của để góp sức cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Mặc khác, ông Pú luôn nắm bắt, kịp thời chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, hiện tại ông đang canh tác hơn 3 ha đất trồng cây công nghiệp, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông cũng đã hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp. Như vụ hai người dân tranh chấp đất canh tác dẫn đến nguy cơ đánh nhau, với những hiểu biết cũng như uy tín của mình, ông đã ngăn được vụ ẩu đả, thuyết phục hai bên cùng ngồi lại trò chuyện, giải quyết sự việc một cách ổn thỏa.

Ở buôn Dhăm (xã Ea Bông, huyện Krông Ana), chị H’Yer Knul, Trưởng buôn kiêm Bí thư Chi bộ buôn là người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số được người dân tin yêu. Năm nay dù tuổi đời chưa đến 40, nhưng bằng uy tín, kinh nghiệm, nói đi đôi với làm, chị H’Yer đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội tại buôn Dhăm. Trong đó, đáng kể là giúp các hộ khó khăn, hộ nghèo vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế. Đến nay, trong buôn có trên 90% hộ dân được vay vốn từ các chương trình với mức vay từ 10 - 30 triệu đồng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Chị H’Yer chia sẻ, phải đảm nhiệm nhiều vai trò nên đôi lúc áp lực công việc khá nặng, tuy nhiên với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác dân vận tại Đội công tác 253 của xã, chị vẫn cố gắng khắc phục, phát huy được vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống ngày càng phát triển; đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới chị luôn gương mẫu đi đầu để người dân học tập làm theo...

Có thể nói, những người có uy tín, mỗi người có thể có cách làm việc khác nhau nhưng đều chung mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng. Họ chính là chiếc cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo nhân dân các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(baodaklak.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi