Thứ Bảy, 28/12/2024
Nhìn lại 10 năm thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở Lâm Đồng
 
Trao tặng nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc thiểu số. 


Việc thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một trong những chương trình trọng tâm, trọng điểm có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Chính vì vậy, thời gian qua, hệ thống dân vận của tỉnh đã tập trung phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Quy chế dân chủ, công tác dân vận chính quyền, về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào, các cuộc vận động, nhất là phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”. 10 năm qua, nhiều mô hình, điển hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác vận động quần chúng đã được nhân rộng. 

Theo thống kê của Ban Dân vận, toàn tỉnh hiện đã xây dựng và nhân rộng được 8.641 điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực (cấp tỉnh có 316 điển hình, 207 điển hình tập thể và 109 điển hình cá nhân; cấp huyện có 8.325 điển hình, 5.004 điển hình tập thể và 3.321 điển hình cá nhân). 

Đến nay, toàn tỉnh cũng đã triển khai và xây dựng được 87 mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo. Bên cạnh đó, việc triển khai và thực hiện Chuyên mục “Dân vận khéo” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng và trên Báo Lâm Đồng hàng tháng được đánh giá là một chuyên mục thiết thực, chất lượng và có sự lan tỏa trong Nhân dân, được các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp tích cực tham gia phối hợp thực hiện. Đặc biệt, một số địa phương ở các huyện miền núi, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã phát huy sức mạnh của Nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới, nhất là vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công ích phục vụ đời sống của Nhân dân. 

Đặc biệt, với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo 502 tỉnh) đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức thành công 8 đợt công tác dân vận tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng trị giá các đợt công tác dân vận đạt hơn 20 tỷ đồng, góp phần cùng địa phương chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Công tác dân vận vì thế cũng được đánh giá là có nhiều đổi mới và cụ thể hơn, mang lại lợi ích, hiệu quả thiết thực cho người dân. 

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp từng bước được đẩy mạnh. Việc triển khai và thực hiện Quy chế dân chủ thời gian qua đã góp phần giúp cho công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng gần dân, sát dân và vì dân phục vụ. Các chính sách của Nhà nước được các cấp chính quyền tổ chức thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Đến nay, 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ Bưu chính công ích; 12/12 huyện, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp dân của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy và thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân theo quy chế đề ra; 142/142 xã, phường, thị trấn, các cấp ủy cơ sở đều có Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và hàng năm đều xây dựng kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ các loại hình, phù hợp với tình hình yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Có thể khẳng định rằng, 10 năm qua, việc thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phong trào đã không chỉ góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận của Đảng, giúp các cấp ủy đảng nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân mà thông qua công tác này còn tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, giúp Nhân dân ngày càng hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân về cả mặt nhận thức và hành động. Qua đó, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của địa phương 10 năm qua. 

(baolamdong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi