Ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vốn là vùng trồng trà, cây ăn trái. Năm 2003, vùng đất này và nhiều nơi khác được Nhà nước thu hồi một phần để phát triển công nghiệp, đô thị. Đảng viên Tư Quang (tên thật Đào Mỹ Quang, 62 tuổi đời, 32 tuổi Đảng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Mỹ 1) và nhiều đảng viên khác không những tự nguyện giao đất mà còn vận động nhân dân thực hiện chủ trương trên.
Từ năm 2010 đến nay, đảng viên Tư Quang luôn là “đầu tàu” trong việc vận động nhân dân trong ấp Phú Mỹ 1 góp sức, tiền cùng địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn.
* Sống xứng đáng với vùng đất anh hùng
Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của vùng đất Phú Hội anh hùng, trước năm 1975, ông Tư Quang làm liên lạc cho các đơn vị bộ đội, du kích địa phương. Đất nước thống nhất, ông tham gia lực lượng du kích. Năm 1988, ông được kết nạp Đảng, phân công giữ nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội Nông dân, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội.
Bí thư Chi bộ ấp Phú Mỹ 1 Nguyễn Văn Hải bày tỏ, đảng viên Tư Quang năm nào cũng được tập thể đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được xã, huyện nhiều lần biểu dương có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đảng viên Tư Quang rất có uy tín với đảng viên, cán bộ trong ấp và người dân nhờ có lối sống và làm việc gương mẫu.
|
Ông Tư Quang kể, thời Phú Hội mới giải phóng, kinh tế bao cấp, đời sống nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên chủ tịch, bí thư xã sáng ra văn phòng làm việc, chiều tối vác cuốc làm vườn, ruộng là bình thường nên ông cũng không ngoại lệ. Do cuộc sống của cán bộ và nhân dân khó khăn như nhau nên không có chuyện phiền hà, tham ô, tham nhũng xảy ra. Hơn nữa, cán bộ xã, ấp đều thuộc gia đình truyền thống cách mạng, từng tham gia kháng chiến nên ai cũng công tác, làm việc vì dân và cố gắng giữ uy tín cho gia đình, dòng họ.
Vốn xuất thân từ nông dân, hiểu ruộng đồng và kỹ thuật canh tác của nhà nông trong xã như vườn ruộng gia đình, nên khi giữ nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội Nông dân, Phó chủ tịch UBND xã (giai đoạn 1988 -1994), ông Tư Quang bắt tay cùng với nhà nông ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác tiến bộ vào mùa vụ. “Thời đó làm cán bộ nghèo nhưng vui, hễ ruộng đồng có chuyện vui buồn như: dịch bệnh, trúng vụ, trễ vụ... là nông dân chúng tôi tổ chức hội thảo đầu bờ bàn bạc giải pháp rất sôi nổi” - ông Tư Quang nói.
* Vận động làm đường
Vốn là cán bộ, đảng viên luôn gần dân, năm 1995 khi ông Tư Quang thôi làm cán bộ lãnh đạo xã về công tác ấp (Phó bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Mỹ 1), việc gì dân cần ông cũng đứng ra lo giúp hoặc hướng dẫn. “Thời đó, người dân trong ấp đã xây dựng được mô hình trợ táng, hễ có người qua đời là cả ấp kéo tới lo ma chay. Còn hễ ai thiếu lúa giống, lúa ăn thì hàng xóm lân cận thường hay san sẻ. Ông Tư Quang là đảng viên rất nhiệt tình trong những việc này” - ông Năm Tiên, một người dân trong ấp cho hay.
Ông Phạm Văn Phát, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Phú Mỹ 1 cho hay, ấp Phú Mỹ 1 hiện bê tông hóa 100% tuyến đường trục chính, đường khu dân cư. Riêng các nhánh nhỏ từ nhà dân nối với tuyến chính, khu dân cư đạt gần 90%. Kết quả này có sự góp sức vận động của đảng viên Tư Quang.
Ông Tư Quang tâm sự, người dân trong ấp nghe lời ông trong vận động làm đường vì được ông giải thích cái lợi, cái được do xây dựng nông thôn mới mang lại. Đồng thời, trong quá trình làm, ông phổ biến rõ với người dân, hộ nào khó khăn quá thì được miễn hoặc giảm một phần đóng góp. Số tiền thiếu hụt thì vận động hộ khá giả đóng góp thêm để bù cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Còn để công trình làm đường có giá thấp nhất so với dự kiến thì trong quá trình thực hiện, người dân phải góp công và mọi khoản đóng góp của dân đều được công khai, minh bạch.
(baodongnai.com.vn)