Trong mọi thời điểm, hoàn cảnh, việc tập hợp, huy động sức mạnh đồng thuận của toàn dân luôn có vai trò đặc biệt quan trọng để đi đến những thành công.
|
Ông Vương Văn Khoát còn nhớ mãi những tháng ngày tham gia giữ vững “trận địa xanh”
trên đồng ruộng quê hương |
Xông ra mặt trận
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt", để nhân dân trong tỉnh đồng lòng nghe theo lời Đảng gọi, công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cùng thực hiện. Những năm đầu kháng chiến, đó là việc vận động nông dân tham gia các tổ đổi công, vào HTX, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, với tinh thần chắc tay cày, tay súng, nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thực hiện công tác phòng không nhân dân. Để chi viện cho chiến trường miền Nam, các gia đình động viên con em lên đường nhập ngũ... Thời chiến, nhiều chủ trương là mệnh lệnh mà toàn quân và toàn dân phải thực hiện, song công tác dân vận không vì thế bị coi nhẹ. Để vận động quần chúng nhân dân, nhiều cán bộ, đảng viên đã tự mình nêu gương sáng trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai các chủ trương của cấp trên.
Sắp bước sang tuổi 90 nhưng ông Vương Văn Khoát, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ái Quốc (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương) vẫn nhớ như in về những tháng ngày tham gia giữ vững “trận địa xanh” trên đồng ruộng quê hương. Vì có đường 5 huyết mạch đi qua với hai cây cầu lớn Phú Lương và Lai Vu, xã Ái Quốc là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Có thời điểm, đồng ruộng vắng vẻ vì nông dân lo sợ bom đạn. Nếu tình hình trên kéo dài thì dân sẽ thiếu ăn, nghĩa vụ đối với Nhà nước không hoàn thành. Để đẩy mạnh sản xuất, Đảng ủy xã đã bố trí các tổ cày do các cán bộ, đảng viên dân quân tự vệ đảm nhận. "Thời ấy, cán bộ phải miệng nói, tay làm, đảng viên đi trước thì làng nước ắt sẽ theo sau. Nhiều đảng viên nêu gương, dũng cảm đi sản xuất trong bom đạn. Thấy vậy, nhiều xã viên noi gương đến gặp đội trưởng sản xuất để xin giao việc", ông Khoát cho biết. Theo ông, những đường cày của cán bộ, đảng viên không chỉ lật đất mà còn phá vỡ các tư tưởng hoang mang, dao động chớm xuất hiện trong cán bộ và xã viên lúc đó. Nhờ vậy, xã Ái Quốc tập hợp được sức mạnh tập thể, giữ vững nền nếp lao động sản xuất. Ái Quốc là một trong những địa phương đầu tiên của huyện, của tỉnh đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha, riêng HTX Vũ Thượng dẫn đầu với năng suất 6 tấn được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 1973, Ái Quốc là xã đầu tiên của tỉnh Hải Hưng vinh dự được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Phạm Văn Trác, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng nhớ lại tinh thần "quân không thiếu một người" những năm chống Mỹ. Thời kỳ đó, khắp nơi trong tỉnh diễn ra sôi nổi phong trào "Mở hội xuống đồng - Tiễn chồng con lên đường đánh Mỹ". Nhờ làm tốt công tác giáo dục, động viên thanh niên nhập ngũ và chính sách hậu phương quân đội mà khi ấy ai cũng chung một suy nghĩ: “Tôi chỉ sợ mất nước chứ không sợ mất con”. Nhiều gia đình bồi dưỡng cho con em mình đủ cân, đủ sức, chạy chữa bệnh tật để con đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. "Tôi còn nhớ ở quê tôi, xã Cao An có thanh niên chưa đủ 18 tuổi còn viết đơn tình nguyện bằng máu để ra chiến trường. Ai cũng nhất nhất một lòng vì sự nghiệp thống nhất đất nước nên việc được ra chiến trường trở thành niềm tự hào của mỗi người, gia đình và cả dòng họ", ông Trác nói. Trong 4 năm 1969-1972, riêng ở Hải Dương có 23.672 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó con em cán bộ, đảng viên chiếm gần ¼, số gia đình có hai con trở lên tham gia quân đội chiếm 32,1%.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Trong công cuộc đổi mới và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để phát huy sức mạnh nhân dân, những năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục được coi trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng điển hình “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng ở các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân xây dựng, duy trì, nhân rộng ở tất cả các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, trên các địa bàn nông thôn, thành phố... Với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà", cán bộ làm công tác dân vận các cấp đã kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân dồn điền, đổi thửa, mở rộng đường thôn xóm, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, làm các tuyến phố văn minh. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn
Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... vận động hội viên chung sức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Trong 9 năm 2010-2019, người dân trong tỉnh đã đóng góp khoảng 3.600 tỷ đồng, trên 5 triệu ngày công lao động và hiến trên 900.000 m2 đất vườn, đất ở, trên 3,8 triệu m2 đất ruộng, nhiều nhà hảo tâm, con em quê hương thành đạt đã ủng hộ tổng số 358 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ có những đóng góp to lớn của người dân mà đến nay 90% số xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo quê hương ngày càng đổi thay.
Những ngày tháng tư lịch sử, Hải Dương cùng với cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19. Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình này, việc huy động sự đồng thuận, góp sức của người dân tiếp tục có vai trò quan trọng, dẫn đến những thành công bước đầu. Thực tế cho thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà người dân trong tỉnh không chỉ chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch mà còn tự nguyện chung sức, đồng lòng san sẻ khó khăn, tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đánh “giặc Covid-19”.
(baohaiduong.vn)